Mới đây, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử nhóm người quốc tịch Trung Quốc và Việt Nam về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.
Mộng đổi đời
Theo hồ sơ vụ án, Trần Tuấn (trú ở xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) xuất cảnh sang Châu Âu từ năm 2015, hiện lao động tự do ở Anh quốc. Hay tin việc Tuấn làm ăn khấm khá ở nước này, một số người Việt Nam nhờ anh ta tìm cách giúp cho người thân đi Châu Âu lao động.
Tuấn đồng ý và tổ chức cho người Việt Nam trốn đi Châu Âu bằng phương thức sử dụng hộ chiếu để xuất cảnh sang Thái Lan theo hình thức du lịch. Khi đến Thái Lan, những người này sử dụng hộ chiếu Trung Quốc dán ảnh của họ để tiếp tục xuất cảnh từ đây sang Châu Âu.
Tuấn lấy chi phí 17.000 USD đến 40.000 USD tùy mỗi trường hợp. Khi nào khách đến nơi, người nhà ở Việt Nam mới phải trả tiền. Tuấn hướng dẫn họ làm hồ sơ gồm hộ chiếu, ảnh chụp chân dung và bản photocopy sổ hộ khẩu chuyển cho vợ anh ta là Phan Thị Thùy Linh.
Nhóm bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10/12 vừa qua.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ của 14 người, Linh đã ghi chép lại và chụp ảnh hộ chiếu gửi cho Tuấn. Trên cơ sở đó, Tuấn, Nguyễn Thị Hòa (hiện ở Anh quốc) đã gửi tiếp cho Lê Văn Vĩ sống tại Hải Phòng để nhờ mua vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Bangkok.
Đầu tháng 6/2018, Hòa gọi điện thoại cho Phạm Đức Dương trao đổi một số thông tin liên quan đến việc đi Thái Lan của 15 trường hợp trên. Theo đó, Dương mang đi lấy vé máy bay từ Vĩ rồi chuyển cho nhóm người này và dặn họ khi sang tới Thái Lan ra cửa số 6 sẽ có người đón. Sau khi làm các thao tác này, Dương được trả công 3 triệu đồng. Sau khi sang Thái Lan, một phụ nữ trong nhóm đi đã quyết định quay về Việt Nam.
Ngày 30/6/2018, 14 người này được một phụ nữ thông báo do hết hạn thị thực tại Thái Lan nên đưa họ sang Campuchia để đóng dấu thị thực. Sau đó, ngày 2/7/2018, những người này chuẩn bị làm thủ tục bay từ Campuchia sang Thái Lan thì bị lực lượng chức năng tạm giữ, phạt mỗi người 100 euro.
Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, từ tháng 4 đến tháng 5/2018, Tuấn và Linh đã tổ chức cho 14 người đi Châu Âu. Ngoài 14 người này, Tuấn còn trực tiếp trao đổi, thỏa thuận, nhận hồ sơ của một người khác.
Đường đi không suôn sẻ của những người trốn ra nước ngoài
Theo hồ sơ vụ án, để tổ chức cho nhóm người Việt Nam trốn ra nước ngoài trái phép, Tuấn đã câu kết với Trần Trận (quốc tịch Trung Quốc). Theo thỏa thuận, Trần Trận sau khi xem xét hồ sơ từ Tuấn, sẽ tìm những cuốn hộ chiếu Trung Quốc, dán ảnh khách Việt Nam vào để làm giả giấy tờ, tổ chức chuyến đi “bão táp”.
Tháng 7/2018, Dong Guo Li (người Trung Quốc) được Trần Trận giao nhiệm vụ sang Thái Lan nhận nhiệm vụ. Bị cáo gặp 14 người, lo ăn ở cho họ để chuẩn bị đưa đi xuất khẩu. Đến giữa tháng 7/2018, theo chỉ đạo của Trần Trận, Dong Guo Li mua vé máy bay cho Wong Chong Hiong và Ooi Gee Yik (quốc tịch Malaysia) sang Thái Lan để tiếp quản việc chăm lo 14 người.
Sau đó, Dong Guo Li theo chỉ đạo của Trần Trận đã chọn 2 trong số 14 người cho đi Châu Âu trước. Đôi nam nữ được nhóm Dong Guo Li đưa sang Malaysia, rồi đi qua một số quốc gia Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Albani, Croatia...) và nhập cảnh vào Pháp.
Sau một thời gian ở Pháp, nhóm tổ chức của Dong Guo Li rút lui, để mặc đôi nam nữ này phải tự tìm cách sang Anh quốc. Nam thanh niên do đi lạc sang Bỉ nên ngày 23/3/2019, anh này bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt, trục xuất về Việt Nam. Riêng người phụ nữ còn lại hiện vẫn chưa rõ tung tích.
Khoảng giữa tháng 7/2018, Dong Guo Li tiếp nhận thêm 3 trường hợp và cho nhập vào nhóm 12 người còn lại trước đó. Tuy nhiên, do hết thời hạn lưu trú tại Thái Lan, Dong Guo Li đã đưa nhóm 15 người này quay lại Việt Nam. Ngày 31/7/2018, Dong Guo Li nhập cảnh vào Việt Nam và thuê Nguyễn Thị Nhi làm phiên dịch.
Nhi biết người đàn ông này vào Việt Nam để tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Bởi ngoài việc phiên dịch, Nhi còn giúp anh ta tổ chức cho nhóm người muốn xuất khẩu chui ăn ở, trả tiền khách sạn. Nhi cũng dẫn 4 người trong nhóm khách đi mua quần áo, ăn mặc cho giống người Trung Quốc.
Trong quá trình tiếp xúc, trao đổi với nhóm khách, Nhi biết được họ có nhu cầu đi Châu Âu lao động, họ đã sang Thái Lan sau đó lại quay về, chờ đi tiếp. Cách thức đi bằng việc sử dụng hộ chiếu Trung Quốc, chi phí 20.000 USD/người. Nhi còn hướng dẫn 4 người khai báo gian dối để đối phó với cơ quan chức năng Việt Nam.
Trong thời gian nhóm khách ở Hà Nội, số khách hàng được nhóm người Trung Quốc dạy học thuộc các câu giao tiếp tiếng Trung, tiếng Anh cơ bản. Wong còn dạy học phát âm tên tuổi, nơi cư trú bằng tiếng Trung theo hộ chiếu Trung Quốc.
Sau khi lấy được 4 cuốn hộ chiếu, Dong Guo Li chọn 4 người để tổ chức tiếp đi sang Châu Âu. Ngày 12.8.2018, Dong Guo Li đặt 4 vé máy bay lộ trình Việt Nam - Thái Lan - Srilanka - Bosnia (quá cảnh tại Qatar). Tại Thái Lan, nhóm 4 người Việt Nam được đưa 4 hộ chiếu Trung Quốc, dán ảnh của họ vào. Sau đó, cả 4 người này dùng hộ chiếu giả là người Trung Quốc để nhập cảnh vào Srilanka.
Ngày 20.8.2018, 4 người tiếp tục lên máy bay để nhập cảnh vào Bosnia. Tại đây, 4 người này bị lực lượng hải quan kiểm tra, phát hiện họ không phải là người Trung Quốc nên đã trục xuất về Việt Nam. Dong Guo Li được đồng bọn báo lại sự việc này, nên đã bảo Nhi tìm nơi ở mới cho anh ta và nhóm khách.
Quá trình tham gia tổ chức cho người Việt Nam trốn đi nước ngoài, Dong Guo Li được Trần Tuấn cho biết sẽ có một người Việt Nam tên Antony (Phạm Đình Tuệ) là đầu mối gom khách. Tuệ là người tìm khách, sau đó gửi thông tin, ảnh cho Dong Guo Li. Ngoài đưa người sang Châu Âu, Tuệ và Dong Guo Li còn tổ chức cho khách trốn sang Mỹ.
Dong Guo Li được Trần Trận trả cho khoảng 10.000.150.000 nhân dân tệ (340-500 triệu đồng) tiền công. Bị cáo đã trực tiếp tổ chức cho 17 người Việt Nam trốn đi Châu Âu, trong đó 2 người đã sang Châu Âu, 4 người sang tới Bosnia, 4 người đã có hộ chiếu Trung Quốc, 7 người đã xuất cảnh sang Thái Lan, sau đó về Việt Nam chờ đi tiếp. Ngoài ra, bị cáo còn tổ chức cho 5 người trốn sang Mỹ song chưa đi được do bị phát hiện.
Trong vụ án, cơ quan chức năng nhận định, Trần Trận là người chủ mưu, cầm đầu đường dây tổ chức người Việt Nam trốn đi nước ngoài. Trần Trận đang ở Hy Lạp nên cơ quan chức năng chưa làm rõ được hành vi vi phạm pháp luật. Trần Tuấn hiện cũng sinh sống ở nước ngoài nên hồ sơ vụ án được tách rút, xử lý sau.
Ra trước tòa, các bị cáo Dong Guo Li, Wong Chong Hiong, Ooi Gee Yik, Phan Thị Thùy Linh... thừa nhận hành vi đưa người khác trốn ra nước ngoài.
Tòa cho rằng, vụ việc 39 người Việt Nam tử vong trong container tại Anh gần đây là bài học cảnh tỉnh sâu sắc với những người muốn đi lao động ở nước ngoài bằng con đường trái phép. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm.
Tòa đã tuyên phạt Dong Guo Li 7 năm 6 tháng tù tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Cùng tội danh, tòa tuyên phạt Wong Choong Hiong (34 tuổi) và Ooi Gee Yik (31 tuổi) cùng quốc tịch Malaysia lần lượt 6 năm 6 tháng và 6 năm.
Liên quan đến vụ án, tòa tuyên Phan Thị Thùy Linh (31 tuổi, Hà Tĩnh) 7 năm, Phạm Đức Dương (44 tuổi, Hải Phòng) và Nguyễn Thị Nhi (35 tuổi, Nghệ An) mỗi bị cáo 5 năm tù.