Không có chứng cứ thoả thuận biếu tiền
Theo cáo trạng số 89/Ctr-VKSTC-V3 ngày 17/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về Tội đưa hối lộ theo điều 364 Bộ luật hình sự, trình bày bào chữa cho thân chủ, luật sư Trần Hoàng Anh – Văn phòng luật sư Hoàng Anh và Cộng sự nói, qua diễn biến nhận thấy lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát đối với thân chủ cơ bản đã thể hiện được sự công minh và khoan hồng của pháp luật.
Luật sư Hoàng Anh trình bày, đến nay ông Phạm Nhật Vũ không có ý kiến về tội danh bị truy tố, chỉ mong Toà xem xét chứng cứ khách quan thể hiện khởi đầu ông Phạm Nhật Vũ mong muốn và xin phép bán AVG cho đối tác nước ngoài, sau đó do yêu cầu về mặt quản lý nhà nước và nhu cầu kinh doanh, MobiFone đã chủ động đề xuất, đàm phán với ông Phạm Nhật Vũ để mua cổ phần của AVG.
Đến nay cũng không có chứng cứ nào thể hiện hai bên có sự hứa hẹn, thoả thuận về việc biếu tiền hay quà gì.
“Ngay khi dư luận dị nghị về việc giá mua bán cao, làm thất thoát tài sản Nhà nước, mặc dù chưa cơ quan Nhà nước nào xác định ông Vũ có sai phạm gì, cũng không yêu cầu ông Vũ khắc phục gì, chưa khởi tố vụ án… ông Phạm Nhật Vũ đã thu gom hết tiền gia đình, vay mượn thêm (đến nay vẫn còn nợ khoảng 1000 tỷ) chủ động đề xuất xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần” – luật sư Hoàng Anh nói.
Theo luật sư của Văn phòng luật sư Hoàng Anh và Cộng sự, để đảm bảo Nhà nước không bị bất cứ thiệt hại, tổn thất gì, ông Phạm Nhật Vũ đã trả thêm toàn bộ tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và tất cả các chi phí phát sinh khác mà MobiFone đã chi phí cho việc mua bán với số tiền lên đến hơn 329 tỷ đồng.
Mặc dù nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của hợp đồng, song ông Phạm Nhật Vũ đã giúp MobiFone thoái vốn khỏi dự án Công ty Mai Lĩnh với số tiền đã đặt cọc hơn 300 tỷ đồng.
Đặc biệt thể hiện sự ăn năn khi biết trong kho của MobiFone còn tồn đọng khoảng 120 tỷ đồng tiền thiết bị, vật tư tồn kho mà Mobifone đã đầu tư mua sắm sau khi đã nhận chuyển nhượng, ông Phạm Nhật Vũ đã hỗ trợ mua lại hết số thiết bị, vật tư này của MobiFone, đảm bảo triệt để không dể sảy ra bất cứ tác hại nào dù nhỏ nhất cho Nhà nước.
“Các chứng cứ trên đã chứng minh bản chất thân chủ chúng tôi không hề có chủ đích, không sắp đặt, không trù tính, mong muốn làm thất thoát tài sản Nhà nước và đã nhất tâm, trách nhiệm; ăn năn hối cải khi chấp nhận khó khăn về mình, kể cả vay nợ để khắc phục triệt để mọi thiệt hại, tác hại có thể xảy ra cho Nhà nước” – luật sư Hoàng Anh trình bày.
Vị luật sư này cũng dẫn chứng, căn cứ vào các quy định của pháp luật, ông Vũ hoàn toàn đáp ứng và cần được áp dụng 10 tình tiết giảm nhẹ, gồm 6 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm a, b, s, t, u, v khoản 1 điều 51 và 4 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 điều 51 BLHS.
Cụ thể, đầu tiên là tình tiết giảm nhẹ “Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả”.
Với chứng cứ khách quan là các chứng từ chuyển tiền trả lại và được MobiFone xác nhận đã nhận đủ tiền, tại trang 47 cáo trạng số 89/Ctr-VKSTC-V3 ngày 17/10/2019 của VKSNDTC đã ghi nhận: “khi vụ án chưa khởi tố, Phạm Nhật Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho Mobifone gồm 8.445.324.611.000 đồng tiền chuyển nhượng cổ phần…”. Vậy theo quy định của pháp luật cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cho ông Phạm Nhật Vũ.
Tình tiết giảm nhẹ thứ 2 là “Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm”. Theo luật sư, ngoài số tiền 8.445.324.611.000 đồng, bằng 100% số tiền MobiFone đã chuyển thanh toán mua cổ phần trước đây đã được ông Vũ chuyển trả lại toàn bộ cho MobiFone để khắc phục hậu quả, để ngăn chặn và giải quyết triệt để các tác hại ông Phạm Nhật Vũ còn tự nguyện dùng tài sản riêng của mình chi trả thêm cho Mobifone.
Các khoản gồm toàn bộ các chi phí phát sinh liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần như tiền lãi, tiền thuế, phí tư vấn, lãi suất rút tiền trước hạn của MobiFone,… với tổng số tiền: 329.105.607.242 đồng;
Hỗ trợ AVG (sau khi MobiFone đã mua cổ phần) thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Giống tằm Mai Lĩnh (AVG đã ký hợp đồng và nhận 330 tỷ đồng tiền đặt cọc từ đối tác).
Phạm Nhật Vũ đã tự nguyện khai báo và đầu thú
Tình tiết giảm nhẹ thứ 3 được luật sư Đăng trình bày, đề nghị toà xem xét đối với Phạm Nhật Vũ là “Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.
Luật sư này dẫn chứng, tại trang 47 cáo trạng số 89/Ctr-VKSTC-V3 ngày 17/10/2019 của VKSNDTC đã nhận định “… Phạm Nhật Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi, tích cực khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra…”.
Khi biết Mobifone còn tồn lưu thiết bị, hàng hoá của AVG trị giá khoảng 100 tỷ, bị cáo Vũ đã ký hợp đồng mua lại số thiết bị này, đây cũng là một trong các tình tiết giảm nhẹ mà luật sư bào chữa đề nghị toà cho bị cáo này được hưởng.
Ngoài ra, ông Phạm Nhật Vũ đã mua lại toàn bộ thiết bị cũ hỏng bị lưu kho của AVG với số tiền là hơn 20 tỷ; mặc dù đã huỷ hợp đồng chuyển nhượng, đã nhận lại cổ phần AVG và đã khắc phục triệt để toàn bộ tiền chuyển nhượng, tất cả các chi phí, lãi suất phát sinh trong quá trình chuyển nhượng, song khi biết MobiFone còn tồn lưu thiết bị, hàng hoá của AVG trị giá khoảng 100 tỷ đồng (mà các Công ty khu vực của MobiFone đã đầu tư mua sau khi nhận chuyển nhượng), trong tháng 12/2018 ông Phạm Nhật Vũ đã hỗ trợ ký một loạt hợp đồng mua lại hết số thiết bị, hàng hoá lưu, tồn kho trên cho Mobifone trong phạm vi toàn quốc.
Với chứng cứ ông Phạm Nhật Vũ đã chi hơn 120 tỷ đồng để giải quyết tác hại có thể xảy ra (Mobifone có thể không bán được hơn 100 tỷ hàng lưu tồn kho này), và dù biết việc giải quyết số hàng tồn kho này nằm ngoài, vượt qua phạm vi, trách nhiệm khắc phục hậu quả của ông Phạm Nhật Vũ theo hợp đồng đã ký, ông Phạm Nhật Vũ đã thực sự thể hiện sự ăn năn, hối cải, trăn trở tìm mọi cách giải quyết tất cả các tác hại nếu có. Vì vậy ông Phạm Nhật Vũ xứng đáng được hưởng tình tiết giảm nhẹ này theo quy định.
Bên cạnh đó, luật sư bào chữa cho Phạm Nhật Vũ cũng trình bày, đề nghị cho thân chủ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ khác như “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án”, “Người phạm tội đã lập công chuộc tội”, “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác”, người thường xuyên làm các công việc thiện nguyện trợ giúp xã hội…
Luật sư Trần Hoàng Anh kiến nghị, mong Hội đồng xét xử xem xét thấu đáo những nội dung đơn trình bày và thỉnh cầu của bà Kolmakova Ekaterina - vợ của ông Phạm Nhật Vũ.
“Mong quý Tòa xem xét sai phạm của ông Vũ là do thiếu sự hiểu biết luật pháp, đã hành động theo cảm tính, nhận thức chủ quan theo văn hóa truyền thống, cũng như mong Tòa thấy được bản chất ông Phạm Nhật Vũ vốn không có chủ đích, không sắp đặt, không trù tính, không muốn gây ra thất thoát gì cho Nhà nước… mà xem xét cho ông Vũ được hưởng áp dụng chính sách khoan hồng quy định người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi “Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận” – luật sư bào chữa cho ông Phạm Nhật Vũ đề nghị.
Đề nghị xem xét tội danh
Vị đại diện cho nhóm luật sư bào chữa cho Phạm Nhật Vũ tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử ngoài xem xét tất cả các phát biểu, đơn thư, kiến nghị kêu gọi khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ của lãnh đạo nhà nước, của xã hội, của gia đình và của chính các cơ quan tố tụng, đề nghị lưu tâm xem xét đến một số vấn đề về chính sách khoan hồng được quy định trong Bộ luật hình sự.
Nhóm luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nội dung đơn trình bày và thỉnh cầu của bà Kolmakova Ekaterina - vợ của ông Phạm Nhật Vũ trong phần bào chữa cho thân chủ sáng ngày 23/12.
Cụ thể, việc ông Vũ dù chưa khởi tố, thậm chí chưa có cơ quan Nhà nước nào xác định ông Vũ có sai phạm gì, cũng không có bất cứ ai yêu cầu khắc phục gì, nhưng ông Vũ đã chủ động, quyết liệt khắc phục toàn bộ, triệt để mọi hậu quả, mọi tác hại (có thể có) với số tiền đặc biệt lớn - gần 9000 tỷ đồng.
Do vậy việc miễn giảm trách nhiệm hình sự tối đa cho ông Phạm Nhật Vũ sẽ vừa là để động viên, khuyến khích, làm gương cho các vụ án khác.
Căn cứ vào các chứng cứ khách quan, kết luận điều tra và Cáo trạng cũng đã ghi nhận chủ quan ông Vũ không có trù tính trước, không có ý định, mong muốn gây thiệt hại cho nhà nước.
Hành vi phạm tội là do sự nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật, chủ quan, cảm tính việc cảm ơn sau khi xong một việc không phải là hối lộ. Ông Phạm Nhật Vũ cũng không đoán định được các sai phạm trong quá trình phê duyệt dự án đầu tư công, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng điều 20 Bộ luật Hình sự quy định “…trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Cuối cùng, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khía cạnh tội nhận hối lộ quy định tại điều 354 của BLHS 2015 thuộc “Mục 1. các tội phạm tham nhũng”. Song tội đưa hối lộ quy định trong điều 364 nằm ở “Mục 2. Các tội phạm khác về chức vụ”.
Đây là hai tội nằm ở hai mục khác nhau và có sự phân hóa định khung hình phạt rất lớn - điều 364 có khung hình phạt thấp hơn rất nhiều.