Phát triển đại gia súc hiệu quả
Sáng 22/12, kiểm tra công tác chăn nuôi và phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và chuẩn bị nguồn cung thực phẩm phục vụ tết tại tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tỉnh Bắc Giang về khâu tổ chức ứng phó, địa phương đã tập trung các nhóm giải pháp phát triển đàn gia cầm, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh... Trong bối cảnh năm 2019 là năm khó khăn chung của ngành nông nghiệp thì các nhóm giải pháp trên có thể coi là “sức sống” của sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra thực tế tình hình tái đàn lợn tại một hộ chăn nuôi ở Bắc Giang. Ảnh: Minh Ngọc
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân, chủ trang trại, doanh nghiệp tập trung tái đàn lợn, chăn nuôi theo quy trình an toàn. Phương thức chăn nuôi theo hướng giảm nông hộ nhỏ lẻ, tăng mạnh chăn nuôi trang trại, quy mô lớn, áp dụng quy trình an toàn sinh học. Phấn đấu đến tháng 6/2020, tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt 1,1 triệu con. |
Theo đó, về cơ cấu đàn lợn của tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng 818.500 con (trong đó, lợn nái 63.000 con, lợn đực giống 490 con, lợn con theo mẹ trên 101.000 con, đàn lợn thịt trên 652.000 con). Nhờ làm tốt công tác an toàn sinh học nên đến nay, DTLCP trên địa bàn đã cơ bản được khống chế; 221/230 các xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh dịch. Tính đến ngày 21/12, toàn tỉnh Bắc Giang có 276.969 con lợn phải tiêu hủy (chiếm khoảng 25% tổng đàn) với tổng trọng lượng 14.690,7 tấn.
“Bắc Giang là địa phương chịu thiệt hại lớn do DTLCP, tuy nhiên tỉnh và các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tiêu độc khử trùng, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là địa phương đã tranh thủ được lợi thế tập trung phát triển đàn đại gia súc” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đến thăm trang trại lợn của gia đình bà Hoàng Thị Thái (xã Ngọc Châu, Tân Yên, Bắc Giang), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao khi nhận thấy trang trại của bà Thái áp dụng rất nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện tại, với 8.000 con lợn thịt, 1.000 lợn nái, trang trại của bà Thái vẫn bình yên giữa cơn “bão” DTLCP.
Bà Thái cho biết, những ngày vừa qua đã có nhiều thương lái đến hỏi mua lợn với giá cao, nhưng gia đình bà vẫn giữ nuôi để bán vào thời điểm cận Tết Nguyên đán và dự kiến sẽ xuất chuồng 2.000 con lợn (khoảng 300 tấn lợn hơi).
Sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác đến thăm trang trại nuôi gà của gia đình ông Dương Văn Hùng (ở xã Cao Thượng, huyện Tân Yên). Hiện gia đình ông đang nuôi 7.000 con gà mía lai và gà lai chọi. Từ nay tới dịp Tết Nguyên đán, trang trại của ông Hùng sẽ xuất chuồng khoảng 10 tấn gà. “Đây là một điều rất đáng mừng trong thời điểm giáp tết như hiện nay, người dân có thể bớt lo về nguồn cung thịt lợn và chuyển sang sử dụng các thực phẩm khác thay thế thịt lợn trong bối cảnh giá tăng cao” - Bộ trưởng Cường nói.
Thực hiện đồng bộ 3 giải pháp
Với đàn gia cầm tăng 15%, thủy sản tăng 6%, đại gia súc tăng 4,5% như hiện nay, để đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho dịp tết cũng như những tháng sau đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương phải thực hiện tốt 3 giải pháp.
Thứ nhất, phải tăng cường sản xuất, đây là giải pháp bền vững và hiệu quả nhất không chỉ về mặt hàng thịt lợn mà còn nhằm đảm bảo nhiều nguồn thực phẩm khác như gia cầm, thủy sản hay gia súc, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Thứ hai, tăng cường ngay công tác tái đàn lợn; tăng cường kiểm soát không để tình trạng xuất lậu lợn qua biên giới nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và đảm bảo an toàn dịch bệnh lây lan từ bên ngoài.
Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị phải đảm bảo được công tác thương mại, nguồn lưu thông, không để xảy ra tình trạng “găm” hàng, trục lợi. Đồng thời tìm cách giảm dần các khâu trung gian trong chuỗi sản phẩm, rút ngắn khoảng cách từ sản xuất đến tiêu dùng để giảm giá thành.
Về chiến lược lâu dài, người đứng đầu Bộ NNPTNT cũng lưu ý, phải làm sao phát triển hài hòa các nhóm thực phẩm, cơ cấu để đảm bảo an toàn kinh tế, an toàn sinh học, an toàn trước các loại bệnh dịch nhưng phải cân đối dinh dưỡng.
"Các công ty chăn nuôi lớn giữ được nhiều lợn cần làm hạt nhân, dẫn dắt thị trường theo hướng tích cực, không được để giá tăng quá cao vì nếu không sẽ “gậy ông đập lưng ông”. Giá tăng cao quá người tiêu dùng sẽ quay lưng, trong khi nguồn hàng nhập tràn về thì các doanh nghiệp sẽ thua ngay trên sân nhà" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.