Dư nợ ủy thác chiếm hơn 99%
Báo cáo kết quả thực hiện dịch vụ ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Nguyễn Văn Lý khẳng định việc Ngân hàng CSXH ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, nguồn tín dụng chính sách được giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng; giúp hàng triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống.
Thông qua dịch vụ ủy thác, các tổ chức chính trị xã hội có điều kiện củng cố tổ chức, thu hút hội viên; tham gia giám sát đảm bảo chính sách tín dụng được thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.
Bà Bùi Kim Liên - Phó Trưởng ban Quỹ Hỗ trợ nông dân Hội NDVN trao đổi kinh nghiệm quản lý vốn vay ủy thác. Ảnh: Thu Hà
Cụ thể, đến ngày 30/11/2019, toàn hệ thống Ngân hàng CSXH có tổng dư nợ là 204.324 tỷ đồng, trong đó dư nợ được thực hiện theo phương thức ủy thác một số nội dung công việc thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội là 203.447 tỷ đồng (chiếm 99,57%); tăng so với năm 2018 là 16.564 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội ND chiếm 31%, Hội Liên hiệp Phụ nữ chiếm 38,93%, Hội Cựu chiến binh là 16,47%, Đoàn Thanh niên chiếm 13,59%.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng CSXH, tổ chức hội, đoàn thể đã chú trọng, quan tâm đến việc chỉ đạo, đôn đốc xử lý thu hồi nợ quá hạn. Đến ngày 30/11/2019, 4 tổ chức hội có dư nợ quá hạn là 707 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,35 tổng dư nợ ủy thác.
Năm 2019, Hội, đoàn thể đã quan tâm và phối hợp với Ngân hàng CSXH làm tốt công tác vận động tổ viên tổ tiết kiệm vay vốn thực hành tiết kiệm và mang lại hiệu quả thiết thực. Đến tháng 30/11/2019, có trên 99,9% số tổ tiết kiệm vay vốn có số dư tiền gửi tiết kiệm của hơn 6 triệu tổ viên, với số dư 10.258 tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng ủy thác
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, đánh giá về kết quả dịch vụ ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách năm 2019 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
Đến nay toàn quốc có >6,5 triệu hộ gia đình được vay vốn Ngân hàng CSXH theo phương thức ủy thác cho vay. |
Là tổ chính chính trị xã hội tham gia quản lý dư nợ ủy thác lớn thứ 2, năm 2019 Hội NDVN đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho hơn 2.200 cán bộ hội các cấp và các thành viên Ban quản lý Tổ TKVV tại 23 tỉnh. Hội cũng tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH tại 22 tỉnh. Qua công tác kiểm tra cho thấy các cấp Hội cơ bản thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định, các hộ vay đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy được hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách nói chung và việc thực hiện dịch vụ ủy thác nói riêng, các đại biểu đã thể hiện quyết tâm cao trong việc phối hợp thực hiện các mục tiêu, giải pháp, phấn đấu cùng Ngân hàng CSXH hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng ủy thác, trong đó cần tiếp tục thực hiện tốt hơn việc trao đổi thông tin hai chiều giữa Ngân hàng CSXH với các tổ chức hội; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác tập huấn, nâng cao chất lượng cán bộ hội, Tổ trưởng TKVV...
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng đã ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách.
“Năm 2020 là năm thứ 5 liên tiếp Ngân hàng CSXH và 4 tổ chức Hội, đoàn thể triển khai hoạt động ủy thác. Tôi đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.
Trong đó, cần chú trọng tới công tác tập huấn đối với cán bộ hội, Tổ trưởng tổ TKVV; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã; tham mưu nâng mức cho vay... Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động của các tổ TKVV để giảm thiểu tối đa việc xảy ra những vi phạm ở cơ sở” - ông Dương Quyết Thắng nhấn mạnh.