Loại khỏi ngành cán bộ ứng xử thiếu văn hóa
Gây ồn ào nhất trong năm có lẽ là trường hợp của nữ đại úy Lê Thị Hiền “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất và thượng úy Nguyễn Xô Việt ném xúc xích, tát nhân viên bán hàng tại trạm dừng chân.
Hai cán bộ chiến sĩ công an gây bất bình trong dư luận trong năm 2019
Trước đó, mạng xã hội dậy sóng vì clip phản ánh sự việc nữ đại úy Lê Thị Hiền cán bộ đội Cảnh sát giao thông trật tự thuộc Công an quận Đống Đa (Hà Nội), đã có hành vi vi phạm trật tự công cộng, có lời lẽ thô tục, xúc phạm, lăng mạ nhân viên làm thủ tục hàng không, thậm chí còn có hành vi hành hung nhân viên kiểm soát an ninh hàng không đang làm nhiệm vụ.
Sau 30 ngày tạm đình chỉ công tác, trung tuần tháng 11, Công an TP Hà Nội đã ký quyết định kỷ luật và cho ra khỏi ngành đối với Đại úy Lê Thị Hiền. Ngoài ra, nữ đại úy này cũng bị khai trừ Đảng.
Ngày 10/11, mạng xã hội chia sẻ clip tại trạm dừng nghỉ ở thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), thượng úy Nguyễn Xô Việt đã ném xúc xích, tát nhân viên bán hàng khiến dư luận bất bình.
Trước hành vi này, ngày 18/11, Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định giáng cấp bậc hàm từ Thượng úy xuống Trung úy và cho xuất ngũ đối với ông Nguyễn Xô Việt (SN 1984), cán bộ Đội Tổng hợp, Công an Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Hành vi vi phạm của Thượng úy Nguyễn Xô Việt đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm mất uy tín của bản thân, gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Do đó, Công an tỉnh Thái Nguyên quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức giáng cấp bậc hàm từ Thượng úy xuống Trung úy; đồng thời cho Trung úy Nguyễn Xô Việt xuất ngũ kể từ ngày 19/11/2019.
Tước quân tịch hàng loạt cán bộ vi phạm
Không chỉ loại khỏi ngành cán bộ, chiến sỹ vi phạm quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân, trong năm 2019, ngành cũng đã ra quyết định tước quân tịch của không ít trường hợp dính sai phạm trong thực thi công vụ…
Đó là trường hợp thiếu úy Phạm Thái Vinh (thuộc Công an phường 17, quận Bình Thạnh), dù mới được điều chuyển từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh công tác một năm nhưng trong quá trình thực thi công vụ đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản của anh C.H.Đ (sinh viên).
Sự việc diễn ra vào trưa 17/12, anh C.H.Đ khi đang lưu thông trên đường, thì bị một tổ công tác của Công an phường 17 (quận Bình Thạnh) dừng xe yêu cầu kiểm tra hành chính. Sau đó, nhóm người trong tổ đưa anh Đ về trụ sở Công an phường để làm việc vì nghi có hành vi đua xe.
Khi về Công an phường làm việc, hai thành viên trong tổ công tác là thiếu úy Phạm Thái Vinh và bảo vệ dân phố Nguyễn Hoàng Minh phát hiện có một con dao nhỏ trong túi xách của anh Đ nên dọa phạt 10 - 15 triệu đồng về hành vi tàng trữ hung khí. Dù anh Đ giải thích lý do có con dao này, nhưng Thái Vinh không chấp nhận và ép anh này viết giấy bán xe với giá 15 triệu đồng, sau đó lại ra giá phải nộp 10 triệu đồng để được giảm mức phạt. Trước hành vi vi phạm này, CA Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định tước quân tịch, bắt tạm giam đối với thiếu úy Phạm Thái Vinh vì có hành vi cưỡng đoạt tài sản của người khác.
Trước đó, vào chiều 4/10, đại tá Đào Đức Minh, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan này đã tước quân tịch Công an nhân dân đối với trung úy Đào Xuân Tư, cán bộ Đội Xây dựng phong trào, Công an huyện Triệu Sơn đồng thời tiến hành bắt giam để xử lý hình sự do liên quan đến việc cầm súng xông vào 1 chi nhánh ngân hàng Vietcombank đóng trên địa bàn huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) uy hiếp nhân viên ngân hàng nhằm cướp tiền.
Ngày 26/4, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết đã tước quân tịch, khai trừ ra khỏi Đảng, buộc cho nghỉ việc đối với thiếu úy Trần Quốc Tuấn, cán bộ của Phòng PC07 - Công an tỉnh vì dùng thẻ Đảng mang đi cầm cố vay 50 triệu đồng.
Trước đó, thiếu tá Đinh Hải Sơn (nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) cũng bị tước quân tịch vì liên quan gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La.
Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa bị tước quân tịch do bị thuộc cấp tố nhận tiền "chạy án"
Vụ việc khác cũng khiến dư luận xôn xao ngay từ đầu năm. Đó là vào chiều 25/1, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc kỷ luật cán bộ đối với Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa.
Theo đó, Đại tá Nguyễn Chí Phương bị thuộc cấp tố cáo nhận tiền “chạy án”. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Công an, hành vi nhận tiền từ ông Đ.Đ.H. (nguyên cán bộ thuộc Đội Cảnh sát trật tự Công an thành phố Thanh Hóa) của Đại tá Nguyễn Chí Phương là có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ. Thanh tra Bộ Công an cũng đề nghị chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bày tỏ sự hoan nghênh các quyết định xử lý, loại khỏi ngành những cán bộ sai phạm, vi phạm, ông Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng “điều này thể hiện Bộ Công an đã xử lý kịp thời, đúng đắn”.
Ông cho rằng, đại bộ phận cán bộ chiến sỹ công an vẫn hết mình, thậm chí có thể hy sinh vì việc chung, vì nhân dân.
Những trường hợp xảy ra trong năm qua là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng với những quyết định cứng rắn này giúp dư luận yên tâm, giữ lại niềm tin của nhân dân đối với ngành công an. Đồng thời cũng mang tính răn đe, giáo dục rất cao đối với lực lượng cán bộ chiến sĩ trong ngành, qua những “gương xấu” này “cũng thấy cần phải giữ mình tốt hơn để không xảy ra vi phạm tương tự”.
Cùng quan điểm với ông Lê Như Tiến, một cán bộ lão thành lực lượng công an cũng nhận định, việc tước quân tịch và cho ra khỏi ngành nhiều cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an cho thấy đều là những quyết định đúng đắn, hợp lý.
Bởi những trường hợp này đã làm “vấy bẩn ngành công an, họ không đủ tư cách đứng trong hàng ngũ và phải đưa ra khỏi ngành ngay”. Mặc dù rất hoan nghênh với những quyết định xử lý cán bộ trong năm qua, nhưng vị cán bộ này cũng cho rằng ngành cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức tác phong cho chính những cán bộ, chiến sĩ.