Bác sỹ Mu Feng, Viện trưởng điều hành Bệnh viện U bướu Fuda, Quảng Châu (Trung Quốc) tư vấn cho người bệnh Việt Nam những cách thức đối phó với căn bệnh ung thư:
Với tư cách một bác sỹ thường xuyên phải tiếp xúc với những bệnh nhân ung thư, ông thường tư vấn gì cho họ?
- Thứ nhất, bác sỹ phải trấn an họ về tâm lý, làm cho họ bớt lo lắng và cố gắng để họ có được sự tĩnh lặng nơi tâm hồn. Thứ hai, chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện và bác sỹ rất quan trọng, chúng tôi cho họ thấy mình có đủ kỹ thuật để khống chế căn bệnh, từ đó tạo niềm tin cho họ rằng họ sẽ được cứu chữa.
BS Mu Feng - Viện trưởng điều hành Bệnh viện U bướu Fuda, Quảng Châu (Trung Quốc) |
Làm thế nào để họ có được sự an tĩnh trong tâm hồn khi mang lo ngại về một kết cục xấu sẽ đến trong thời gian không xa?
- Nhìn chung các bác sỹ ở nhiều bệnh viện trên toàn thế giới đều có quan niệm ung thư là không thể cứu chữa được nữa. Họ thường nói với bệnh nhân rằng chỉ còn 2 - 3 tháng nữa thôi, hãy trở về và sống vui với phần đời còn lại. Bệnh viện Fuda chúng tôi rất ít khi nói với bệnh nhân như vậy. Chúng tôi có quan niệm mới: Không được buông xuôi trước ung thư, không bao giờ bó tay, không bao giờ bỏ cuộc.
Ung thư có thể chữa được hay ít ra có thể khống chế được. Rất nhiều trường hợp nơi khác nói chỉ còn 2 - 3 tháng, đến với chúng tôi, họ kéo dài 2 - 3 năm, thậm chí nhiều năm mà khối u vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Với những kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới mà bệnh viện áp dụng như: phẫu thuật lạnh, can thiệp mạch, Nano, cấy hạt phóng xạ… thì những ca khó vẫn có thể giải quyết được và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Ông nói quan niệm của bệnh viện Fuda là không buông xuôi, vậy ông đã từng phải nói “Không” với bệnh nhân ung thư chưa?
- Thú thực là với những bệnh nhân quá nặng, tôi cũng đành phải xin lỗi, nhưng trường hợp đó rất ít. Tôi không nhận vì không muốn gây tốn kém cho họ. Phương châm của chúng tôi là coi bệnh nhân như người nhà, nên không thể vì mục đích kinh tế mà tư vấn cho họ những biện pháp đắt tiền trong khi bệnh tình của họ đã ở tình trạng quá nặng nề.
Hiện nay, người Việt Nam có xu hướng sang Singapore chữa chạy khi mắc phải các chứng nan y, ông so sánh thế nào về hai nền y học ở Singapore và Trung Quốc?
- Tôi cho rằng Singapore có một nền y học tiên tiến, đặc biệt trong điều trị ung thư, họ mạnh về những biện pháp truyền thống như cắt bỏ, hóa trị, xạ trị. Những biện pháp này có hiệu quả tốt trong giai đoạn đầu nhưng với những ca đã di căn ở giai đoạn cuối thì biện pháp truyền thống cho thấy không hiệu quả cao.
Trong khi đó bệnh viện Fuda chúng tôi ở Quảng Châu lại mạnh về những biện pháp mới như tôi đã nói ở trên. Sử dụng kết hợp những biện pháp mới này có tác dụng lớn trong việc khống chế sự phát triển của khối u ở giai đoạn cuối, thu hẹp và thậm chí triệt tiêu khối u. Chúng tôi có nhiều bệnh nhân đã chữa ở Singapore, Mỹ, châu Âu rồi vẫn phải tìm tới Fuda. Hiện 70% bệnh nhân của bệnh viện là người nước ngoài tới từ 54 quốc gia khác nhau.
Vậy ông có thể lý giải vì sao tâm lý bệnh nhân Việt Nam vẫn tin tưởng bệnh viện ở Singapore hơn Trung Quốc trong việc điều trị bệnh ung thư?
- Tôi nghĩ Trung Quốc chưa có được hình ảnh tốt như Singapore. Chúng tôi cần đẩy mạnh hình ảnh của mình để mọi người thấu hiểu Fuda Quảng Châu đang là một trung tâm quốc tế điều trị ung thư. Việc người Việt Nam tin tưởng chất lượng dịch vụ ở Singapore thúc đẩy chúng tôi phải không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ của mình để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân quốc tế. Chúng tôi đã xây dựng nhà ăn có khả năng phục vụ món ăn của tất cả các nước, mở văn phòng đại diện ở các quốc gia, thiết lập bộ phận chăm sóc khách hàng với phiên dịch riêng cho từng nước để làm nhiệm vụ tư vấn từ những khía cạnh nhỏ nhất như làm visa, đưa đón ở sân bay…
Đã có 300 bệnh nhân Việt Nam từng chữa ở Fuda và ở những giai đoạn cao điểm, mỗi tháng chúng tôi tiếp đón khoảng 20 bệnh nhân Việt Nam. Hiện tại, ở Quảng Châu có nhiều bệnh viện tốt nhưng Fuda là bệnh viện duy nhất được Bộ Y tế công nhận là Bệnh viện chuyên khoa ung thư hàng đầu ở Trung Quốc.
Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, mỗi năm người Việt chi tới 1 tỉ USD để sang nước ngoài chữa bệnh. Ông có thể cho biết chi phí chữa ung thư ở Trung Quốc so với Singapore và các nước phát triển khác?
- Trước kia, chữa bệnh ở Quảng Châu (Trung Quốc) rẻ hơn Singapore khoảng một nửa và nay là rẻ hơn từ 30-40%. Quảng Châu khá gần gũi về địa lý với Việt Nam nên chi phí đi lại cũng hợp lý và chi phí ăn ở không cao.
Cảm ơn ông.
Nam Khanh