Ông nhận định thế nào về việc thực thi Luật BHYT sửa đổi từ 2014 đến nay ?
- Qua giám sát, chúng tôi thấy rằng tuy số lượng người dân tham gia BHYT tăng, độ bao phủ hiện nay đã gần 90%. Tuy nhiên, số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT vẫn chiếm đến 60% (người nghèo, cận nghèo, học sinh, nông dân thu nhập trung bình…).
Như vậy, Quỹ BHYT đang phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách. Nếu ngân sách nhà nước giảm hộ trợ thì đối tượng tham gia giảm, như vậy là thiếu bền vững. Ngoài ra, việc phát triển chính sách BHYT và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng chưa đồng đều giữa các vùng miền. Một số vùng, miền điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc chăm sóc sức khỏe vẫn chưa đạt yêu cầu. Có những lúc, chúng ta phải báo động rằng, người nghèo đang tham gia BHYT để tạo cơ hội cho người có điều kiện và người ở vùng đồng bằng được hưởng lợi BHYT cao hơn.
Cuối cùng, mặc dù tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90%, nhưng chúng ta vẫn có tới 10% chưa tham gia BHYT. 10% này mới là điều đáng lưu ý. Hộ gia đình, người có thu nhập cao, người hoàn toàn có khả năng tham gia BHYT để làm cho Quỹ BHYT tăng lên nhưng chưa tham gia, mà chủ yếu họ tham gia BHYT tự nguyện, hoặc có một bộ phận dân có đời sống cao lại khám chữa bệnh ở nước ngoài. Điều này thể hiện quan điểm chung là bao phủ toàn dân, nhưng bộ phận cần tham gia để cho nguồn quỹ tăng lên, bảo đảm công bằng xã hội lại hạn chế.
Vận động người dân tham gia BHYT, BHXH ở xã Dang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. (ảnh: Diệu Linh)
Vậy theo ông cần phải phát triển BHYT như thế nào để có thể đạt được sự “bền vững” và công bằng cho người tham gia?
- Phát triển BHYT bền vững phải thỏa mãn được hai yêu cầu rất cơ bản. Một là, phải bao phủ đến mọi người, hay còn gọi là BHYT toàn dân, để không ai phải đi khám, chữa bệnh mà không có BHYT. Thứ hai là, phải bảo đảm bền vững về tài chính. Đây là vấn đề rất quan trọng, có thể thấy độ bao phủ thì lớn, nhưng nguy cơ “vỡ quỹ” lại cao, bởi thực trạng hiện nay đang là “đóng thì ít, hưởng thì nhiều”, cùng chia sẻ lại thấp, thậm chí là không có. Điều này không làm cho chính sách BHYT trở nên bền vững được. Hai yếu tố này, chúng ta đều phải đặc biệt quan tâm.
Thứ hai là, mức đóng hiện nay của chúng ta đang là 4,5%; nhưng luật cho phép là 6%, chúng ta hoàn toàn có dư địa. Nhưng nếu tăng nhanh, cũng sẽ gây áp lực cho người dân, cho doanh nghiệp, vì vậy cần có lộ trình và không thể nâng ngay lên được. Sự bền vững quan trọng nhất của BHYT là phải bảo đảm sức khỏe tốt nhất, sự hài lòng tốt nhất trong nhân dân, cũng chính là đã tạo cơ hội để những đối tượng chưa tham gia BHYT sẽ tham gia vào hệ thống.
Muốn vậy, phải thực hiện cơ chế tài chính y tế rất công minh và hiệu quả, giúp cho hệ thống BHYT bền vững hơn. Rõ ràng, với mong muốn những người có thu nhập cao đóng góp và hạn chế dần những người mà ngân sách phải hỗ trợ, mà cách thức của chúng ta đang đi theo hướng đó. Vì tỷ lệ hộ nghèo giảm dần đi thì chính sách của Nhà nước sẽ không phải hỗ trợ.
Để làm được điều này, chúng ta phải thay đổi. Thay đổi cả phương thức tuyên truyền lẫn thay đổi cách thức dịch vụ của BHYT, để cho người dân vừa nhận thức được, đồng thời điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra sự hấp dẫn, nói cách khác là tạo ra sự hài lòng của người dân đối với BHYT. Người dân thường nhìn vào kết quả thực hiện, nhìn vào việc làm của Nhà nước để quyết định tham gia hay không tham gia BHYT.
Xin cảm ơn ông!
Sẽ xây dựng nhiều gói BHYT cơ bản Từ chối thanh toán hàng nghìn tỷ đồng |