Phụ nữ vẫn đối mặt với bạo lực
Đây là thực tế được nhiều đại biểu chỉ ra trong hội thảo về "Hôn nhân và gia đình ở Việt Nam: Những kết quả nghiên cứu nổi bật năm 2019 và những vấn đề chính sách đặt ra". Trong hội thảo, Viện Nghiên cứu gia đình và giới đã công bố những kết quả về vấn đề hôn nhân gia đình. Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng đôi khi chính gia đình lại là rào cản lớn của phụ nữ và trẻ em gái.
Qua các kết quả nghiên của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), TS Vũ Phương Ly cho rằng, hiện nay các chỉ số cho biết số lượng phụ nữ đang ngày càng có nhiều quyền lợi và tiếng nói trong gia đình nhiều hơn trước nhưng đó chỉ là “ảo tưởng”.
Thực tế không ít phụ nữ và trẻ em gái thường xuyên phải đối mặt với bạo lực và phân biệt đối xử. Cứ 3 phụ nữ thì lại có một người có thể bị lạm dụng về thể xác và tình dục bởi chính người bạn tình trong cuộc đời họ.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần nghiêm trị các vụ bạo lực gia đình (ảnh minh họa).
Tại nhiều gia đình Việt Nam từ xưa đến nay luôn quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - đàn ông chính là trụ cột gia đình còn phụ nữ giữ trọng trách sinh con, đẻ cái, chăm sóc việc nội trợ, lo liệu cho gia đình... Chính vì suy nghĩ ấy mà không ít phụ nữ chấp nhận “an phận”, từ bỏ công việc, sự thăng tiến, phát triển của bản thân.
“Thách thức cấp bách đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động xã hội và người dân trong mọi tầng lớp, đó là biến gia đình thành nơi bình đẳng và công bằng, là nền tảng để phụ nữ và trẻ em gái có thể thực hiện quyền của mình” - TS Ly nhận định.
Hiện trung bình mỗi năm có tới hơn 36.000 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân đa phần là phụ nữ, nhưng các vụ bị phát hiện chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều người vợ vẫn cố gắng nhẫn nhịn khi thường xuyên bị chồng ngược đãi, hành hung mà không rõ nguyên nhân. Trong cơ chế kinh tế thị trường, mặc dù cả nam giới và phụ nữ đều đi làm và tham gia công tác xã hội nhưng vẫn tồn tại phổ biến tình trạng hầu như công việc nội trợ, chăm sóc con cái và người đau ốm trong gia đình được xác định là trách nhiệm của phụ nữ.
Bạo lực và… hòa giải
Các vụ việc bạo lực gia đình chủ yếu mới dừng lại ở việc hòa giải, một số vụ thì bị lôi ra xử phạt hành chính với mức 100.000 - 200.000 đồng thì chẳng đủ “gãi ngứa”. Mức phạt ấy không có tính răn đe, nên các vụ việc bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn". Bà Ngô Ngọc Anh |
Tại Việt Nam, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn, nguyên nhân chính là do thái độ, nhận thức hành vi của một số người còn mang tính định kiến về giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, bắt buộc phải sinh được con trai để nối dõi tông đường… Đây là nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực trong gia đình.
Mặc dù rất nhiều phụ nữ chịu cảnh bạo lực đã phải ly hôn, làm mẹ đơn thân nhưng thực tế hiện nay Việt Nam vẫn chưa có những chính sách hỗ trợ cho nhóm người này, đặc biệt là hỗ trợ về giải pháp tháo gỡ những khó khăn về kinh tế, nhất là với nhiều người phụ nữ sau khi ly hôn tay trắng rời khỏi gia đình chồng không có tài sản, công việc nội trợ khó khăn...
Theo TS Nguyễn Hữu Minh (Viện Nghiên cứu gia đình và giới), để giải quyết triệt để vấn đề này, ngay từ giai đoạn tiền hôn nhân cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống gia đình. Từ đó có định hướng về quyền, nghĩa vụ cho các cặp vợ chồng trước khi kết hôn.
"Đây là cơ sở để chúng ta tuyên truyền đạo đức, pháp luật, hôn nhân gia đình nhằm hạn chế bạo lực với phụ nữ và trẻ em trong gia đình" - ông Minh nói.
Còn theo bà Ngô Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và gia đình, nguyên nhân chính khiến những vụ bạo lực gia đình chưa được giải quyết triệt để là bởi việc xử phạt còn mang tính hình thức.
"Các vụ việc bạo lực gia đình chủ yếu mới dừng lại ở việc hòa giải, một số vụ thì bị lôi ra xử phạt hành chính với mức 100.000 - 200.000 đồng thì chẳng đủ “gãi ngứa”. Mức phạt ấy không có tính răn đe, nên các vụ việc bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn" - bà Ngọc Anh nói.
Bà Ngọc Anh kiến nghị, cần phải tăng nặng hình phạt khi xử lý các vụ bạo lực gia đình và cần xây dựng thang đo với trường hợp nạn nhân bị bạo lực tinh thần. Ngoài ra, cơ quan chức năng và các tổ chức có liên quan cũng cần xây dựng hệ thống nhà tạm lánh, cơ sở hỗ trợ tư vấn tâm lý đủ mạnh để hỗ trợ nạn nhân, giúp họ nói lên tiếng nói của mình.