1. Cạnh tranh khốc liệt
Cả Mito Hollyhock, Incheon United và Sint-Truidense cùng có điểm chung khi chiêu mộ Công Phượng là tình trạng dư thừa lực lượng hàng công. Điển hình là Sint-Truidense, sau khi mượn Công Phượng từ HAGL vào tháng 7/2019, đội bóng Bỉ chiêu thêm 3 cầu thủ tấn công nữa nên tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt ở hàng tiền đạo. Cuộc cạnh tranh gay gắt này khiến “Messi Việt Nam” không có nhiều cơ hội thể hiện mình.
2. Rào cản ngôn ngữ
Ngôn ngữ là yếu tố vô cùng quan trọng để một cầu thủ hòa nhập với đội bóng và môi trường mới. Khả năng giao tiếp tiếng Anh và Pháp của Công Phượng chỉ ở mức trung bình. Ở 2 lần xuất ngoại đầu tại Nhật Bản (Mito Hollyhock) và Hàn Quốc (Incheon United), tuyển thủ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn vì không biết tiếng Nhật và Hàn. Vì thế, Công Phượng thường xuyên phải nhờ các đồng đội hỗ trợ trong cuộc sống, luyện tập và thi đấu.
Đến Sint-Truidense, rào cản ngôn ngữ (tiếng Pháp, Đức và Hà Lan) cũng là một trong những lý do khiến Công Phượng gặp khó trong việc hòa nhập với đội bóng Bỉ. Vì thế, chân sút xứ Nghệ phải rời Sint-Truidense trở lại V.League khoác áo CLB. TP.HCM sau gần 5 tháng sang châu Âu thử sức.
3. Chuyên môn
Công Phượng là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, năng lực và tư duy chiến thuật của chân sút 24 tuổi không thể sánh bằng nhiều cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt các cầu thủ châu Âu. Sau khi chia tay Công Phượng, HLV tạm quyền của Sint-Truidense, ông Nicky Hayen nói thẳng rằng “Messi Việt” không phù hợp với lối chơi của đội bóng Bỉ vì chỉ biết tấn công trong khi hỗ trợ phòng thủ không đạt yêu cầu.