Dân Việt

Tái cơ cấu nông nghiệp- Vụ lúa đông xuân ĐBSCL: Thấp thỏm về giá, lo thương lái... mất hút

Trần Cửu Long - Thiên Ngân 26/12/2019 19:10 GMT+7
Không những bị đe dọa bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, việc sản xuất lúa đông xuân 2019 - 2020 ở các tỉnh ĐBSCL còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ khi thương lái thì mất hút, còn giá cả bấp bênh.

Doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”

Tại tỉnh Long An, qua các mùa lúa gần đây cho thấy, số lượng doanh nghiệp ký liên kết thu mua lúa cho nông dân ngày càng thưa thớt. Và dự báo vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, tình hình mua bán lúa sẽ rất khó khăn cho bà con nông dân.

img

img

img

  Thương lái thu mua lúa cho bà con nông dân vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh:  C.L

Tổng kết đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Long An cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, tình hình tiêu thụ nông sản còn khó khăn, chưa ổn định, giá các nông sản, trong đó có lúa, thấp hơn so với cùng kỳ. Một số mô hình cánh đồng lớn còn tình trạng không tuân thủ hợp đồng liên kết. Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện, tỉnh đang kêu gọi doanh nghiệp tăng cường thu mua lúa cho nông dân.

Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ hơn 203.000ha lúa đông xuân 2019 - 2020, đạt 89,7% kế hoạch (227.260ha). Hiện, một số địa phương đã rục rịch chuẩn bị thu hoạch lúa đông xuân sớm. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 12/2019, mới chỉ có 5 doanh nghiệp và 1 HTX tham gia cánh đồng lớn với kế hoạch đăng ký thu mua lúa cho nông dân hơn 1.770ha.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, vụ đông xuân 2018 - 2019, trên địa bàn tỉnh có 27 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng 115 lượt cánh đồng lớn với 3.605 hộ tham gia; diện tích thu hoạch hơn 10.900ha.Tuy nhiên, khi nông dân thu hoạch lúa, đã có một nửa số doanh nghiệp này “bỏ của chạy lấy người”. Thực tế diện tích thu mua theo hợp đồng liên kết chỉ hơn 7.800ha.

Đến vụ hè thu năm 2019, có 26 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng cánh đồng lớn với 94 lượt cánh đồng, đăng ký diện tích hơn 7.900ha với 2.703 hộ tham gia. Đến nay, đã thu hoạch 7.770ha, các doanh nghiệp mới thu mua diện tích hơn 5.100ha.

Diện tích lúa thu hoạch còn lại, nông dân buộc phải bán ra ngoài. Nguyên nhân, một số nông dân tự ý lấy cọc bên ngoài khi chưa tới thời điểm chốt giá thu mua theo hợp đồng. Một số trường hợp nông dân đã ký biên bản chốt giá thu mua với công ty, nhưng khi thương lái vào trả giá cao hơn đã bán cho bên ngoài.

Song song đó, một số doanh nghiệp khi thấy giá lúa bất ổn đã tháo chạy, “lật kèo” nhà nông, không mua hết sản lượng lúa theo hợp đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trên địa bàn huyện Tân Hưng, một số diện tích vụ đông xuân 2019 - 2020 (trong số 37.000ha được gieo sạ) đang thu hoạch. Tuy nhiên, vì tranh thủ gieo sạ sớm nên gặp thời tiết bất lợi, số diện tích đang thu hoạch đã cho năng suất và lợi nhuận thấp.

Được biết, phần lớn số diện tích đã cho thu hoạch đều là giống nếp và được thương lái bao tiêu với giá từ 5.450 - 5.500 đồng/kg, năng suất đạt từ 5,5 - 6 tấn/ha. Trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận chỉ từ 8 - 12 triệu đồng/ha.

Ông Tô Văn Chảnh- Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Hưng cho biết, vụ đông xuân 2018-2019, trên địa bàn có 13 đơn vị doanh nghiệp tham gia thu mua lúa với diện tích liên kết 2.764,9ha. Nhưng đến vụ hè thu 2019, chỉ còn 5 đơn vị doanh nghiệp tham gia thu mua lúa với diện tích liên kết hơn 2.090ha.

“Việc liên kết đã gặp khó khăn và khó nhân rộng vì thay đổi quy định về doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo không bị ràng buộc về nguồn gốc sản phẩm, vùng nguyên liệu. Phần lớn các doanh nghiệp đã quay lại phương thức thu mua truyền thống qua “cò” và thương lái” - ông Chảnh chia sẻ.

Giá lúa vẫn trong tay thương lái

Còn nhớ vụ lúa đông xuân năm ngoái, tại khu vực ĐBSCL giá lúa giảm mạnh làm nhiều nông dân điêu đứng. Tại Cần Thơ, bà con nông dân xuống giống hơn 81.000ha lúa nhưng chỉ có hơn 21.000ha có hợp đồng tiêu thụ, còn lại phụ thuộc cả vào thương lái.

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ nhận định: “Sau Tết Nguyên đán, giá lúa thường sụt giảm và tiêu thụ chậm. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp chưa ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới, nhiều đơn vị thiếu vốn để thu mua lúa dự trữ khiến giá lúa giảm”.

Mặc dù biết bị thương lái ép giá nhưng thường thì bà con nông dân vẫn phải bắt buộc bán lúa vì không có nơi trữ. Một nông dân ngụ tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, vụ đông xuân 2018 - 2019 phải bán lúa thơm cho thương lái với giá 5.000 đồng/kg, còn lúa IR 50404 chỉ 4.200 đồng/kg. Tính ra 1ha trồng lúa, bà con lỗ khoảng 8 triệu đồng.

Đối với việc tiêu thụ lúa, theo ông Trần Danh Tuyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu, khâu tiêu thụ đang có mô hình chung là doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, vật tư nông nghiệp cho nông dân rồi thu mua lại sản phẩm. Do doanh nghiệp không đủ nhân lực để quản lý nên thuê trung gian (thương lái) làm đầu mối làm việc với nông dân.

Điều này gây ra tình trạng, khi giá tăng thì nông dân vẫn phải bán lúa cho thương lái với mức giá đã thỏa thuận trước; còn khi giá giảm thì thương lái có thể hủy hợp đồng, bỏ lúa, không thu mua. Dù hình thức nào thì nông dân vẫn là người thua thiệt.

Trong khi đó, các hợp đồng giữa thương lái và nông dân chỉ là cam kết bằng miệng. Do đó, khi xảy ra tình trạng hủy hợp đồng, nông dân cũng không có cơ sở pháp lý để kiện thương lái, còn cơ quan quản lý thì không thể kiểm soát được.

Ngoài ra, nông dân cũng không được hưởng từ chính sách thu mua tạm trữ lương thực của Chính phủ. Cụ thể, khi giá lúa giảm xuống thấp, Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa gạo, tạm ứng tiền cho doanh nghiệp, cho doanh nghiệp vay tiền với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại đưa tiền cho thương lái thu mua, thương lái lại ép giá khiến nông dân không được hưởng lợi từ chính sách này.