Dân Việt

Tiết lộ động trời vụ trả thù khủng khiếp nhất nước Pháp

T.B 26/12/2019 16:33 GMT+7
Khoảng 100.000 người đã thiệt mạng trong cuộc thảm sát do mối thâm thù giữa giáo hội Công giáo La Mã và phái Kháng Cách ở nước Pháp thế kỷ 16.

img

Diễn ra từ ngày 24/8/1572 – 5/10/1572 vụ thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy được coi là một trong những sự kiện đẫm máu nhất lịch sử nước Pháp.

img

Bối cảnh của sự kiện này là khi Kháng Cách, một cộng đồng thuộc Cơ Đốc giáo tách khỏi Công giáo La Mã, ra đời sau cuộc cải cách tôn giáo thế kỷ 16. Giáo hội Công giáo đã coi họ như kẻ thù do sự cạnh tranh về quyền lực, lãnh thổ, tài chính…

img

Đỉnh điểm của những mâu thuẫn giữa hai phe Kháng Cách và Công giáo cực đoan là sự kiện công chúa Marguerite de Valois kết hôn với Henry xứ Navarre, hai người đứng đầu hai phe đối lập. Trái với mục đích xoa dịu căng thẳng, cuộc hôn nhân này đã phản tác dụng, giống như “đổ dầu vào lửa”.

img

Những người Công giáo cực đoan vốn đã rất khó chịu với sự hiện diện của những người Kháng Cách ở Paris, nay càng không thể chấp nhận được cuộc hôn nhân giữa công chúa của họ với một người Kháng Cách. Sự hào nhoáng xa xỉ của đám cưới giữa thời điểm mất mùa càng làm sự phẫn nộ gia tăng.

img

Rất đông người Kháng Cách đã đến tham dự hôn lễ nhằm bảo vệ thủ lĩnh của mình. Nhưng ngay sau khi kết thúc đám cưới, đô đốc Coligny, lãnh tụ quân sự được kính trọng nhất của phe Kháng Cách đã bị ám sát. Thủ phạm ngay sau đó đã trốn thoát.

img

Những gì xảy ra sau đó đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Lo sợ trước sự trả thù của phe Kháng Cách, Vua Charles IX và Thái hậu Catherine đã quyết định hạ sát toàn bộ những người Kháng Cách trong thành Paris trước khi họ có bất kỳ động thái nào khác.

img

Ước tính có trên dưới 4.000 người Kháng Cách đã thiệt mạng trong vụ thảm sát ở Paris, khiến cho thế lực của họ ở thủ đô nước Pháp hầu như bị xóa sổ.

img

Không dừng lại ở đó, vua Charles đã mở rộng quy mô của cuộc thảm sát này ra trên toàn bộ lãnh thổ nước Pháp. Tất cả những ai mang trong mình dòng máu Kháng Cách đều bị xử tử. Theo thống kê của các nhà sử học, khoảng 100.000 người đã thiệt mạng sau khi sắc lệnh này được ban ra.