Thiếu quy chuẩn xác định, hàng tạm giữ bị để đến lúc hỏng
Theo ông Nguyễn Triết, tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho biết, hiện tại, việc buôn lậu thuốc lá với số lượng lớn diễn ra ngang nhiên, thách thức pháp luật ở nhiều địa phương. Tại các tỉnh biên giới Tây nam, cụ thể, một số địa bàn trọng điểm như Long An, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, TP.HCM… tình trạng này diễn ra phổ biến.
Ước tính, lượng thuốc lá nhập lậu qua các tỉnh biên giới mỗi ngày từ 400 đến 500 nghìn bao các loại, 80% trong số đó là 2 loại Jet và Hero. Thuốc lá lậu được vận chuyển bằng các hình thức ngày càng tinh vi, các đường dây luôn cử người theo dõi lực lượng chức năng 24/24h…
Đặc biệt, hiện tại, theo phản ánh từ các lực lượng chức năng, đầu nậu thường thuê một số đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy… vận chuyển, khi bị lực lượng chức năng bắt giữ thường có biểu hiện manh động, chống đối.
Gần 700 triệu bao thuốc lá lậu tràn vào thị trường Việt Nam mỗi năm
Cũng theo thông tin từ VTA cho hay, một lượng lớn thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát chất lượng đang được nhập lậu và bày bán công khai tại Việt Nam mà không bị kiểm soát, xử lý.
Theo thông tin từ Tổng cục QLTT, từ tháng 4/2018, Quyết định 20 được áp dụng tại các địa phương nhằm xử lý huốc lá ngoại nhập là hàng giả, không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nội dung Quyết định không nêu rõ cơ quan nào sẽ đảm nhận công tác, cơ sở giám định khiến việc xử lý đình trệ.
Ông Nguyễn Minh Trung, cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp cho hay, tại địa phương, Sở KHCN được xem là cơ quan “có chuyên môn” nhất để thẩm định chất lượng, tuy nhiên, đơn vị này không nhận làm.
Việc không có tiêu chí chung nào để xác định thuốc lá nhập lậu ở mức nên tiêu hủy hay bán đấu giá khiến lượng lớn thuốc được địa phương tạm giữ bị tồn đọng, hư hỏng. Cụ thể, tại TP.HCM, hiện nay đang tồn đọng 526.000 bao nhưng chưa thành lập được hội đồng giám định chất lượng thuốc lá nhập lậu để xử lý.
Tại tỉnh Long An, dù là địa phương duy nhất tiêu hủy được thuốc lá (720.000 bao) nhưng do vướng việc giám định hàng triệu bao thu giữ còn lại vẫn lưu kho và để hư hỏng dần.
Theo ông Phạm Nguyễn Thiên Chương, phó ban thị trường VTA cũng cho hay, khó khăn trong công tác giám định còn nằm ở chỗ, thuốc lá nhập lậu nếu không phải VN sản xuất (đặc biệt loại Jet và Hero sản xuất ở Indonesia) có quy chuẩn riêng, không thể áp quy chuẩn VN vào để đánh giá.
Ông Nguyễn Thế Anh, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) thông tin thêm, thời gian qua, cơ quan chức năng tạm giữ nhiều nhiều lô xì gà, thuốc lá điện tử nhập lậu nhưng do đây là những sản phẩm mới, chưa có quy chuẩn phân biệt, giám định cụ thể dẫn đến việc xử lý gặp khó.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của giới chuyên môn, thuốc lá có hạn sử dụng trung bình 1 năm, nếu lưu giữ trong môi trường kém dẫn đến thuốc hư hỏng nhanh, gây tổn thất.
Khó xác định tái xuất hay tiêu hủy
Ông Nguyễn Minh Trung cho biết, đối với thuốc lá lậu, theo thông tư 19 của Bộ Tài chính trước đây, việc tiêu hủy hết thì được hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, hiện tại, theo Quyết định 20, trước hết, phải xác định được chất lượng, nếu thuốc lá thu giữ đảm bảo chất lượng thì tái xuất, không thì mới tiêu hủy…
Tuy nhiên, công tác giám định, đánh giá mặt hàng này cần tiêu hủy hay đấu giá vẫn chưa có cơ quan chuyên môn thực hiện. Ngoài ra, xử lý vi phạm trên về mặt hình sự cũng gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, theo quy định của Luật Hình sự, các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá ngoại nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Công tác xử lý thuốc lá lậu còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về quy định
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vụ bắt giữ từ 1.500 bao trở lên nhưng không xác định được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Do dó, dù phía Công an có khởi tố vụ án theo quy định nhưng sau khi hết thời hạn điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ.
Về chi phí tiêu hủy thuốc lá lậu, ông Phạm Nguyễn Thiên Chương thông tin thêm, với mức hỗ trợ 4.500 đồng/gói, trung bình mỗi năm đơn vị chi gần 45 tỉ đồng. Thực tế, giá mua thuốc lá nhập lậu chủ yếu ở mức thấp (3.000-6.000 đồng/bao) dẫn đến khó bán đấu giá.
“Trước đây, theo khảo sát ở tỉnh Long An, dưới 1 triệu bao nếu bán đấu giá thu được 900 triệu nhưng tiêu hủy mất gần 2 tỉ. Nên việc đấu giá hay tiêu hủy cần xem xét lại.” ông Chương cho hay.
Theo đại diện VTA, trên thực tế, trong số 9,5 triệu bao thuốc lá nhập lậu tịch thu còn tồn đọng trên cả nước (từ 4/2018 đến 10/2019), chưa có bao nào được bán đấu giá.
Ông Đàm Thanh Thế, chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, hiện tại, tình trạng nhiều địa phương chưa áp dụng đồng nhất việc xử lý thuốc lá nhập lậu theo quyết định mới khiến lượng thuốc tồn dư rất nhiều. Thời gian tới, để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải định rõ đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ.
“Đơn vị sẽ làm việc với bộ ngành để xác định cơ quan nào làm nhiệm vụ giám định thuốc lá lậu. Khả năng là phân công cho Sở Khoa học công nghệ các tỉnh.” ông Thế cho biết.