Dân Việt

Thưởng Tết năm 2020: Nơi 3,5 tỷ, nơi... 100 nghìn đồng!

Thùy Anh 27/12/2019 06:00 GMT+7
Mặc dù 1 tháng nữa mới tới thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, thế nhưng, ngay từ bây giờ nhiều đơn vị doanh nghiệp, các Sở LĐTBXH đã công bố mức thưởng tết cho người lao động. Mức lương, thưởng tết năm nay đang có nhiều dấu hiệu khả quan so với năm ngoái.

Ngành dệt may thưởng tết khả quan

Ông Mai Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty may Hưng Yên cho biết, năm nay dự kiến công ty thưởng Tết Nguyên đán 2020 cho người lao động 2 tháng lương. Cụ thể mỗi người lao động sẽ nhận 18-25 triệu đồng. So với mặt bằng chung trong ngành mức thưởng này theo ông “khá hơn nhiều đơn vị” và tăng khoảng 15% so với tết năm 2019. “Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của khối ngành dệt may vẫn có những khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì mức này cho người lao động để tạo hứng khởi. Mức thưởng này được coi là mức khá cao trong Hiệp hội các Doanh nghiệp dệt may" - ông Dương nói.

img

Do tình hình phát triển kinh tế khởi sắc, tăng lương tối thiểu lương cơ sở vùng nên lương, thưởng Tết Nguyên đán năm 2020 dự kiến sẽ tăng. (Ảnh: chụp tại Công ty may 10) . Ảnh:  Minh Nguyệt

Khảo sát từ một số doanh nghiệp dệt may khác cũng cho thấy tình hình thưởng Tết Nguyên đán cho công nhân lao động chủ yếu dao động trong khoảng từ 1-2 tháng lương.

Tại TP.HCM cũng vậy, lúc này một số các doanh nghiệp đã có thông báo về tình hình lương, thưởng tết và kế hoạch chăm lo tết để người lao động yên tâm sản xuất. Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM Lê Minh Tấn cho hay, khảo sát hơn 1.100 doanh nghiệp trên địa bàn thì đa số các doanh nghiệp có mức thưởng Tết trung bình là một tháng lương, số tiền thưởng trung bình là 10 triệu đồng. Mức thưởng tết cao vẫn thuộc về các doanh nghiệp trong ngành: Bất động sản, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, điện tử…

Đáng chú ý, mức thưởng Tết Dương lịch “khủng” nhất ở TP.HCM là 3,5 tỷ đồng/người. Đây là mức thưởng của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm. Mức thưởng Tết Nguyên đán 2020 cao nhất tại TP.HCM cũng chỉ đạt mức 800 triệu đồng/người. Như vậy, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất cũng gấp hơn 4 lần so với mức thưởng cao nhất của Tết Nguyên đán. Mức thưởng 3,5 tỷ đồng của Tết Dương lịch năm nay vượt xa mức thưởng cao nhất của Tết Dương lịch 2019 (500 triệu đồng/người) và gấp gần 3 lần so với mức thưởng cao nhất của Tết Nguyên đán 2019 (gần 1,2 tỷ đồng/người).

Đại diện Công ty TNHH Freetrend lĩnh vực giày da (Khu chế xuất Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết công ty đã thông báo mức thưởng tết 2020 đến người lao động. Năm nay công ty sẽ thưởng Tết cho 24.000 công nhân lao động bình quân hai tháng lương, riêng những công nhân có thời gian làm việc 12 tháng trở xuống nhận thưởng một tháng lương, tuy nhiên số lao động có thời gian làm việc dưới một năm khá ít. Tính bình quân mỗi lao động thưởng hai tháng lương sẽ nhận mức thưởng tết khoảng 10 triệu đồng.

Ngoài thưởng tết, công ty còn hỗ trợ vé xe, máy bay, tàu hỏa cho người lao động về quê đón tết. Đại diện công ty cũng cho biết 3 năm nay đơn hàng giày da khá ổn định, công nhân có việc làm ổn định trong năm nên đảm bảo mọi người lao động đều có thưởng tết.

“Do mức lương tối thiểu năm nay tăng 6% chưa kể thâm niên nên mức thưởng tết năm nay cao hơn năm ngoái dù năm ngoái cũng đưa ra mức thưởng tương tự nhưng nền lương tối thiểu thấp hơn" - đại diện công ty nói.

Còn Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị cũng cho biết kết khảo sát từ 109 doanh nghiệp cho thấy mức lương cao nhất trả cho lao động là 125 triệu đồng/tháng (tại một chi nhánh của Công ty cổ phần tư nhân) và thưởng Tết Nguyên đán cao nhất trên địa bàn tỉnh này là 65 triệu đồng/người.

Anh chị em công nhân chúng tôi đi làm xa nhà, cả năm may ra mới được về quê vài ngày vì thế tết đến ai cũng mong được nghỉ làm sớm, nhận lương thưởng sớm để về quê mua sắm tết. Như mấy năm trước, công ty thưởng tết qua tài khoản lại sát tết quá chúng tôi không thể rút được tiền, có người đành ngậm ngùi về quê trong người không còn nỗi vài trăm nghìn để mua quà về quê. Lúc ấy cảm thấy rất là buồn".

Anh Nguyễn Hoàng Nam - Công ty Sản xuất linh kiện xe máy  (Đông Anh, Hà Nội)

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH Quảng Nam đã có 40/53 doanh nghiệp thưởng Tết Dương lịch 2020 cho gần 11.000 lao động, mức thưởng bình quân đạt 2,1 triệu đồng/người, giảm 22,7% so với năm 2019. Trong đó, mức thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI với 80 triệu đồng/người. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp chỉ đưa ra mức thưởng 100.000 đồng/người. Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI với mức 500 triệu đồng đồng/người

Thưởng tăng do lương tăng

Không chỉ các doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như da giày, thủy sản, sản xuất linh kiện điện tử... cũng có mức thưởng bằng hoặc cao hơn Tết năm 2019. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do mức lương tối thiểu cao hơn năm ngoái nên mức thưởng cũng nâng lên chút ít.

Ông Nguyễn Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, kinh tế nước ta tăng trưởng khá, vì thế nhiều khả năng mức lương thưởng tết cũng sẽ khởi sắc hơn.

"Theo tính toán thì lương tối thiểu tăng 6%, nếu tính cả thâm niên thì mức lương thưởng tết của lao động có thể tăng lên tới 9-10%. Đây thực sự là tín hiệu vui của người lao động, khi thành quả cống hiến của họ sau một năm được ghi nhận. Tuy vậy, lương, thưởng tăng cũng sẽ là áp lực không hề nhỏ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ" - ông Huân nói.

Đồng tình với quan điểm của nhiều chuyên gia, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, năm nay kinh tế khởi sắc, lương tối thiểu và lương cơ sở đều tăng vì thế mức lương thưởng tết sẽ tăng hơn một chút so với Tết năm 2019. Đề cập tới vấn đề “nên hay không nên thưởng tết bằng hiện vật, thay vì tiền”-ông Lợi cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm.

"Tiền thưởng mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự ghi nhận của doanh nghiệp với những cống hiến của người lao động trong suốt thời gian dài làm việc. Chính bởi vậy, trước khi quyết định thưởng tết bằng tiền hay hiện vật theo tôi các doanh nghiệp nên có đàm phán, thương lượng để lắng nghe ý kiến của người lao động bởi vì tâm lý của người lao động là “trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Tiền thưởng với lao động mang ý nghĩa rất sâu sắc" - ông Lợi nói.

Còn theo quan điểm cá nhân, ông Lợi vẫn cho rằng thưởng thì nên thưởng bằng tiền thay vì hiện vật. Vì nhiều khi thưởng hiện vật nếu không theo đúng ý nguyện của lao động thì phần thưởng đó không còn giá trị.