Chùa Lục Hòa & danh tác của Thi Nại Am
Đọc Thủy Hử, chúng ta hẳn không ai không biết đến một nơi gọi là Đầm Lục Nhi, ở phía Nam thành Sở Châu. Bởi đây chính là nơi an táng bộ tứ Tống Giang, Lý Quỳ, Ngô Dụng, Hoa Vinh. “Nơi này bốn bề là ao đầm ngòi rạch mênh mông… Tuy là một vùng đất không rộng lắm, nhưng địa thế rồng cuộn hổ ngồi, núi non nhấp nhô uốn lượn, sườn núi đá xếp như bậc thềm, thật chẳng khác gì địa thế trại Thuỷ Hử ở Lương Sơn Bạc”.
3 huynh đệ hảo hán Lỗ Trí Thâm, Lâm Xung, Võ Tòng đều đều qua đời ở cùng một địa điểm.
Nhưng Thủy Hử vẫn còn một địa danh nữa, gắn liền với cái chết của 3 trong số những nhân vật được yêu thích nhất danh tác này: Lỗ Trí Thâm, Lâm Xung và Võ Tòng. Một nơi chốn có thật, thậm chí còn là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hàng Châu: chùa Lục Hòa. Đây là ngôi chùa lớn ở phía Nam Hàng Châu – thủ phủ Chiết Giang, nằm ven bờ Tây sông Tiền Đường.
Ngôi chùa này sở hữu Tháp Lục Hòa cao 13 tầng, xây dựng vào khoảng năm 970 - thời Nam Tống, chính là tòa tháp đẹp nhất Hàng Châu. Tương truyền tháp Lục Hòa được xây để dâng cho các vị thủy thần, cầu xin giảm sự hung hãn của dòng Tiền Đường. Có thời gian tháp còn được dùng làm hải đăng dẫn đường cho tàu bè qua lại trên sông.
Sau khi Nghĩa quân Lương Sơn dẹp xong loạn Phương Lạp thu binh mã hồi kinh, Thủy Hử hồi 119 viết: “Bấy giờ Tống Giang và các tướng dẫn quân mã rời Mục Châu nhằm phía Hàng Châu tiến phát… Chẳng mấy chốc đại quân đã về đến Hàng Châu… Tống tiên phong tạm đóng quân ở tháp Lục Hoà, các tướng đều vào chùa Lục Hoà nghỉ ngơi”.
Toà tháp 13 tầng của chùa Lục Hòa, danh lam thắng cảnh đệ nhất Hàng Châu.
Nơi Lỗ Trí Thâm giác ngộ và viên tịch
Tại chính chùa Lục Hòa này, Lỗ Trí Thâm đã viên tịch. Chuyện thế này: Một đêm nọ, Trí Thâm bị tiếng sóng của sông Tiền Đường làm cho giật mình tỉnh giấc, chàng tưởng là tiếng trống trận vội nhặt cây Thiền trượng toan chạy ra chém giết. Tăng nhân trong chùa ngăn lại, nói với Hoa Hòa thượng rằng đây là tiếng sóng triều bên sông.
Lỗ Trí Thâm nghe những lời này, bỗng nhớ đến lời kệ mà Trí Chân trưởng lão tặng mình năm xưa: “Phùng Hạ nhi cầm, phùng Lạp nhi chấp. Thính triều nhi viên, kiến tín nhi tịch” (gặp Hạ thì bắt - Trí Thâm đã bắt sống tướng Hạ Hầu Thành; gặp Lạp thì trói – bắt trói Phương Lạp; khi nghe tiếng sóng triều cũng là lúc viên tịch).
Chàng lúc ấy mới thực sự giác ngộ mà rằng: “Dù ‘viên tịch’ nghĩa là chết chăng nữa thì hôm nay lão gia cũng tất phải ‘viên tịch’ thôi”. Rồi Lỗ Trí Thâm hỏi nhà chùa cho mượn bút giấy viết một bài tụng. Viết xong, Lỗ Trí Thâm lên nhà giảng lấy ghế toạ thiền, đốt một lò hương thơm, đặt bài tụng trên giường rồi ngồi kiết già mà hoá.
Lỗ Trí Thâm giác ngộ và viên tịch tại chùa Lục Hòa.
Bài tụng của Lỗ Trí Thâm viết rằng (dịch nghĩa): “Bình sinh chẳng tu thiện quả/ Chỉ thích sát nhân phóng hoả/ Chợt tỉnh tháo tung giày vàng/ Tới đây giật phăng khoá ngọc/Tiền Đường nghe sóng triều vang dội/ Mới tỉnh ra rằng ta là ta”.
Lâm Xung và Võ Tòng cũng qua đời ở đây
Còn kết cục của Lâm Xung? “Tống Giang hàng ngày đều vào trong thành chờ lệnh, đợi khi quân mã của Trương chiêu thảo lên đường thì đem quân vào đóng trong thành để thay thế. Sau chừng nửa tháng có sứ giả của triều đình mang sắc chỉ đến truyền lệnh cho Tống tiên phong đem quân về kinh. Đến lúc khởi hành, không ngờ Lâm Xung bị trúng gió cảm bệnh… chạy chữa mãi không khỏi, phải nghỉ lại ở chùa Lục Hoà, giao cho Võ Tòng chăm sóc, nửa năm sau thì qua đời”.
Sau khi Lỗ Trí Thâm viên tịch “Đại Huệ thiền sư châm lửa xong, các nhà sư tụng kinh sám hối, hoả thiêu quan tài sau tháp Lục Hoà, rồi thu nhặt xá lợi đặt thờ trong tháp. Các di vật của Lỗ Trí Thâm như áo cà sa, bát ăn cơm cùng vàng bạc được triều đình và các quan ban thưởng đều nộp vào chùa Lục Hoà để các sư sử dụng. Cả cây thiền trượng sắt và chiếc áo thụng đen không tay cũng để lại cả cho nhà chùa”, Thủy Hử viết về phần đời sau này của Võ Tòng như sau:
Chùa Lục Hòa cũng là nơi mà Lâm Xung và Võ Tòng lần lượt giã từ cõi tạm.
“Tống Giang đến thăm Võ Tòng nay đã trở thành người tàn phế. Võ Tòng nói: - Tiểu đệ này đã trở thành người tàn phế, không muốn về kinh triều cận nữa. Có ít vàng bạc được ban thưởng, đệ xin cũng vào chùa Lục Hoà để dùng vào Phật sự. Đệ chỉ mong được thanh thản làm một người tu hành là tốt lắm rồi. Huynh trưởng làm khai sách gửi về triều xin đừng ghi tên đệ nữa… Từ đó Võ Tòng ở lại tu hành tại chùa Lục Hoà, đến tám mươi tuổi không bệnh mà mất”.
Sau khi mất, Võ Tòng được lập mộ thờ trong khuôn viên của chùa Lục Hòa. Ngôi mộ của Võ Nhị Lang từng bị phá hủy nặng nề trong Cách Mạng văn hóa, tuy nhiên đến năm 2004 đã được xây dựng lại.
Tại sao Thi Nại Am chọn chùa Lục Hòa cho cái kết của 3 hảo hán?
Võ Tòng sau khi tay không đả hổ đươc phong chức Đô đầu huyện Cảnh Dương. Lâm Xung xuất phát điểm trước khi lên Lương Sơn là Giáo đầu 80 vạn cấm quân Đông Kinh. Lỗ Trí Thâm, trước những biến cố đầy màu sắc của bản thân, thì là Đề Hạt ở Vị Châu. Họ xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau, đảm nhiệm những chức quan khác nhau nhưng bộ ba này lại “tìm thấy nhau” trong những sự kiện liên quan đến một ngôi chùa.
Hồi 6 Thủy Hử viết: “Trí Thâm cầm lấy cây trượng ra chỗ rộng, múa lên đánh xuống, một lúc lâu trông vun vút như gió bay mây cuốn, anh nào anh ấy vỗ tay khen ngợi luôn mồm. Đương khi ngọn gậy xuống lên, rất khoái hoạt, thì bỗng thấy có người reo bên đường nói lên rằng: - Gậy múa giỏi thực…”. Đó chính là Lâm Xung và hai người lần đầu gặp nhau rồi kết bái huyng đệ ở chùa Tướng quốc tại thành Đông Kinh.
Thi Nại Am và ẩn ý sâu sắc khi chọn chùa Lục Hòa làm điểm kết thúc cho bộ ba Lỗ Trí Thâm – Lâm Xung – Võ Tòng.
Còn Võ Tòng, sau màn thảm sát nhà Trương Đô Giám, nghe theo lời khuyên của cặp vợ chồng Trương Thanh – Tôn Nhị Nương, quyết chí lên núi Nhị Long nhập đảng cùng Lỗ Trí Thâm để làm thảo khấu. Mà căn cứ chính của nhóm Lỗ Trí Thâm trên Nhị Long Sơn chính là chùa Bảo Châu mà trước đó Hoa Hòa Thượng cùng Dương Chí, Tào Chính đã đánh chiếm được.
Hồi 16 có đoạn viết ngắn về chùa Bảo Châu thế này: “Hai bên núi cao quanh quất bao bọc ngọn chùa, thế núi nguy nga hùng tráng, khoảng giữa có một núi con đi vào các cửa, trên cửa bày chất các đồ cung nỏ đạn đá, cùng là gỗ súc gậy tre phòng bị rất là nghiêm mật. Khi qua ba tòa nhà, vào tới trước chùa Bảo Châu, thấy ba tòa điện ngôn ở trên một miếng đất phẳng lì như mặt kính, xung quanh chấn gỗ làm thành”.
Từ chùa Tướng Quốc đến chùa Bảo Châu, Lâm Xung kết giao với Lỗ Trí Thâm, rồi họ Lỗ sau đó trở thành huynh đệ với Võ Tòng. Cả ba người sau trận chiến với Phương Lạp, đều ở lại chùa Lục Hòa, chứ không về kinh nhận phong thưởng. Mối lương duyên giữa bộ ba hảo hán này khởi đi từ những ngôi chùa và cùng khép lại ở một ngôi chùa.
Chùa là chốn thanh tịnh, là nơi kết thúc mọi oán hận, đau khổ, sầu bi. Và đấy có lẽ là cái kết đẹp nhất mà Thi Nại Am dành cho ba người hùng đã trải qua quá nhiều bi kịch trong đời. “Tiền Đường nghe sóng triều vang dội/ Mới tỉnh ra rằng Ta là Ta” – lời kệ cuối cùng của Lỗ Trí Thâm, hẳn cũng là dành cho cả hai người huyng đệ: Lâm Xung và Võ Tòng.