Phát huy vai trò nòng cốt của Hội
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Thào Xuân Sùng khẳng định, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, trong những năm qua, Hội NDVN đã chủ động, tích cực cùng với các bộ, ngành, các địa phương triển khai nhiều chương trình đề án, dự án, phát động các phong trào thi đua yêu nước góp phần làm cho xã hội nông thôn có nhiều đổi mới và phát triển.
Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng và các đại biểu trao đổi, thảo luận ngoài giờ giải lao hội thảo. (ảnh: Thu Hà)
Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn năm 2018 tăng 2,78 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 17,35% năm 2010 (theo tiêu chí cũ) xuống 7,03% năm 2018 theo tiêu chí nghèo đa chiều. Người dân nông thôn ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao tốt hơn, môi trường sống xanh, sạch, đẹp hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, xã hội nông thôn còn bộc lộ nhiều mâu thuẫn diễn biến phức tạp như: Bình đẳng giới, lao động việc làm, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường…
Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức đối với xã hội nông thôn hiện nay.
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng, trong bối cảnh mới, nhân tố con người là yếu tố quyết định, nông dân phải là chủ thể trong điều kiện mới trong mối quan hệ liên kết “6 nhà”. “Điều đó đòi hỏi chúng ta - những người dẫn dắt nông dân Việt Nam phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết các điểm nghẽn để chủ thể là nông dân thực hiện được khát vọng mới. Đó là phát triển nông nghiệp “Thịnh vượng - Nông dân giàu có - Nông thôn văn minh” - Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Hình thành mẫu người nông dân hiện đại
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hà Tĩnh, ông Bùi Nhân Sâm - Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh chia sẻ: “Được tỉnh giao nhiệm vụ là nòng cốt trong tham gia xây dựng vườn mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu, các cấp Hội ND tỉnh Hà Tĩnh có nhiều cách làm hiệu quả. Hội đã bằng nhiều cách tuyên truyền, đến từng ngõ gõ từng nhà vừa tổ chức vận động, vừa góp ý, định hướng, hỗ trợ cho hội viên quy hoạch sản xuất. Với những cách làm cụ thể, đến nay, các cấp Hội đã trực tiếp vận động, hỗ trợ, cải tạo và chỉnh trang 407.000 vườn tạp, vườn hộ; xây dựng hơn 4.700 vườn mẫu; trên 2.280 khu dân cư NTM kiểu mẫu”.
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng, trong bối cảnh mới xét đến cùng nhân tố con người là yếu tố quyết định, nông dân phải là chủ thể trong điều kiện mới trong mối quan hệ liên kết “6 nhà”. |
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Ông Đào Thanh Lưỡng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Với vai trò là tổ chức đại diện cho đối tượng hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất ra sản phẩm OCOP, Hội ND tỉnh Quảng Ninh đã tập trung tổ chức thực hiện giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 167 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP”.
Đánh giá cao vai trò của các cấp Hội NDVN trong xây dựng NTM với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, ông Ngô Tất Thắng - Phó Chánh văn phòng điều phối NTM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò của Hội ND các cấp trong thực hiện Chương trình nói chung và trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
“Hoạt động xây dựng NTM của các cấp Hội cần chú trọng triển khai các hoạt động trong 5 mảng nội dung sau. Đó là phát triển kinh tế nông thôn, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế và các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc vận động, hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản xuất thông qua đổi mới hình thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo nhu cầu thị trường và chú trọng đến chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp hữu cơ…” - ông Thắng bày tỏ.
Theo TS Đặng Kim Khôi - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập thế giới 4.0, người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế phải là những nông dân có trình độ và kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến; phải lành nghề về sản xuất nông nghiệp; biết ngoại ngữ, có kỹ năng sử dụng máy tính, tin học và dịch vụ công tốt, hiểu biết về hội nhập quốc tế. Đặc biệt; có sự liên kết chặt chẽ, tích cực trong sản xuất, kinh doanh không chỉ nông dân với nông dân, mà còn với cả Nhà nước, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Chủ tịch Thào Xuân Sùng đánh giá cao các ý kiến, thảo luận của các đại biểu. Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho biết, những đóng góp của các đại biểu tại hội thảo sẽ được Hội NDVN lựa chọn làm cơ sở xây dựng các hoạt động, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII Hội NDVN nhiệm kỳ 2018 – 2023.