Dân Việt

142.000 hộ dân hưởng lợi từ Dự án giảm nghèo Tây Nguyên

Lâm Sơn 27/12/2019 19:39 GMT+7
Ngày 26/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị kết thúc Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (2014 - 2019) tại Hà Nội. Sau 5 năm triển khai, dự án đã góp phần nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho hàng trăm nghìn người ở khu vực Tây Nguyên.

Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tập trung phát triển cộng đồng tại 26 huyện nghèo của 6 tỉnh liền kề nhau bao gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi ở khu vực Tây Nguyên và Miền Trung. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình của những huyện này khoảng 49% với tổng mức dân số khoảng 1,2 triệu người, trong đó hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu phát triển của Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên là cải thiện cơ hội sinh kế cho các hộ nghèo và các cộng đồng ở vùng cao nguyên và miền Trung Việt Nam.

Báo cáo tổng kết sau 5 năm thực hiện, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho các hộ dân nghèo ở các tỉnh Tây Nguyên. Dự án đã thực hiện tổng số hơn 2.100 tiểu dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm xây mới và cải tạo đường nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây mới hàng chục cây cầu…

img

Ông Trần Duy Đông - Giám đốc Ban điều phối Dự án Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: “Sau 5 năm triển khai, dự án đã đạt được những mục tiêu tổng quát đề ra ban đầu, đó là nâng cao mức sống của người dân thông qua hoạt động sinh kế. Đây là kết quả quan trọng mà dự án đã thu được. Chúng tôi đã hoàn thành 439 km đường nông thôn, kiên cố hóa kênh mương tưới tiêu cho 4.000 ha, xây dựng mới 73 cây cầu, hoàn thành 141 điểm đưa nước về cho người dân sử dụng. Với hợp phần sinh kế, dự án cũng đã triển khai hơn 4.500 tiểu dự án sinh kế, và đến nay có khoảng 142.000 hộ dân hưởng lợi trực tiếp từ dự án này”.

Với 439km đường nông thôn được xây dựng mới, dự án Giảm nghèo Tây Nguyên đã góp phần tạo thuận tiện cho người dân đi lại, giảm chi phí vận chuyển, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và mở rộng vùng sản xuất.

Anh A Hiếu (xã Dak Nhoong, huyện Dak Glei, tỉnh Kon Tum) chia sẻ: “Mấy năm trước 1 ha rẫy mình chỉ thu được hơn 1 tấn café/ha vì đường trơn đi lại khó khăn, giờ mình đã được 4 tấn/ha. Mấy đứa trẻ nhà mình đi học cũng không bị ngã như trước kia”.

img

Anh A Hiếu

Với hơn 4.500 tiểu dự án sinh kế, dự án cũng đã hỗ trợ trực tiếp người dân thực hiện các mô hình sinh kế với loại hình trồng trọt hoặc chăn nuôi nhằm tự chủ và đa dạng hóa thu nhập, cũng như phát triển liên kết thị trường. Người dân được dự án hướng dẫn tự thành lập hơn 4.100 tổ nhóm cải thiện sinh kế để liên kết các hộ có cùng mục tiêu và loại hình trồng trọt hoặc chăn nuôi…

img

Bác Đinh Thị Krót và mô hình nuôi dê sinh sản - Tiểu dự án sinh kế Nuôi dê sinh sản Thôn Gò Ra - Xã Sơn Thành - Huyện Sơn Hà - Tỉnh Quảng Ngãi

Tới nay đã có gần 142.000 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án trong đó 59.000 hộ nghèo và cận nghèo nhận được hỗ trợ trực tiếp từ dự án cho các hoạt động sinh kế, bao gồm con giống như bò, dê, heo, gà… để nuôi sinh sản và cây giống như lúa, ngô, dứa, chuối…

img

Cây cầu treo mới đi khu sản xuất Đắc Roi, Thôn Đăk Nhoong - Xã Đăk Nhoong - Huyện Đăk Glei - Tỉnh Kon Tum

img

Người dân vui mừng với đường giao thông nội bản mới được nâng cấp - Tổ 1 bản Giang Châu

Hiện nay, hơn 1.800 tổ nhóm sinh kế vẫn còn duy trì hoạt động. Một số mô hình kinh tế hộ đang mang lại hiệu quả rất cao như nuôi heo rừng lai, nuôi dê bách thảo, nuôi bò cỏ…