Tạm thời “trụ hạng”
Tại buổi họp báo về kết quả kiểm tra lần 2 của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) do Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) tổ chức, bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho biết, từ ngày 5 - 14/11/2019, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (Đoàn Thanh tra EC) đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
EC đánh giá cao sự minh bạch, trung thực, công khai thông tin của Việt Nam trong việc thực hiện chống IUU.
(ảnh: internet)
Sau buổi kiểm tra, ngày 19/12, EC đã có công thư thông báo ý kiến đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam. Đoàn thanh tra EC khẳng định, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5/2018) và đang đi đúng hướng. Cụ thể, Việt Nam đã triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật trên thực tế; đã có cải thiện đáng kể trong công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra trước.
Bên cạnh đó, EC cũng ghi nhận, đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên trong suốt thời gian đoàn làm việc tại Việt Nam.
“Đoàn kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang và đánh giá Việt Nam đã nỗ lực trong công tác quản lý cường lực khai thác thông qua việc “đóng băng” đội tàu khai thác xa bờ, Bộ NNPTNT cũng đã ban hành quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản xa bờ cho 28 tỉnh ven biển" - bà Nhung thông tin.
Cũng theo bà Nhung, thẻ vàng của EC mang tính chất là tiền xác định Việt Nam có thể là quốc gia không hợp tác, không có nghĩa đã xác định Việt Nam là quốc gia không hợp tác. Khi đã xác định Việt Nam là quốc gia không hợp tác thì lúc đó mới không có cơ chế đối thoại, còn đây chỉ là có thể, để họ tiếp tục làm việc qua đó xác định mình hợp tác hay không.
“EC không nói sẽ gỡ “thẻ vàng”, nhưng chúng ta hiểu rằng họ đánh giá cao việc chúng ta đang hợp tác và họ vẫn giữ cơ chế đối thoại hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. Sau 6 tháng nữa, đoàn EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra lần nữa" - bà Nhung giải thích thêm.
Theo Tổng cục Thủy sản, sau đợt kiểm tra lần này, Đoàn thanh tra EC tiếp tục đưa ra những nhóm khuyến nghị và mong muốn phía Việt Nam thực hiện tốt khung pháp lý; vấn đề theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá; quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận hải sản từ khai thác…
Vẫn còn vi phạm
Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2019 vẫn còn 68 trường hợp vi phạm về khai thác hải sản. Bà Nguyễn Thị Trang Nhung cho biết, phía EC đã khẳng định chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì Ủy ban châu Âu sẽ không rút “thẻ vàng”. Việt Nam phải nộp báo cáo tiến độ toàn diện về kết quả triển khai các nội dung theo báo cáo giám sát trước ngày 15/5/2020.
Thực hiện triển khai cho thấy, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến thời đểm này cũng chính là mấu chốt để giữ được "thẻ vàng", không bị nâng lên mức phạt "thẻ đỏ" đối với thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên công tác triển khai còn chậm, nhất là các nghị định, thông tư hướng dẫn dưới luật. Bà Phan Thị Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thủy sản) |
Ông Phạm Anh Tuấn-Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, việc gỡ “thẻ vàng“ IUU đối với Việt Nam là rất quan trọng. EU chưa gỡ có nghĩa là chúng ta chưa thực hiện tốt, vẫn còn vi phạm một số quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, đánh bắt không khai báo, không truy xuất được nguồn gốc rõ ràng…
Việc bị phạt "thẻ vàng" đã kéo theo nhiều tác động xấu, làm giảm uy tín đối với ngành thủy sản nói chung và nghề cá nói riêng; một số nhà nhập khẩu sẽ từ chối mua thủy sản. Hầu như 100% các lô hàng nhập khẩu vào EU đều mất thời gian chứng minh xuất xứ, làm cho thương mại bị đình trệ, chi phí của các nhà xuất khẩu tăng cao...
Mặc dù trong 2 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực khắc phục “thẻ vàng“ IUU, điển hình là trong công tác tuyên truyền về IUU, làm gì để tuân thủ khuyến nghị của EC trên các phương tiện thông tin truyền thông và trong đào tạo nghề cá. Tại các địa phương, việc chứng nhận sản phẩm khai thác đã được thực hiện tốt hơn; số lượng tàu thuyền được lắp thiết bị hành trình đang tăng lên với khoảng 75% số tàu trên 24m lắp thiết bị hành trình (hơn 2.000 chiếc) và 25% số tàu từ 15-24m lắp thiết bị.
“Mặc dù vậy, việc chứng nhận nguồn gốc khai thác hải sản còn rất nhiều khó khăn vì số lượng tàu cá rất nhiều; đối tượng khai thác, thành phần trong cùng một mẻ lưới, một chuyến tàu là rất nhiều, do Việt Nam là nước nhiệt đới, khác với các nước ôn đới thì đối tượng đơn loài hơn, do đó việc ghi nhật ký cũng khó cho ngư dân, thậm chí nhiều như dân chưa có thói quen ghi nhật ký khai thác. Ngoài ra, các cảng cá hiện chưa đồng bộ, khiến tàu vào bến không có chỗ để vào xác nhận”- ông Tuấn cho hay.
Giải pháp cho những vấn đề trên, theo ông Tuấn là phải thay đổi nhận thức của ngư dân, sổ nhật ký cần cải tiến để tiện ích và dễ nhớ hơn, hệ thống giám sát tàu phải được xây dựng và cảng phải được đầu tư. Khai thác phải đảm bảo nguồn lợi bền vững, muốn vậy thì sản lượng khai thác phải phù hợp với thời gian tái tạo và nguồn lợi. Do đó, cần đánh giá nguồn lợi thủy sản một cách thường xuyên để xác định sản lượng được phép khai thác và thực hiện tốt các khuyến nghị của EC.
Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhấn mạnh: Chúng ta hướng đến phát triển bền vững ngành thủy sản chứ không phải tất cả là vì chiếc “thẻ vàng” của EC, nhưng chúng ta cần hiểu chính những khuyến nghị của EC đang hướng đến phát triển bền vững.