Dân Việt

"Kế hiểm" của người đàn bà U40

Theo Báo CAND 27/12/2019 22:07 GMT+7
Người đàn bà ấy đã nghĩ ra cách đánh vào sự tín tâm của nạn nhân đang gặp những khó khăn, trắc ẩn trong cuộc sống.

Đi tù từ năm 16 tuổi, người đàn bà 38 tuổi - Nguyễn Thị Nhung (trú tại thôn Đông Ninh, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã kịp có đến 3 tiền án về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản. Quá ma mãnh và lắm chiêu trò, Nhung đã nghĩ ra cách lừa đảo, trộm cắp rất “độc”, nhằm vào sự tín tâm của một số người đang gặp những khó khăn, trắc ẩn trong cuộc sống.

Lập “kịch bản”, dụ nạn nhân mang tiền lễ ra chùa để trộm cắp

Nạn nhân của Nhung là bà P.T.L (SN 1964, trú tại xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) kinh tế cũng không có gì dư dả. Bà L thường xuyên phải đi làm mướn cho các gia đình để tích cóp tiền nuôi cả nhà. Nhung cũng biết bà L vào cuối tháng 6-2019 khi thuê người phụ nữ tảo tần này đến nhà để dọn dẹp vệ sinh cho chị ta trong 3 ngày.

Trong thời gian này, qua các cuộc trò chuyện, bà L đã kể cho Nhung nghe về hoàn cảnh nhà mình. Với bản chất lưu manh, chi tiết con dâu bà L sắp sinh em bé đã lọt ngay vào “phần não chuyên lừa đảo” của Nhung. Từ lúc đó, bằng cách này, cách khác, Nhung thể hiện cho bà L. biết chị ta là một thầy cúng rất có tâm, thường hay đi cúng lễ ở các nơi để kêu cầu cho mọi người. Đặc biệt, chị ta thường kêu cho các sản phụ “mẹ tròn con vuông”, cho những người gặp trắc trở trong đường tình duyên… mà không hề lấy của ai một đồng tiền cúng nào. Thường Nhung chỉ hướng dẫn cầu cúng qua điện thoại chứ các gia chủ không cần đến tận nhà Nhung hay mời Nhung đến làm lễ.

Sang đầu tháng 7 thì Nhung đã lập xong một “kịch bản” hoàn hảo để lừa đảo bà L. Khoảng 8h ngày 3-7, Nhung sử dụng một số điện thoại gọi cho bà L., giả danh là mẹ đẻ của con dâu bà L., kể chuyện về việc đã đi xem bói, thầy bói nói con gái sẽ sinh nở khó khăn. Bây giờ nếu muốn “mẹ tròn con vuông”, thầy phán gia đình phải làm lễ cúng giải hạn. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, việc cúng lễ này phải do nhà nội xử lý. Sau đó, “bà thông gia” cũng không quên dặn dò bà L. rằng đây là việc hệ trọng, cần giữ bí mật mà chuẩn bị tiền cúng lễ, không được nói với ai.

Sau câu chuyện với “bà thông gia”, bà L. đã nhớ đến Nhung, “bà thầy cúng có tâm”, làm miễn phí như Nhung tự quảng cáo lúc trước. Bà L nhờ Nhung kêu cầu giúp, giải hạn cho con dâu để mẹ con nó sinh nở thuận lợi. Tỏ vẻ cảm thông, Nhung nhận lời và qua điện thoại, hướng dẫn bà L chuẩn bị 5 triệu đồng tiền lễ và một số đồ khác để tự cúng. Nhung bảo bà L. cho riêng 5 triệu đồng vào một chiếc túi nilon đen. Bà L. tin tưởng và chuẩn bị lễ theo đúng như lời Nhung dặn.

Đến 14h30’ cùng ngày, Nhung gọi điện thoại, bảo bà L. mang đồ lễ ra một ngôi chùa ở xã khác để cúng thì mới thiêng, chùa nào thì do bà L chọn. Bà L. đề xuất có chùa Nậu ở xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng rất thiêng, Nhung đồng ý. Trong lúc bà L chuẩn bị đến chùa Nậu theo giờ dặn của Nhung để làm lễ thì Nhung đã nhanh chóng có mặt sẵn ở đó, tìm một vị trí ẩn mình, đủ để quan sát người ra vào chùa Nậu. Một lúc sau, thấy bà L. đi xe đạp điện chở theo đồ lễ đến, Nhung gọi điện thoại bảo bà L. mang đồ lễ ra để ở vị trí cách chùa 100 mét. Bà L. làm theo hướng dẫn của Nhung, mang đồ lễ ra để tại gốc cây tùng, cách cổng chùa Nậu khoảng 100 mét. Nhung tiếp tục gọi điện hỏi xem bà L. có tiết lộ việc làm lễ cho ai không.

Thấy an toàn, Nhung bảo bà L. tự lễ khoảng 30 phút, lễ xong mang túi gạo đi rắc từ vị trí để lễ hướng vào chùa, nhưng không được quay đầu lại; rắc gạo xong thì vào chùa tiếp tục cúng lễ. Khi thấy bà L. đã đi vào trong cổng chùa Nậu, Nhung lẻn ra chỗ để túi lễ, lấy túi nilon đen bên trong có chứa 5 triệu đồng đút túi, rồi gói túi lễ để lại như cũ.

Một lúc sau, thấy bà L. đi ra phía để túi lễ, Nhung gọi điện thoại bảo bà L. không được mở ra xem mà mang thẳng túi lễ về nhà, cất vào gầm giường. Bà L. mang túi lễ về để trên giường trong buồng.

Đến khoảng 18h30’ cùng ngày, Nhung tiếp tục gọi điện cho bà L., yêu cầu chuẩn bị thêm 10 triệu đồng để làm lễ tiếp. Bà L. có chuẩn bị số tiền theo lời Nhung, nhưng sau cảm thấy nghi ngờ nên đã kiểm tra lại túi lễ lúc trước và phát hiện bị mất chiếc túi nilon đen bên trong có 5 triệu đồng.

Sau đó, Nhung tiếp tục gọi điện yêu cầu đúng 12h ngày 4-7, bà L. phải cầm tiền và túi đồ lễ lên TP Thái Bình (Thái Bình) để làm lễ. Lúc này, bà L. nói với Nhung việc đã bị mất số tiền 5 triệu đồng để trong túi lễ trước đó. Nghe vậy, sợ bị phát hiện, Nhung đã tắt máy và không liên lạc lại với bà L nữa.

img

Nguyễn Thị Nhung

“Ngựa quen đường cũ”

Quen thói lừa đảo, mấy ngày sau khi lừa đảo và trộm cắp tiền của bà L, thấy dễ, Nhung lại mò đến nhà bà P.T.N (SN 1962, trú tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) để lân la làm quen. Trong câu chuyện của người đàn bà thôn quê thật thà, Nhung đã phát hiện ra ngay tình tiết khiến bà N đang sầu muộn là cô con gái đã 33 tuổi mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Nghe vậy, Nhung “bắt mạch” ra ngay việc: “Con dâu bà N. ở nhà án ngữ nên con gái bà N. không lấy được chồng. Nếu muốn có con rể quý và cháu nội là cháu trai, bà N. phải làm lễ cúng để cắt duyên âm và cầu cháu trai”. Nhung giới thiệu mình có điện thờ và chuyện lễ vì cái tâm cho mọi người may mắn.

Ngày 7-7, Nhung hẹn gặp bà N. để bàn chuyện cúng lễ cho con gái và con dâu bà N. Tại nhà bà N., Nhung yêu cầu bà N. chuẩn bị lễ gồm: hoa, quả, vàng mã, đôi bông tai vàng của bà N. cùng số tiền khoảng 4-5 triệu đồng. Nhung dặn bà N. phải sắp lễ tại nhà vào ngày 8-7 và không được nói việc này với ai ngoài cô con gái “mãi vẫn không chịu lấy chồng”. Như người chết đuối vớ được cọc, bà N. làm theo lời của Nhung mà không hề nghi ngờ gì.

Theo đó, khoảng 8h ngày 8-7, Nhung ở nhà trọ tại thôn Lại Xá, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình gọi điện hướng dẫn bà N tự sắp lễ và đặt lễ trên bàn ở phòng khách tầng 1 của gia đình; tiền và đôi bông tai vàng gói trong túi nilon đen, đặt dưới tiền vàng mã rồi tự làm lễ. Khi bà N đang làm lễ theo sự hướng dẫn thì Nhung điều khiển xe máy Air blade BKS 17B6-40567 đến xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ. Đến nơi, Nhung không vào nhà bà N. mà đứng ở vị trí cách đó khoảng 700m quan sát.

Tiếp đó, Nhung gọi điện thoại bảo bà N. mang hoa quả sang ngôi đền phía sau nhà bà N. để lễ. Nhung dặn bà N. không được cho ai vào nhà, nhốt chó vào chuồng sau nhà hoặc mang đi gửi hàng xóm để không nghe thấy tiếng chó sủa, cửa và cổng mở hết ra để âm khí thoát ra ngoài thì cúng lễ mới thiêng. Đang trong cơn mê tín, bà L răm rắp làm theo lời dặn của thầy Nhung. Chỉ lợi dụng lúc ấy, Nhung lẻn vào trong nhà, mở gói túi nilon màu đen để trên bàn lễ lấy đôi khuyên tai và 5 triệu đồng. Sau đó, Nhung lên tầng 1 vào phòng ngủ lục lọi lấy đi nhiều đồ trang sức như: kiềng, lắc tay, dây chuyền, nhẫn. Thế nhưng trong lúc tẩu thoát Nhung đã bị các trinh sát Phòng CSHS Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ.

Được biết, Nhung vốn xinh xắn, khôn ngoan nhưng lại hư hỏng từ sớm. Học chưa hết lớp 8, Nhung đã bỏ học, giao du với đám bạn xấu. Năm 2003, khi mới 16 tuổi, Nhung đã bị TAND tỉnh Thái Bình xử 7 năm tù giam về tội “Cướp tài sản”. Ra tù, Nhung lại tiếp tục ngựa quen đường cũ. Năm 2011, Nhung bị bắt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với án tù 1 năm. Năm 2015, TAND huyện Thái Thụy xử Nhung 9 tháng tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và được hoãn thi hành án do đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Ngày 15-7-2019, Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Thái Thụy ra Quyết định áp giải thi hành án. Sau mỗi lần bị chấp hành án, rồi ra tù, Nhung vẫn không thay đổi bản chất. Cái lưỡi của chị ta còn dẻo quẹo hơn khi lừa người khác, cái đầu nghĩ ra quái chiêu nhiều hơn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Giữa tháng 11 vừa qua, Nhung tiếp tục bị TAND tỉnh Thái Bình đưa ra xét xử liên quan đến vụ trộm cắp tài sản của bà L và bà N nêu trên. HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Thị Nhung 2 năm tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”. Thêm những ngày sẽ phải thụ án trong trại giam, nhưng không biết, Nhung có lấy đó làm bài học tỉnh ngộ cho mình? Vụ án thêm một lần nữa là bài học cảnh giác cho những người phụ nữ ở thôn quê, đừng quá mê tín dẫn đến việc rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo, trộm cắp.