Ngô Lực quan niệm, thiết kế nghĩa là phải tối ưu hoá về công năng, tiết kiệm tiền bạc và đạt được thẩm mỹ cá nhân, thể hiện tính cách, biểu tượng của một nền văn hoá; đồng thời làm hài hoà cuộc sống con người với thiên nhiên.
Có dịp làm việc với các nghệ sĩ quốc tế và kiến trúc sư quốc tế, Ngô Lực khẳng định nền tảng văn hoá Việt rất đáng quý bởi có sự giao thoa độc đáo với phương Tây, ở đây cụ thể là Pháp, chứ không phải chỉ thuần Á.
Ngô Lực miệt mài vẽ tranh sau khi kết thúc công việc ở các công trình.
“Tôi là một người đi theo những gì tiến bộ để học hỏi những cái hay cái đẹp của thế giới nhưng tôi không bao giờ có thể tách rời được vốn dĩ bản chất và linh hồn của người Việt. Tôi rất đồng thuận với cách "tư duy toàn cầu hành động địa phương” chứ không chấp nhận tính toàn cầu hoá làm mất đi bản sắc của người Việt” – Ngô Lực nói.
Theo anh, kiến trúc sư nên tìm cách để phát huy tối đa những gì có sẵn của người Việt và nâng nó lên một tầm cao mới chứ không phải cố gắng tạo ra những sản phẩm giống Singapore, Nhật, Hàn, Trung Quốc… Thế giới cần phải nhìn nhận Việt Nam như là chính Việt Nam chứ không phải là bản sao của bất kỳ một nền văn hoá nào.
“Người Nhật hiểu rất rõ về mức độ giao thoa văn hoá thời hiện đại và họ ý thức sâu sắc về gìn giữ truyền thống, phát huy tính hiện đại… Singapore là một nơi đưa công viên vào trong phố, kiến trúc cổ điển và hiện đại hoà phối vào nhau. Ở Dubai, tất cả những công trình không có ý tưởng rõ ràng và thuyết phục được hội đồng duyệt concept thì không được xây dựng. Tất cả các quốc gia đều có chiến lược trong định hình tư duy thiết kế của mình” – Ngô Lực chia sẻ.
Họ làm chặt chẽ từ đầu dẫn đến sau này các kiến trúc vừa đẹp vừa phong phú, đa dạng, tạo nên rất nhiều câu chuyện hay, bề dày văn hoá, đồng thời lại nâng cao tính tiện ích và hài hoà với thiên nhiên.
"Ở ta quá nhiều công trình xấu mà còn có kích cỡ quá lớn nữa, cả một thành phố lô nhô, nham nhở thì tác động rất tiêu cực đến công chúng. Có những công trình xây dựng không những không đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu mà nếu không cẩn thận còn có thể trở thành “rác” xây dựng, gây ảnh hưởng thị giác rất kinh khủng, làm phiền công chúng” - KTS nhận định.
Ngô Lực khác với kiến trúc sư khác vì bản thân anh xuất thân từ họa sĩ nên trong kiến trúc và không gian thiết kế của anh tràn đầy màu sắc của nghệ thuật. Anh từng phụ trách toàn bộ phần nghệ thuật của nhiều công trình.
Theo Ngô Lực, khi xây lên xong, thường là công trình thực tế khác xa với những gì trước đó tất cả hình dung. “Con người không xây nhà chỉ để ở mà là để có những giấc mơ, để hạnh phúc cùng nhau, nuôi dưỡng sự sáng tạo và tâm hồn. Đằng sau những bản vẽ thiết kế là những câu chuyện về mối quan hệ gia đình, là tình cảm họ dành cho nhau, là những mong ước và cảm xúc của mỗi con người trong gia đình, một bản thiết kế có thể làm cho con người xa nhau và một bản thiết kế có thể kết nối con người lại với nhau hơn”.
Vừa là nghệ sĩ sáng tác, kiến trúc sư, Ngô Lực vừa điều hành Niceday - một công ty xây dựng, thi công nội ngoại thất do anh sáng lập.
Làm kiến trúc nhưng không có ý tưởng, không thật sự hiểu công trình mình làm ra có ý nghĩa gì, để làm gì thì chỉ là những sự cóp nhặt, ăn cắp ý tưởng công trình của người khác.
Ngô Lực tu nghiệp kiến trúc sư tại Nhật Bản, tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, đồng thời anh cũng là một đạo diễn hình ảnh và là hoạ sĩ thiết kế cho nhiều bộ phim quốc tế cũng như trong nước.