Đó là nội dung văn bản số 971 của UBND thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan về Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vừa được ban hành.
Cụ thể, TP.HCM giao UBND quận 9 khẩn trương hoàn thành việc bàn giao mặt bằng thi công cầu bộ hành ga Phước Long thuộc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên; giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Đường sắt đô thị và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu gia hạn thời gian thực hiện dự án xây dựng 2 tuyến cáp điện ngầm 110KV cung cấp điện cho vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 đến hết năm 2021.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dời thời gian hoàn thành từ năm 2020 sang quý 4/2021. Ảnh minh hoạ
TP.HCM cũng giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị chủ trì phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng, khai thác hạ tầng viễn thông thụ động và thương mại tại các nhà ga của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, gửi Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, tham mưu báo cáo UBND TP.
Riêng với tuyến metro Bến Thành - Tham Lương, TP giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để sớm có ý kiến thống nhất về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư trong kế hoạch tái định cư cập nhật.
Sở Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu khẩn trương đôn đốc UBND các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú và các đơn vị tư vấn thẩm định giá rà soát giá T2 của dự án, đảm bảo tiến độ trình Hội đồng thẩm định giá đất TP.
UBND các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú phải khẩn trương báo cáo thành phố phương án xử lý các vấn đề phát sinh trong tháng 12.
Ngoài ra, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP phải giải trình, cập nhật kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo ý kiến góp ý của các sở gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định trình UBND TP.
Dự án tuyến metro số 1 (dài gần 20km) được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2007, tổng mức đầu tư là 17.400 tỷ đồng. Đến năm 2010, số vốn đầu tư được phê duyệt lại trên cơ sở điều chỉnh thiết kế cộng với sự thay đổi tỉ giá đồng yen Nhật, nâng tổng mức đầu tư lên 47.000 tỷ đồng, song chưa được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Đến cuối năm 2019, TP điều chỉnh giảm khoảng 3.400 tỷ đồng, còn 43.600 tỷ đồng, sau khi rà soát lại các hạng mục. Tuyến metro số 2 được phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư khoảng 26.116 tỷ, sau đó được đề xuất điều chỉnh lên gần 48.000 tỷ đồng. Lý do đưa ra là tuyến metro bị ảnh hưởng do các yếu tố như trượt giá, chi phí tài chính hay bổ sung thêm hạng mục (kết nối với các tuyến metro số 3b, 5 và 6; tăng chiều dài các nhà ga ngầm). Quý 3, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết tuyến metro số 1 sẽ dời thời gian hoàn thành từ năm 2020 sang quý 4/2021. Trong khi đó, dự án metro số 2 sẽ đưa vào khai thác vào năm 2026, thay vì 2024 như dự kiến. |