Đi trên con đường được trải nhựa phẳng lì, ông Đỗ Quốc Tự (78 tuổi, trú tại khu 5), nguyên Bí thư xã Tử Đà vẫn không thể tin được, trên quê hương mình có sự đổi thay một cách nhanh chóng, thần kỳ như vậy.
Đến với xã Tử Đà hôm nay, mọi người sẽ thấy một sự "thay da đổi thịt" và không thể tin được khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, nơi đây chỉ là xã thuần nông với xuất phát điểm rất thấp lại có được thành tích như ngày hôm nay.
Với ông, sau nhiều năm công tác tại xã, đã nghỉ hưu, qua nhiều thế hệ, nhưng chỉ đến những năm gần đây quê hương Tử Đà mới thực sự “thay da đổi thịt”.
“Dù đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng tôi vẫn luôn theo dõi, bám theo những chính sách, sự lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương. Tôi thấy cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM của nhà nước như một sức mạnh thôi thúc cán bộ và nhân dân cả nước nói chung và xã Tử Đà nói riêng. Trong những năm gần đây, xã Tử Đà đã có những thành tích được xem như bước ngoặt giúp bộ mặt địa phương được khang trang, kinh tế của người dân phát triển, đủ đầy, ấm no...”, ông Tự vui vẻ.
Còn theo ông Hà Kế Tài, Chủ tịch UBND xã Tử Đà, để có được những thành công như ngày hôm nay, ngoài sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên, sự nỗ lực của chính quyền địa phương thì điều tiên quyết vẫn là sự đồng lòng của người dân.
Cụ thể, theo ông Tài, trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, ngoài số tiền gần 10 tỷ đồng mà nhân dân đóng góp, còn có cả chục hecta đất mà người dân hiến để làm đường và những công trình phúc lợi.
Những con đường liên thôn, nội đồng kiên cố được xây dựng, ngoài nguồn ngân sách hạn hẹp thì không thể không nhắc tới công lao to lớn của người dân nơi đây khi sẵn sàng hiến đất, ủng hộ tiền và cả công sức.
“Chính nhờ việc người dân hiến đất và đóng góp, cho đến nay, đường xã, đường từ trung tâm xã đi UBND huyện, đường liên khu đã được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa đảm bảo cho ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện tiêu chí kênh mương nội đồng và môi trường được xem là khó khăn nhất. Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền sát sao và người dân ủng hộ, hỗ trợ nên xã đã hoàn thành một cách xuất sắc”, ông Tài vui vẻ chia sẻ.
Để kiểm chứng những điều ông Tài nói, chúng tôi quyết đi một vòng quanh xã Tử Đà. Và điều chúng tôi ấn tượng là đâu đâu cũng là những con đường sạch đẹp, ô tô đi lại một cách dễ dàng với những ngôi nhà khang trang, tươm tất.
Theo ông Tài, vốn là xã thuần nông với xuất phát điểm thấp, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Mỗi năm, người dân chỉ trông chờ vào hai vụ lúa với ít rau màu. Nhưng không vì khó khăn mà ỷ lại, chính quyền và nhân dân xã Tử Đà đã cùng nhau đưa nhiều kế sách phát triển kinh tế.
Ngoài ngành nông, lâm nghiệp là chủ lực thì kinh doanh dịch vụ ở Tử Đà cũng rất phát triển
Ngoài việc có cụm công nghiệp giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, cũng như kéo theo dịch vụ phát triển, xã Tử Đà còn phát động chiến dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với những diện tích kém hiệu quả, người dân được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, sản xuất theo quy mô hàng hóa giá trị cao. Từ đây, nhiều mô hình kinh tế có giá trị ra đời và được nhân rộng. Điển hình như các phong trào sản xuất theo quy mô hàng hóa tập trung áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm như: Ốc Tử Đà, cá tính, lợn an toàn sinh học, gà thả vườn, cá sông Lô...
Chính nhờ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trú trọng phát triển dịch vụ, sản xuất hàng hóa tập trung, kinh tế của người dân đã nâng lên một cách rõ rệt. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,89% và toàn xã hoàn toàn không còn nhà dột, nát.
“Trong 8 năm, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện xây dựng NTM ở Tử Đà chỉ là con số 55,5 tỷ đồng khiêm tốn. Tuy nhiên, cho đến nay, xã đã hoàn thành đủ cả 19 tiêu chí, có được điều này nhờ công lớn của người dân. Và điều quan trọng hơn cả là kinh tế của người dân trong xã đã ổn định, với bước đệm trước mắt, cuộc sống của người dân Tử Đà sẽ càng được nâng cao”, ông Tài chia sẻ. |