Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Vừ A Vì ở bản Pha Khuâng, xã Co Mạ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), cho biết: Gà rừng vốn có bản tính nhát. Khi nhặt được trứng gà rừng ở tổ hoặc bắt được gà rừng, phải làm sao thuần hóa được chúng gần gũi với con người nhất. Theo kinh nghiệm từ trước các cụ truyền lại, nếu muốn gà rừng đá tốt, chọi hay phải cho gà trống rừng lai với gà mái giống ra gà con thế hệ F1. Đời F1 vẫn nhút nhát nên phải tiếp tục thuần dưỡng đời F1 đến đời F2, F3, đến khi nào gà rừng càng dạn người thì mới dạy chúng tham gia đá, chọi được.
Theo anh Vì: Muốn thân với gà rừng phải bắt đầu cho chúng ăn ngay từ lúc còn bé để gà quen dần với việc làm bạn với con người. Cách tốt nhất là cầm mồi trên tay chìa cho gà ăn. Khi gà con được từ 6 - 7 tuần trở đi, đối với những con gà trống có tướng (thân hình cao, cân đối; ngực nở; mặt lì lợm; đôi mắt tinh; sờ vào xương chậu tương xứng; ngon chân dài, 2 hàng vảy đều...) không nên nhốt trong chuồng mà phải dùng dây thừng loại nhỏ đeo vào một bên chân con gà, sau đó buộc vào một thanh gỗ to bằng đầu ngon chân, dài khoảng 60 - 70 cm đưa gà đi khắp bản để gà càng ngày càng dạn người hơn.
Cũng theo anh Vì, để gà chọi đá hay, ngoài xem tướng gà tốt cần phải cho gà tập đá thường xuyên, tốt nhất ngày nào cũng cho đá khoảng 5 - 6 phút. Bên cạnh đó, cách ly khỏi gà mái và thường xuyên bổ sung thịt trộn với thức ăn cho gà.
Nhờ được thuần hóa tốt, những con gà rừng thế hệ F2, F3 ngày càng thân thiết với chủ hơn.
Dưới đây là một số hình ảnh thế hệ gà rừng F2, F3 chọi hay, đá tốt ở xã Co Mạ mà phóng viên Dân Việt ghi được.