Đơn giá các hạng mục ở mức cao nhất
Trước đó, Bộ GTVT có báo cáo đề xuất Chính phủ giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đồng thuận với đề xuất này.
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất công suất 20 triệu khách/năm do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện với vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV.
Mặt bằng quy hoạch phương án 3 của sân bay Tân Sơn Nhất.
Còn nhớ, trước khi đề nghị tới Thủ tướng về đề xuất này, Bộ KH&ĐT đã chỉ ra những “bất hợp lý” về tổng vốn đầu tư dự án do ACV đưa ra là 11.430 tỉ đồng. Sau đó, ACV đã giảm 440 tỉ đồng, xuống còn 10.990 tỉ đồng. Hiện Bộ KH&ĐT đang yêu cầu ACV tiếp tục rà soát, tính toán lại tổng mức đầu tư này.
Những khuyến cáo được nêu ra khi quy mô dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có 9 hạng mục chính. Trong đó nhà ga 3 tầng có diện tích 110.000 m2, tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, đề xuất diện tích sàn nhà ga T3 của ACV được xác định trên cơ sở áp dụng mức cao nhất của tiêu chuẩn Việt Nam (16 m2/hành khách).
Việc đề xuất quy mô hạng mục nhà để xe và khu dịch vụ hàng không 13 tầng, diện tích 130.000 m2 và các hạng mục khác mới chỉ dựa vào quy hoạch tại Quyết định số 1942/2018 của Bộ GTVT mà chưa có phân tích cơ sở lựa chọn quy mô hợp lý với nhu cầu sử dụng.
Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT còn cho rằng, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án chưa có nội dung phân tích, tính toàn cụ thể các số liệu để đánh giá năng lực thông qua các nhà ga T1, T2 để kiểm chứng thực trạng quả tải và làm rõ sự cần thiết của dự án.
Một điểm đáng chú ý khác nữa là dự án chưa xác định tổng mức đầu tư, cơ sở các đơn giá áp dụng. Bộ KH&ĐT còn đưa ra bản so sánh chi phí xây dựng nhà ga T3 với nhà ga sân bay quốc tế Vân Đồn thì chi phí xây dựng một số hạng mục của nhà ga T3 có đơn giá cao hơn rất nhiều.
Đơn giá các hạng mục xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cao so với sân bay Vân Đồn.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là một trong những dự án có thể thu về lợi nhuận rất cao trong lĩnh vực hạ tầng hàng. Do đó, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất rất hấp dẫn với các nhà đầu tư khác, kể cả tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước.
Trong quá khứ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng cùng với các Bộ ngành, địa phương đã thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất mà tư vấn Pháp ADP-I Engineering đề xuất thông qua văn bản số 142/TB-VPCP ngày 15/4/2018.
Nhưng sau đó vài tháng, Bộ GTVT lại ban hành quyết định 1942/QĐ-BGTVT, ban hành ngày 31/8/2018 đề xuất với Chính phủ giao cho Tổng công ty Hãng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện dự án này. Tuy nhiên, đến tháng 12/2018, Văn phòng Chính phủ tiếp tục ra thông báo hoả tốc số 447/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư, xây dựng dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ các hạng mục công trịnh tại CHK Tân Sơn Nhất. Thế nhưng không rõ với lý do gì, đến nay, Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT lại đề xuất ACV làm nhà đầu tư dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
ACV là doanh nghiệp kỳ lạ
Lý giải về việc giao cho ACV làm nhà đầu tư được Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT, nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2022 và ACV đủ năng lực tài chính để thực hiện. Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh về năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính thì hiện này có nhiều nhà đầu tư tư nhân vẫn có thể đảm nhiệm được vai trò làm nhà đầu tư dự án chứ không chỉ riêng ACV.
Bên cạnh đó, ACV đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không trong nước và được đánh giá là nhà đầu tư dàn trải ở các dự án nâng cấp mở rộng và xây dựng cảng hàng không như: Sân bay Long Thành, sân bay Phú Bài, sân bay Điện Biên thì việc kiến nghị giao cho ACV thực hiện dự án “béo bở” như nhà ga T3 khiến nhiều ý kiến lo ngại về việc gia tăng độc quyền trong lĩnh vực hàng không.
Nhiều chuyên gia lo ngại khi giao ACV làm nhà đầu tư T3 Tân Sơn Nhất.
Bày tỏ lo ngại việc giao ACV làm nhà đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lo ngại nếu AVC đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, rồi giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 4,8 tỷ USD và sắp tới là sân bay Điện Biện thì liệu khả năng tài chính có làm được không?
Cũng bày tỏ lo ngại khi giao ACV làm nhà đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, không thể bác bỏ sự thật rằng ACV là doanh nghiệp siêu lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của ACV là 40-45%, làm gì có doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt đến tỷ suất lợi nhuận như vậy? Vietnam Airlines tỷ suất lợi nhuận được 2-3%, Vietjet Air tỷ suất lợi nhuận 7-8%. ACV là doanh nghiệp đang khai thác hạ tầng nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền.
Tại Tọa đàm "Phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch", TS. Lương Hoài Nam Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) và là chuyên gia về hàng không từng bức xúc “thốt lên": Trên thế giới không có doanh nghiệp phát triển sân bay nào kỳ lạ như ACV. Trên thế giới không có nhà phát triển sân bay nào không làm khu bay như Tổng công Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
TS. Lương Hoài Nam phân tích, các tập đoàn, doanh nghiệp làm sân bay trên thế giới họ làm cả đường băng, khu bay. Thông qua phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, Việt Nam lại có một doanh nghiệp đầu tư phát triển sân bay mà lại không làm khu bay. Phải nói thật là rất kỳ lạ, kiểu doanh nghiệp như ACV chưa từng nhìn thấy ở trên thế giới. Qua đó, có sự ràng buộc trách nhiệm khu bay với 21 sân bay mà ACV đang khai thác. Ngoài ra, không thể phủ nhận đây là một doanh nghiệp siêu lợi nhuận.
Trao đổi với PV Dân Việt về việc giao ACV làm nhà đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, TS. Nguyễn Thiện Tống, Chuyên gia hàng không cho rằng, không nhất thiết cứ phải giao ACV thì mới xây được nhà ga T3, hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp tư vân có đủ năng lực làm những công trình như nhà ga T3, vậy tại sao chúng ta cứ phải chờ ACV bỏ tiền ra đầu tư mà không kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân?
"Tôi nhớ cách đây 9 năm, đã có công ty tư nhân từng đề xuất ý tưởng và đưa ra phương án xây dựng nhà ga hàng không lưỡng dụng tại Tân Sơn Nhất. Nên để ACV tập trung nguồn lực vào sân bay Long Thành, để họ tập trung làm cho tốt dự án đó. Còn T3 Tân Sơn Nhất nên kêu gọi vốn tư nhân, đấu thầu để đảm bảo khách quan, minh bạch”. TS. Nguyễn Thiện Tống nói.
TS. Nguyễn Thiện Tống khẳng định: Thiết kế nhà ga T3 Tân Sơn Nhất của ACV khó đáp ứng đủ công suất 20 triệu hành khách, thậm chí còn tạo điểm nghẽn ở các khu vực khác trong và ngoài nhà ga. Mặt khác, nếu theo dự án của ACV, thời gian xây dựng sẽ kéo dài tới gần 4 năm, quá chậm, quá tốn kém.