Dân Việt

Người đàn ông từng bỏ 700 triệu đồng/tháng trả lương cho HLV Park Hang Seo giờ ra sao?

Thiên Lý - Trung Nam 27/01/2020 12:55 GMT+7
Năm 2019 có thể nói là năm thăng hoa của bóng đá Việt Nam nhưng cũng là năm thăng trầm của ông Đoàn Nguyên Đức - ông bầu có công lao giúp bóng đá Việt Nam phát triển như hiện nay.

Năm 2019 có thể nói là năm thăng hoa của bóng đá Việt Nam nhưng cũng là năm thăng trầm của ông Đoàn Nguyên Đức - ông bầu có công lao giúp bóng đá Việt Nam phát triển như hiện nay.

img

Nói về ông Đoàn Nguyên Đức, có lẽ từ những năm 2014 trở về trước từng là thời hoàng kim của ông bầu này. Năm 2014 - đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh - Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ghi nhận 3.056 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 1.773 tỷ. Những năm trước đó, mỗi năm doanh nghiệp của ông bầu phố núi đều thu về xấp xỉ 1.000 tỷ lãi ròng từ hoạt động kinh doanh.

Thế nhưng từ cuối năm 2015, HAGL gặp khó khăn khi vướng vào các khoản nợ vay hàng chục nghìn tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng nhanh khiến kết quả kinh doanh của tập đoàn đi xuống. HAGL cùng bầu Đức đã phải bán đi hàng loạt mảng kinh doanh, tài sản cá nhân để cơ cấu nợ cho tập đoàn.

Đầu tiên là mảng mía đường - mảng kinh doanh lớn nhất bên cạnh cao su và bất động sản - với việc bầu Đức bán đứt cho Tập đoàn Thành Thành Công với giá trị được xác định khoảng 1.330 tỷ đồng.

Sau mía đường, mảng chăn nuôi bò sữa và bò thịt từng là “cứu cánh” của HAGL giai đoạn 2015-2016 cũng được tập đoàn chuyển nhượng do kết quả kinh doanh không đạt hiệu quả.

img

Biểu đồ lợi nhuận trước thuế hàng năm của HAGL

Đến năm 2018, sau cú bắt tay cùng tỷ phú Trần Bá Dương, HAGL của bầu Đức đã phải bán 35% vốn sở hữu tại HAGL Agrico (công ty nông nghiệp quan trọng nhất) cho Thaco để cơ cấu nợ.

Năm 2019 có lẽ là năm thực sự khó khăn của Bầu Đức khi HAGL cũng phải bán đứt mảng bất động sản cho Thaco khi chuyển nhượng toàn bộ dự án Hoàng Anh Myanmar cho Đại Quang Minh (công ty con của Thaco). Bầu Đức cho biết số tiền Đại Quang Minh chi ra để tiếp quản dự án này là 8.155 tỷ. Việc tiếp quản dự án này là một phần trong kế hoạch đầu tư hơn 22.000 tỷ của Thaco vào HAGL.

Chưa dừng lại, từ tháng 6 đến nay, HAGL đã chuyển nhượng vốn 6 công ty con (cả trực tiếp và gián tiếp) trong lĩnh vực cao su và cọ dầu với tổng giá trị 7.627 tỷ. Trong đó, có 3 công ty lớn nhất trong lĩnh vực cao su của tập đoàn.

Cụ thể, tháng 6 HAGL Agrico đã bán Công ty Cao su Đông Dương, tháng 8 bán tiếp Công ty Đông Pênh, và tháng 9 bán toàn bộ vốn tại Công ty Cao su Trung Nguyên, bên nhận chuyển nhượng là Thadi (công ty con khác của Thaco).

Ba công ty cao su này chiếm tới 57% tổng giá trị danh mục đầu tư của HAGL Agrico .Trong đó, Cao su Trung Nguyên có giá trị 3.278 tỷ, Cao su Đông Dương và Đông Pênh có giá trị đầu tư lần lượt 2.184 tỷ và 1.923 tỷ đồng.

img

"Tai ương" tiếp tục xảy ra với ông Đoàn Nguyên Đức khi tháng 9/2019, 1.500 ha diện tích trái cây tại Lào bị ngập lụt do ảnh hưởng của hai cơn áp thấp nhiệt đới từ Biển Đông. 1.500 ha trái cây bị ngập lần này chủ yếu là diện tích trồng chuối trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch với 1.200 ha bị ảnh hưởng. Ngoài ra, diện tích cây ăn trái khác bị ngập lụt lần này chủ yếu là mít với khoảng 300 ha đang trong giai đoạn phát triển cho ra trái.

Đến đầu tháng 12/2019, bầu Đức cũng bán đi mảng thuỷ điện và chính thức rút “chân” ra khỏi lĩnh vực kinh doanh này.

Với những biến động liên tiếp như vậy, 9 tháng năm 2019, HAGL ghi nhận 1.480 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 66% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của Công ty cũng giảm từ mức dương 400 tỷ năm trước xuống âm 1.230 tỷ đồng năm nay.

Phải nhờ việc chia lỗ cho các cổ đông không kiểm soát tại công ty con - CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) mà kết quả lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ HAGL mới không báo số âm.

img
img
img

Kết quả kinh doanh thua lỗ, phải bán đi nhiều mảng kinh doanh, công ty con, bất động sản đã khiến cổ phiếu HAG của bầu Đức đang rơi xuống vùng giá thấp nhất trong lịch sử doanh nghiệp.

Trên thị trường, giá cổ phiếu HAG của HAGL đã giảm trên dưới 25% chỉ qua 1 năm và giảm đến 73% kể từ khi niêm yết. Hiện, cổ phiếu HAG đang ở vùng giá thấp nhất của cổ phiếu này từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2008, với mức giá tương đương "trà đá rau dưa".

Nếu so với mức giá đỉnh 40.000 đồng/cổ phiếu giai đoạn 2009-2011, thị giá HAG đã giảm hơn 10 lần. Nhà đầu tư gắn bó với cổ phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua cũng chịu thua lỗ khi cổ phiếu giảm liên tục.

img

Dù liên tục phải bán bớt các mảng kinh doanh để bù lỗ nhưng tại báo cáo tài chính công ty mẹ HAGL quý III cho biết, đến cuối tháng 9/2019, tập đoàn này còn 9.688 tỷ đồng giá gốc đầu tư vào các công ty con. Các mảng kinh doanh chính là nông nghiệp, năng lượng, bệnh viện, câu lạc bộ bóng đá và quản lý bất động sản.

Trong số này, câu lạc bộ bóng đá là mảng duy nhất đang thua lỗ toàn bộ giá vốn.

Giá gốc khoản đầu tư tại CLB bóng đá này là 59 tỷ đồng, tương đương 51% vốn. Hiện tại, toàn bộ khoản đầu tư này đã thua lỗ và phải trích lập dự phòng 100% giá vốn đầu tư.

9 tháng từ đầu năm 2019, HAGL lỗ hợp nhất hơn 1,2 nghìn tỷ đồng và phải thu hẹp hầu hết mảng kinh doanh, nhưng công ty này vẫn rót thêm hàng chục tỷ cho bóng đá.

Khoản chi phí trả trước dài hạn cho biết, HAGL đã chi 45 tỷ đồng cho hoạt động đào tạo tại Học viện bóng đá HAGL - JMG, tăng 50% so với cùng kỳ. Tập đoàn cũng ghi nhận 39 tỷ chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại học viện bóng đá đến cuối tháng 9/2019.

img

Biểu đồ các khoản đầu tư vào công ty con của HAGL tại tháng 12/2019

Những năm trước đó, dù kinh doanh đi xuống, chi phí đào tạo học viện bóng đá luôn duy trì ở mức 40-50 tỷ/năm. Nếu tính từ giai đoạn thành lập học viện bóng đá (2007), riêng chi phí đào tạo đã ngốn của bầu Đức không dưới 500 tỷ đồng.

Ngoài các khoản đầu tư, HAGL vẫn liên tục "bơm" thêm tiền cho CLB bóng đá thông qua các khoản cho vay từ tập đoàn mẹ.

Trong đó, HAGL mẹ đang cho Công ty Thể thao HAGL vay gần 271 tỷ đồng, tăng 11 tỷ so với đầu năm. Khoản lãi phải thu về cho vay hơn 99 tỷ, nhưng cũng chính công ty mẹ là bên đứng ra trả hộ hơn 4 tỷ đồng tiền lãi.

img

Suốt gần 2 năm qua kể từ khi ông Park Hang Seo đảm nhiệm chức HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam, bầu Đức đã tự bỏ tiền túi trả tiền lương cho ông Park và cộng sự với con số khủng 700 triệu đồng/tháng.

Với bầu Đức, lúc khó khăn nhất của doanh nghiệp, ông đã phải bán đi nhiều mảng kinh doanh gắn bó với tên tuổi của mình, từ gỗ kỹ nghệ, mía đường, thủy điện rồi đến bất động sản... nhưng bóng đá luôn được ông giữ lại, thậm chí, còn đầu tư mạnh hơn.

"Làm được gì cho bóng đá nước nhà, tôi không bao giờ từ chối", có lần bầu Đức bộc bạch với báo chí.

 

Ảnh & Bài viết: Thiên Lý

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên