Bao tải tiền và gã tâm thần
Tin Sỹ trúng bạc tỷ ở sòng B, sau nửa ngày ngồi “xóc” (tức chơi xóc đĩa) lan nhanh qua sự truyền khẩu của người quê tôi từ lâu lắm.
Những năm 90 của thế kỷ trước, đánh “bạc” triệu ở vùng quê đã là chuyện ghê gớm lắm, chứ đánh “bạc” tỷ thì là chuyện “động trời”.
Người ta kể về Sỹ như một “hảo hán” để “xóc”. Người ta nói, Sỹ có “căn” cờ bạc, được “cô thương” nên đánh trận nào thắng trận đó, không nhiều thì ít. Hôm đó, Sỹ ra khỏi sòng với một chiếc bao tải đeo vắt vẻo trên vai.
Quần áo thì nhàu nát, dáng đi thì thất thểu… Sỹ “thắng trận” mà hình dáng còn tệ hại hơn kẻ “bại trận”. Sỹ không về nhà ngay, anh ta đi làm bát phở bò lót dạ trước khi về “chén chú, chén anh” với đám đàn em quanh xóm.
Quán phở hôm đó không đông khách, Sỹ gọi bát tái gầu nạm nhưng ngồi chờ đến gần tiếng đồng hồ, bụng đói đến cồn cào mà không thấy chủ quán bê phở ra. Sỹ thất thểu đeo bao tiền trên vai, ra đến cửa quán, tay rút một tập tiền giơ vào mặt chủ quán mà rằng: “Mày tưởng ông là thằng ăn mày không có tiền ăn phở à? Ông đầy tiền, cả bao tải tiền đây này…”.
Hắn hé bao tải tiền rồi bỏ đi trước sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của chủ quán phở. Câu chuyện đó, được “lưu truyền” đến tận bây giờ.
Ai cũng thấy, thắng bạc, Sỹ rất thoải mái trong việc khao, đãi anh em, bạn bè… chứ không như những kẻ chơi bài bạc khác. Quả thực, những ngày “huy hoàng” đó, Sỹ luôn “đi mây, về gió” theo đúng nghĩa.
Ngày đó, ăn uống, tiêu pha, mua sắm… trong gia đình, Sỹ bảo vợ không cần phải nghĩ. Nhưng đến lúc anh Sỹ bị tâm thần, đi lang thang, vợ bỏ đi theo người đàn ông khác, mấy đứa con nheo nhóc, tự lần hồi kiếm sống, thì mới thật là…
Cờ bạc cũng... nghiện!
Người ta bảo, “chơi đề ra đê mà ở” nhưng với Thành thì “chơi đề thành bệnh tâm thần”. Thành không chơi xóc đĩa nhưng mê đánh đề đến mức ngốn tiền kinh khủng.
Trong giấc mơ, trong công việc và ngay cả lúc yêu vợ, Thành cũng quy ra các con số để mai “thả con lô”, “kiếm con đề”. Thành có ô tô chở khách thuê. Thế nhưng không phải khách nào thuê cũng chở, vì còn phải chọn người.
Ví dụ, Thành chở ông Nam lần nào là tối đó là “đề” về đít có số 9. Anh Tiến mà gọi Thành chở đi công việc thì chắc chắn “đề” sẽ về đít 8… Cứ “chọn khách” như vậy nên Thành phải bán xe mới, xe xịn mua xe cũ, cuối cùng là bán luôn cả xe. Còn người thì cứ lần thẩn, luôn miệng, “thất à, không, hôm nay sẽ về đầu nửa đời (tức số 5) còn đít là phát (tức số 8)”…
Lẩm bẩm chán, Thành ra khỏi nhà, lang thang, vớ được ai là kéo vào nói chuyện “đề đóm” làm người đi đường nhất là phụ nữ sợ đến “vỡ mật”. Vợ Thành đưa chồng đến bệnh viện khám. Thành chẳng có bệnh gì liên quan đến sức khỏe nhưng bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán là tâm thần bắt nguồn từ... nghiện cờ bạc.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hạnh, Khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Với y khoa thế giới, mê đánh bạc là một bệnh lý - bệnh tâm thần. Có một thông tin rất đáng quan tâm mà có vẻ khôi hài là có một người Việt di cư sang Mỹ. Người này mê đánh bạc đến mức, chính quyền địa phương nơi ông ta cư trú ở Mỹ quyết định bỏ tiền ra nghiên cứu về người nghiện cờ bạc cùng với gần 100 trường hợp khác. Kết quả, có 59% là mê đánh bạc đến mức bệnh hoạn (Pathological gambling).
Còn nghiên cứu của y khoa Australia đối với cộng đồng người Việt ở bang Nam Úc phát hiện: 60% đánh bạc mỗi tuần và phần lớn là tuổi trẻ.
Vấn đề đặt ra là tại sao người trẻ lại ham cờ bạc hơn người đứng tuổi, người già? Câu trả lời là “thích làm giàu nhanh” mà không tốn công sức. Hơn nữa, não bộ của tuổi trẻ dễ bị “gục” trước những cái thèm, cái nhớ hơn là một não bộ đã trưởng thành, đã kinh qua nhiều sóng gió của cuộc sống. Cả nghiên cứu của Mỹ và Australia đều tìm ra những yếu tố di truyền của bệnh nghiện cờ bạc và tâm thần.