Hình ảnh chiếc Chinook của Mỹ kéo theo chiếc Mi-25
Khi bạn muốn làm điều gì đó nhân danh lợi ích Mỹ mà không muốn để ai đó phải “dính chàm”, bạn chỉ cần viện đến hoạt động của CIA (Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ). Và nếu bạn muốn xâm nhập rồi thoát ra bằng đường không mà không gặp rắc rối gì, thì chắc chắn nên nhờ tới Trung đoàn Tác chiến Không quân đặc biệt (SOAR) 160 của Lục quân Mỹ, vốn nổi danh với cái tên “Night Stalkers” (Thợ săn đêm).
Có trường hợp, khi kết hợp cả hai thì thành công hầu như được đảm bảo. Chiến dịch Mount Hope III (Chiến dịch Núi Hy vọng 3) là một câu chuyện như vậy xảy ra tại Cộng hòa Chad.
1987 và 1988 là những năm thú vị trong Chiến tranh Lạnh. Mặc dù chỉ vài năm sau đó Liên Xô sụp đổ, Chiến tranh Lạnh khi đó vẫn khá “nóng”. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thách thức lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev phá bỏ Bức tường Berlin, vụ bê bối Iran-Contra vẫn còn mới mẻ trong ký ức của mọi người, Liên Xô đã rút quân khỏi Afghanistan và các cuộc chiến tranh ủy nhiệm lẻ tẻ nổ ra trên khắp châu Phi.
Một cuộc xung đột như vậy đã xảy ra giữa Chad và Libya vào năm 1987, và từ năm 1986, Libya đã bị Mỹ ném bom.
Trực thăng tấn công hạng nặng "vô đối"
Trong cuộc xung đột Libya-Chad, một trực thăng tấn công Mi-25 “Hind-D” - do Liên Xô sản xuất (phiên bản xuất khẩu của Mi-24) - đã bị bỏ lại trong cuộc rút lui vội vã của quân đội Libya khỏi Ouadi Doum, cùng cả “kho báu” gồm nhiều phương tiện và thiết bị quân sự khác.
Mi-25 “Hind-D” vốn là mối quan tâm lớn của Mỹ, bởi đây là trực thăng tấn công nặng nhất trên Trái đất vào thời điểm đó. Nó cũng sở hữu những năng lực mà các phi công xạ thủ của Mỹ chỉ có thể mơ ước.
Mi-25 được thiết kế là một máy bay tấn công vũ trang hạng nặng có thể mang theo tối đa 8 binh lính với đầy đủ vũ khí. Chiếc Hind-D có thể vận chuyển các đơn vị đặc nhiệm tới chiến trường và lưu lại ở đó thực hiện nhiệm vụ yểm trợ không quân hoặc thậm chí độc lập tác chiến.
Trong khi đó, Mỹ lại chủ yếu sử dụng các trực thăng như UH-1 Huey để vận chuyển và di tản binh lính khỏi chiến trường và thường chúng được vũ trang khá khiêm tốn so với Mi-25, với các súng máy gắn ngoài cửa giống vũ khí phòng thủ hơn là tấn công.
Nói tóm lại, Mỹ và các quốc gia phương Tây khác rất thèm muốn được khám phá một chiếc Mi-25 “Hind-D”. Khao khát này càng cấp bách hơn khi Ethiopia đã đưa Mi-25 vào tham chiến thành công. Mi-25 sau đó cũng nhanh chóng xuất hiện ở Afghanistan trong chiến dịch can dự quân sự của Liên Xô tại đây.
Mi-25 là phiên bản xuất khẩu của trực thăng tấn công Mi-24 (trong ảnh).
Thực tế đó càng hối thúc giới chức tình báo phương Tây phải có một cái nhìn cận cảnh, chi tiết hơn về Mi-25 cũng như khung sườn vũ trang hạng nặng của máy bay này, nhất là với mục đích xác định xem liệu Mỹ có cần phải thiết kế lại hay phát triển một phiên bản tương tự để đối trọng.
Với mong muốn đó, CIA sẵn sàng thực hiện những "cuộc đi đêm" để đạt được mục đích. Họ tìm đến người Chad, những người rất vui vẻ đàm phán với đối tác Mỹ giàu có và dễ dàng cho phép CIA đánh cắp chiếc Mi-25.
Nhưng một nhiệm vụ như vậy sẽ không đơn giản, vì các lực lượng Libya vẫn đang hoạt động gần đó và vụ đánh cắp chiếc Mi-25 chắc chắn sẽ được phơi bày cho cả thế giới, có thể dẫn đến đổ máu và khủng hoảng ngoại giao.
Điểm mấu chốt nằm ở chỗ người Mỹ phải kín đáo, và họ cần những phi công trực thăng đủ "điên rồ" để thực hiện một sứ mạng lén lút nguy hiểm chưa từng thử trước đây.
May mắn là nước Mỹ đã có hẳn một phi đội nhữn phi công trực thăng táo bạo, những người không e ngại “ánh đèn sân khấu”: Đó là những chàng trai lái trực thăng của đơn vị tác chiến hàng không đặc biệt hàng đầu thế giới, đơn vị SOAR 160.
Một đơn vị đặc nhiệm SOAR 160 của Không quân Mỹ.
Cuộc tập dượt đánh cắp
Để thực hành vụ cướp một chiếc trực thăng nặng khoảng 8.000kg, đơn vị đặc nhiệm SOAR 160 đã phải sử dụng các biến thể đặc biệt của trực thăng CH-47 Chinook để tập luyện tại vùng sa mạc New Mexico, với điều kiện địa hình, khí hậu khá tương đồng với Chad.
Những chiếc trực thăng vận tải hạng nặng CH-47 Chinook đã được cải tiến để có thể vận chuyển chiếc Mi-25 nặng nề. Chinook từng chuyên chở nhiều thiết bị quân sự với các khối lượng khác nhau, gồm cả xe quân sự Humvee. Thế nhưng, vẫn có sự khác biệt lớn giữa xe Humvee 4 bánh và chiếc trực thăng quá khổ Mi-25. Các móc cẩu cần phải gia cố thêm, động cơ cũng phải hiệu chỉnh lại.
Hoạt động chuẩn bị chủ yếu diễn ra trong môi trường ban đêm và ánh sáng yếu. Đầu tiên, 6 thùng phi chứa nước cỡ lớn với khối lượng tương đương chiếc Mi-25 được móc vào bên dưới trực thăng Chinook. Các phi công Night Stalkers sau đó lái chiếc Chinook bay tới một Căn cứ hậu cần tiền phương (FSB) giả định.
Lần thử nghiệm đầu tiên diễn ra suôn sẻ. Tiếp đến là thực hành mang theo một khung sườn giống với khung sườn của chiếc Mi-25 về kích cỡ, khối lượng và bay thử nghiệm một lần nữa theo các điều kiện tương tự.
Night Stalkers lại một lần nữa hoàn thành cuộc tập dượt vượt cả mong đợi của các quan chức giám sát đến từ CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ.
Chiến dịch thành công
Ngày 21/5, mệnh lệnh thực thi Chiến dịch Mount Hope III được phát đi từ Phòng Bầu Dục. Night Stalkers lập tức tập hợp lực lượng, đưa 2 chiếc trực thăng Chinook lên máy bay vận tải hạng nặng C-5 Galaxy, đầu tiên bay đến Đức rồi sau đó tới phi trường Ndjamena ở miền Nam Cộng hòa Chad.
Trong khi đó, Lục quân Mỹ đã triển khai một đơn vị trinh sát làm nhiệm vụ sục sạo và rà soát các địa điểm xung quanh từ 2 tuần trước đó. Chính phủ Pháp cũng hỗ trợ cho sứ mạng này bằng việc cử tới đây một đơn vị chiến đấu bao quát mặt đất và một nhóm chiến đấu cơ Mirage F.1 có nhiệm vụ che chắn cho tất cả các máy bay tham gia.
Chiếc trực thăng Mi-25 Hind-D có từ thời cựu lãnh đạo Libya Gaddafi. Ảnh: warisboring
Sau khi tới Ndjamena vào ngày 10/6, các phi công của Night Stalkers cùng phối hợp chuyển các trực thăng Chinook ra khỏi chiếc máy bay vận tải Galaxy.
Ngày 11/6, nhóm tác chiến bắt đầu triển khai sứ mạng theo kế hoạch. Night Stalkers bay khoảng hơn 800 km vào ban đêm và phải "hốt gọn" chiếc Mi-25 ngay trước khi trời sáng. Đội 1 (mật danh là Chalk 1) bay trước tới Ouadi Doum để cảnh giới cho đội 2 (Chalk 2) đến sau và làm công tác chuẩn bị đánh cắp chiếc Mi-25.
Chiếc Mi-25 về đến N’Djamena ngày 21/6, rồi được đưa lên một chiếc C-5 của Không quân Mỹ. Ảnh: fighterjetworld
Sau khi xâm nhập vào Ouadi Doum, đội Chalk 1 bắt đầu rà soát khu vực và nhanh chóng tiếp cận chiếc Mi-25 trong khi đội Chalk 2 bay ngay phía trên, thả dây xuống để cho nhóm bên dưới chằng buộc chiếc Mi-25. Sau khi yểm trợ cho Chalk 2 rút lui an toàn trở lại Ndjamena, Chalk 1 cũng rời hiện trường lập tức.
Trong khi đó, đóng quân ở cách địa điểm diễn ra vụ việc chỉ vài km nhưng Quân đội Libya đã hoàn toàn không hay biết điều gì đang xảy ra.
Tại một trong những điểm tiếp nhiên liệu, một cơn bão cát khủng khiếp đã ập tới, đẩy đội trực thăng Mỹ rơi vào điều kiện thời tiết từng làm khó những chiếc trực thăng Eagle Claw trong chiến dịch giải cứu con tin thất bại của Mỹ ở Iran. Tuy nhiên, những "tay thợ săn đêm" được đào tạo bài bản đã chật vật vượt qua cơn bão cát trong lúc kéo chiếc Hind-D khổng lồ bên dưới.
Đến căn cứ tiền phương, các phi công Chinook ăn mừng chiến dịch lớn thành công đầu tiên của họ. Chiếc Hind-D được đưa lên một máy bay vận tải C-5, nằm yên đó trong vòng 36 giờ, trước khi đáp xuống lãnh thổ Mỹ.
Sứ mạng tại Chad tất nhiên không được công bố rộng rãi, mặc dù điều đó chẳng hề phiền đến đơn vị SOAR 160 chút nào: Các phi công đặc nhiệm luôn tự hào bởi đó là công việc tốt nhất họ từng thực hiện trong bóng tối.