Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành. Luật này quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ; quản lý việc cung cấp; giảm tác hại; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại và quản lý Nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ảnh minh họa. Nguồn IT
Theo đó, các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc...
Và kể từ thời khắc bước vào năm 2020, người dân phải chọn: "Đã uống bia rượu thì không lái xe" hoặc "Lái xe, dù là xe đạp, cũng không được uống một giọt bia rượu".
Khoản 1 Điều 5 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia quy định Hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của rượu, bia là “Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”. Vậy hiểu như thế nào là về quy định này?
Thực tiễn hiện nay cho thấy hậu quả của việc uống rượu, bia là khôn lường. Theo thống kê thì có nhiều vụ việc người gây tai nạn giao thông, gây mất trật tự an toàn xã hội, gây rối trật tự công cộng,..xuất phát từ nguyên nhân uống rượu, bia.
Trong số đó, nhiều người cho biết việc uống rượu, bia là trái với ý chí, mong muốn của họ, họ bị người khác ép buộc uống trong khi bản thân họ không muốn uống. Cũng có trường hợp ban đầu là họ tự nguyện.
Tuy nhiên khi họ đã đạt đến giới hạn tửu lượng nhất định và không thể uống nữa vẫn bị người khác ép uống tiếp hoặc xúi giục uống tiếp nếu không sẽ bị khinh thường hoặc một lý do nào đó khiến họ phải bất đắc dĩ uống tiếp.
Những hành vi ép buộc, xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia như vậy là vi phạm quyền tự do cá nhân của người khác. Chính vì vậy mà ban soạn thảo đã đưa vào Luật quy định trên nhằm bảo vệ quyền tự do của công dân khi uống rượu, bia.
Có thể hiểu xúi giục là hành vi kích động bằng lời nói, cử chỉ, vật chất hoặc bằng bất cứ thủ đoạn nào nhằm làm cho người khác thực hiện các hành vi gì đó, thường là xấu. Kích động là tác động mạnh đến tinh thần gây ra những xúc động mãnh liệt.
Lôi kéo là bằng mọi cách làm cho người khác nghe theo và đứng về phía mình, đi theo mình. ép buộc là bắt phải làm điều không muốn hoặc trái với ý muốn. Như vậy quy định trên là nhằm nghiêm cấm các hành vi tác động vào ý chí của người khác khi mà họ không tự nguyện, không mong muốn thực hiện hành vi uống, rượu bia.
Vậy với hành vi tại khoản 1 Điều 5 thì sẽ bị xử phạt ra sao nếu vi phạm? Hiện tại theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia thì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tại Khoản 3 Điều 28 Quốc hội giao Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu bia nên các hành vi “Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia” vẫn chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, cần phải chờ hướng dẫn của Chính phủ mới có chế tài xử phạt cụ thể.
Còn đối với các hành vi vi phạm khác mà đã có quy định về xử phạt mà vi phạm sẽ bị xử phạt theo các quy định đó. Ví dụ trường hợp uống rượu bia gây mất trật tự công cộng, vượt nồng độ còn cho phép (theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP) thì sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt VPHC lĩnh vực an ninh trật tự và Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Hành vi “bán rượu cho người dưới 18 tuổi” sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ. Hành vi vi phạm về quảng cáo rượu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Căn cứ để xử phạt hành vi vi phạm có thể là tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị xử phạt của cơ quan nhà nước; Cơ quan có chức năng tuần tra kiểm soát trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm; Người vi phạm tự thú.
Thẩm quyền xử phạt sẽ được áp dụng theo quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này do Chính phủ ban hành. Về cơ bản thì thẩm quyền có thể thuộc về Chủ tịch UBND các cấp; những người có thẩm quyền của cơ quan Quản lý thị trường; Công an nhân dân, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Thanh tra...
Mời bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt TẠI ĐÂY!
Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt. Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0982340700. Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ. |
Ban Bạn đọc - Báo Điện tử Dân Việt tiếp nhận bài viết cộng tác, phản ánh, thông tin của quý độc giả qua số điện thoại Đường dây nóng 098.552.3229; email: bandocdanviet2010@gmail.com. |