Dân Việt

Năm khó khăn chưa từng có đối với ngành chăn nuôi

Minh Ngọc 03/01/2020 18:34 GMT+7
Ngày 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch 2020. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, đây là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành chăn nuôi, tình hình dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã gây ra sự xáo trộn trong nền kinh tế.

Năm khó khăn của ngành chăn nuôi

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2019, tỷ trọng sản lượng thịt lợn và thịt gia cầm chiếm tương ứng 65,6% và 25,5% trong tổng sản lượng thịt hơi các loại. Đây là năm ngành chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề từ DTLCP, sản lượng thịt lợn giảm sâu dẫn đến tổng sản lượng thịt hơi các loại giảm và tỷ trọng sản lượng các loại thịt hơi có sự thay đổi đáng kể so với năm 2018.

Trong năm 2019, ngành chăn nuôi lợn đã phải đối mặt với DTLCP xuất hiện và lan rộng. Tại thời điểm tháng 12/2019, tổng đàn lợn của cả nước là 24,9 triệu con, giảm 11,5%, trong đó tổng đàn nái cụ kỵ, ông bà của cả nước là 109.826 con, giảm 9,6% so với 2018. Dự kiến sản lượng thịt lợn 2019 đạt gần 3,3 triệu tấn, giảm 13,8%.

img

Năm 2019 tổng đàn gia cầm của cả nước đạt 467 triệu con, tăng 14,2%. Theo Cục Chăn nuôi: đây là cơ sở đáp ứng cho nguồn thịt heo đang thiếu do DTLCP gây ra. Ảnh: KL.

Thông tin về diễn biến giá lợn hơi, Cục Chăn nuôi cho biết, giá lợn thịt 7 tháng đầu năm 2019 duy trì ở mức thấp và ít biến động so với các nước xung quanh; tuy nhiên từ tháng 8 đã bắt đầu hồi phục và tăng nhanh trong quý IV/2019, đặc biệt đến giữa tháng 12/2019 giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng lên mức 85.000đ/kg, tại một số nơi thời điểm giữa tháng 12 đã tăng trên 90.000đ/kg. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của bệnh DTLCP, nguồn cung thịt lợn giảm đáng kể, đặc biệt thông tin về giá lợn hơi không chính xác đã đẩy giá tăng lên.

Lĩnh vực chăn nuôi gia cầm có chiều hướng phát triển ổn định. Tổng đàn gia cầm của cả nước tại thời điểm tháng 12/2019 đạt 467 triệu con, tăng 14,2% so với 2018, trong đó sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.278,6 nghìn tấn, tăng 16,5%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 13,2%, tăng 13,7%.

Dù bệnh DTLCP đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi, tuy nhiên điều đáng mừng là xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2019 ước đạt 638 triệu USD, tăng 6,5% so với 2018. Trong đó, cả nước xuất khẩu khoảng 11.500  tấn thịt lợn các loại, kim ngạch đạt trên 55,3 triệu USD; trên 23.300 tấn thịt gà, kim ngạch đạt gần 22,2 triệu USD; ngoài ra còn xuất khẩu thịt chế biến đạt gần 22 triệu USD.

Tạo đà cho chăn nuôi phát triển

Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay: Trong năm 2020, ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển đàn lợn, đàn gia cầm, phát huy những thế mạnh đã có đưa ngành chăn nuôi bước sang một trang mới trong chiến lược phát triển ngành giai đoạn 2020 - 2030.

Dự báo về ngành chăn nuôi năm 2020, ông Dương cho biết, tình hình sản xuất chăn nuôi sẽ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch bệnh, nhất là DTLCP vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục gây khó khăn cho sản xuất chăn nuôi.

“Chưa bao giờ ngành chăn nuôi gặp áp lực và khó khăn như năm nay, áp lực từ thị trường, dịch bệnh. Hiện Cục đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040”, ông Dương nói.

Cho biết thêm về chăn nuôi đàn gia cầm, ông Dương nói: đàn gia cầm cả nước nhìn chung phát triển tốt. Khi tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm và trứng tăng mạnh do người dân đã chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và các loại chứng nhiều hơn, người chăn nuôi gia cầm cũng yên tâm mở rộng quy mô đàn, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư đáp ứng thị trường trong nước đòng thời phục vụ cho xuất khẩu đi nước ngoài.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định “ngành chăn nuôi phải có tâm thế chủ động” trong xây dựng chiến lược phát triển ngành.

Để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, Cục Chăn nuôi cần phối hợp với Cục Thú y và các địa phương làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là triển khai các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khống chế DTLCP.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật; tiếp tục cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho ngành chăn nuôi....

Cuối cùng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi phải đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển chăn nuôi đại gia súc; Phổ biến thông tin, tuyên truyền Luật chăn nuôi đi vào cuộc sống.