Dân Việt

Kiên quyết mạnh tay với... “ma men”

Nhóm phóng viên 04/01/2020 06:24 GMT+7
Bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ có hiệu lực. Lực lượng CSGT các địa phương đã đồng loạt ra quân để kiểm tra xử lý tài xế có nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Tăng mức xử phạt

Điểm mới trong nghị định này được nhiều người dân tham gia giao thông quan tâm và hưởng ứng chính là quy định “đã sử dụng rượu bia thì không lái xe”. Qua đó, các mức xử phạt dành cho người vi phạm giao thông được nâng lên rất cao so với các mức xử phạt tại Nghị định 46/2016.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe đạp trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn sẽ phải chịu mức phạt thấp nhất là 80.000 đồng, cao nhất là 400.000-600.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.

Đối với người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn sẽ chịu phạt từ mức thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 6 - 8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.

Đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ phải chịu mức thấp nhất là 3-5 triệu đồng, cao nhất là từ 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.

Đối người điều khiển ôtô cũng sẽ chịu phạt ở mức thấp nhất 6-8 triệu đồng, cao nhất là 30-40 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.

Đáng chú ý, nghị định mới tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe với mức cao nhất lên đến 2 triệu đồng.

Để thực thi pháp luật, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, ngay sau khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực Cục CSGT đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng CSGT các địa phương tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn và ùn tắc giao thông.

Cùng với đó là mở chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy; kiểm tra ôtô đầu kéo sơ-mi rơ-moóc, ôtô chở khách và phương tiện thủy chở khách ngang sông, dọc sông, chở người đi lễ hội, vui chơi giải trí, tham quan du lịch, tàu cao tốc... Tập trung xử lý nghiêm các hành vi người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia và có nồng độ cồn quá mức cho phép.

img

Lực lượng chức năng đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý tài xế có nồng độ cồn. Ảnh: Thế Anh 

Còn tài xế chống đối

Tối 2/1, PV theo chân lực lượng chức năng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) ra quân xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ tại ngã tư Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, lực lượng CSGT đã chia thành các mũi phát hiện và yêu cầu dừng để kiểm tra các phương tiện nghi vấn. Trong khoảng 30 phút đầu tiên, tổ công tác làm nhiệm vụ đã có nhiều trường hợp người điều khiển xe môtô vi phạm nồng độ cồn, đa số người điều khiển phương tiện chấp hành.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số người có hành vi chống đối, thậm chí không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát. Trong quá trình làm việc, đội CSGT số 6 đã ra hiệu lệnh tạm dừng phương tiện của một người đàn ông trung tuổi và yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn và nhận được thái độ chống đối không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng, thậm chí còn có lời lẽ đe doạ phóng viên tác nghiệp.

"Chỉ vì một vài cốc bia trong lúc hàn huyên, vui vẻ với bạn bè, cũng có thể khiến người uống phải nộp phạt một số tiền rất lớn. Mức phạt nặng khiến người dân e dè mỗi khi có ý định đến bên bàn nhậu. Để không bị phạt nặng và đảm bảo an toàn cho tính mạng, hôm nay, tôi có hơi “quá chén” nên sẽ về bằng xe Grab (dịch vụ xe ôm công nghệ)”.

Anh Trần Khôn (Đà Nẵng)

Sau 3 ngày lực lượng CSGT ra quân kiểm tra, xử phạt tài xế có nồng độ cồn, đại tá Dương Đức Hải-Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP.Hà Nội) cho biết, đối với việc áp dụng xử phạt hành chính người điều khiển môtô, xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn, CSGT Hà Nội đã áp dụng theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Là người trực tiếp tham gia kiểm tra, xử lý tài xế có nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 cho biết, các tổ công tác vẫn chốt tại các ngã tư gần khu vực có nhiều quán bia, rượu và khi có trinh sát báo thông tin về biển kiểm soát xe, đặc điểm nhận dạng người sử dụng rượu, bia sẽ tổ chức kiểm tra và xử lý. Ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông được ứng trực theo địa bàn, các tổ công tác 141 cũng được tập huấn về kỹ năng áp dụng luật mới cũng như sử dụng các thiết bị đo nồng độ cồn tiên tiến nhất.

Tại Sơn La, theo trung tá Nguyễn Trung Kiên - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh: Từ ngày 1/1 đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã phát hiện được 59 trường hợp vi phạm: Xe ôtô có 21 trường hợp, xe môtô 38 trường hợp. Trong đó, 4 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 7 trường hợp vi phạm tốc độ, 2 trường hợp không có giấy phép lái xe..., tước giấy phép lái xe 4 trường hợp và tạm giữ 6 phương tiện.

"Sơn La là tỉnh miền núi với trên 80% là đồng bào người dân tộc thiểu số, việc người dân tiếp cận ngay các thông tin qua báo đài còn hạn chế. Vì vậy, để thực hiện tốt Nghị định 100/2019, trước mắt chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều biện pháp. Đối với những hành vi uống rượu bia, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chúng tôi kiên quyết xử lý theo quy định. Hiện tại, đơn vị đang chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trong quá trình tuần tra, kiểm soát sẽ tập trung gắn với tuyên truyền, giúp người tham gia giao thông hiểu rõ được nội dung Nghị định 100"- trung tá Kiên nói.img

Nhiều quán nhậu… thưa khách

Trong khi đó, tại TP.Đà Nẵng, nhiều nhà hàng rượu bia, quán đã giảm hẳn khách sau 2 ngày Luật mới có hiệu lực. Ông Phạm Văn Việt (chủ một nhà hàng nằm trên đường Thăng Long, Đà Nẵng), việc luật mới có hiệu lực đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của cửa hàng, nhưng vẫn phải chấp nhận vì luật quy định như vậy. “Lượng khách thưa hẳn đi sau khi luật mới có hiệu lực.  Về phía nhà hàng, chúng tôi luôn nhắc nhở các khách hàng về việc tuân thủ các quy định và hỗ trợ việc đặt xe, gọi xe cho khách khi có yêu cầu”- ông Việt thông tin.

Tại các bàn nhậu, nhiều người vẫn bàn tán về quy định mới trong xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. “Chỉ vì một vài cốc bia trong lúc hàn huyên, vui vẻ với bạn bè, cũng có thể khiến người uống nộp phạt một số tiền rất lớn. Mức phạt nặng khiến người dân e dè mỗi khi có ý định đến bên bàn nhậu. Để không bị phạt nặng và đảm bảo an toàn cho tính mạng, hôm nay, tôi có hơi “quá chén” nên sẽ về bằng xe Grab (dịch vụ xe ôm công nghệ)”- anh Trần Khôn (Đà Nẵng) cho hay.

Trao đổi với PV, đại tá Phan Ngọc Truyền - Trưởng phòng CSGT, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, trong tối 2/1, lực lượng CSGT các quận, huyện đồng loạt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ. Toàn lực lượng CSGT đã dừng, kiểm tra 563 trường hợp, trong đó có 231 ô tô. Kết quả, toàn lực lượng đã phát hiện, lập biên bản xử phạt 23 trường hợp, trong đó có 9 ôtô.

"Hầu hết người tham gia giao thông đều biết Nghị định 100/NĐ-CP, trong đó có quy định nồng độ cồn với mức phạt rất cao nên người dân chấp hành tốt hơn trước rất nhiều. Thời gian đến lực lượng CSGT toàn thành phố liên tục ra quân xử lý các hành vi điều khiển ôtô, xe máy có sử dụng rượu bia, để Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, cũng như Nghị định số 100 của Chính phủ đi vào cuộc sống”- đại tá Phan Ngọc Truyền nói. 

img

Nhận thức của người tham gia giao thông sẽ khác!

“Quy định được nhân dân ủng hộ, tỉ lệ đồng thuận rất cao thì cứ thế mà làm. Tôi có thể khẳng định ít thấy quy định cấm nào mà lại được người dân ủng hộ nhiều như vậy. Tác động của quy định mới là phát huy tính tích cực của quy định cũ, song mở rộng đối tượng áp dụng, nghiêm minh hơn so với trước đây. Những ai băn khoăn về quy định mới của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là những người thiếu ý thức với chính bản thân, gia đình và xã hội. Có thể số người uống rượu bia chưa giảm nhiều nhưng với quy định như vậy sẽ tạo sự thay đổi về tâm lý và nhận thức rõ ràng thì sẽ giảm người vi phạm uống rượu, bia rồi lái xe. Đồng thời, khuyến nghị người đã uống rượu bia thì nên đi taxi, xe ôm về nhà”.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia

img

Với người thu nhập cao mức phạt còn thấp

“Nghị định 100 với những chế tài mạnh (nhiều quy định xử phạt mới, mức phạt tăng cao) chắc chắn đủ sức răn đe người điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Hy vọng luật có hiệu lực sẽ phần nào giảm bớt số vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra. Tuy nhiên, tôi vẫn có chút lo lắng trong quá trình thực hiện. Có thể thấy khi có chút rượu bia trong người thì người say cũng cho rằng mình tỉnh, bất chấp sự can ngăn của người khác. Mức phạt có thể cao với người thu nhập thấp nhưng lại vẫn còn thấp với người thu nhập cao. Để xử lý triệt để không nửa vời đối với hành vi uống rượu bia khi lái xe thì cần phải hình sự hóa hành vi này bởi khi nào còn xử phạt vi phạm hành chính là vẫn còn nhẹ, tiêu cực vẫn có thể xảy ra, tai nạn giao thông vẫn tiếp diễn”.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM)