Ngay sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, trên mạng xã hội đã bắt đầu xôn xao những thông tin về việc sau thời gian bao lâu kể từ khi uống rượu bia thì được lái xe?
Nhiều người cho rằng, điều này phụ thuộc vào lượng rượu, bia mà bạn uống, tuy nhiên một số ý kiến lại cho rằng: Sau 6-12h, nồng độ cồn vẫn đo được trong máu; Sau 12-24h, nồng độ cồn vẫn đo được trong khí thở; Sau 36h vẫn đo được trong nước tiểu và sau 72h vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc. Thông tin này đã khiến nhiều người hoang mang, không rõ thực hư.
Cảnh sát giao tỉnh Sơn La kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: I.T
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia không hề có thông tin này. Hiện, không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là “uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể, mà nó phụ thuộc vào lượng bia rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân. Từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu.
Theo bà Trần Thị Trang, thông thường đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 lon bia 330ml nồng độ 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa. Do đó, nếu uống 1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 lon bia 330ml, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%, đối với người khỏe mạnh, bình thường, không có bất cứ loại bệnh gì thì phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể, lúc đó mới có thể lái xe.
Ngược lại, đối với những người có chức năng gan suy yếu hoặc những người có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì nồng độ cồn chuyển hóa sẽ lâu hơn nhiều. Bà Trang khuyến cáo, nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần. (Một đơn vị cồn có thể hiểu tương đương 10 gam cồn nguyên chất, khoảng 3/4 lon bia 330ml (5%), một ly rượu vang 100ml (13,5%) hay một chén rượu mạnh 30ml (40%). Vì uống như vậy phải mất ít nhất 4 giờ mới có thể lái được xe. Trong trường hợp những người uống cả két bia, cả chai rượu thì lúc đó không thể xác định được nồng độ cồn trong máu nữa mà đã rơi vào tình trạng ngộ độc và có thể tử vong.
Còn đối với một số trường hợp uống rượu bia nhưng vẫn tỉnh nên vẫn có thể lái xe, bà Trang khẳng định, nhiều người uống nói vẫn tỉnh đó chỉ là bề ngoài, còn thực chất, thần kinh đã bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, khi bình thường xảy ra va chạm người lái xe có thể bình tĩnh để xử lý tình huống, nhưng khi có men rượu có những trường hợp họ lại dễ hưng phấn, bốc đồng, phóng nhanh, vượt ẩu hoặc không đủ tỉnh táo để xử lý các tình huống bất ngờ.