Dân Việt

Chuyện của những người anh hùng (Kỳ cuối): Người lính tình báo giữa lòng Sài Gòn

Thanh Vũ 07/01/2020 06:30 GMT+7
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông luôn là "đối tượng" nằm trong danh sách hồ sơ đặc biệt và là "con cá bự” mà cơ quan mật vụ của chính quyền Mỹ - ngụy Sài Gòn ráo riết truy lùng, treo thưởng lớn.

Đó là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (sinh năm 1928, bí danh Tư Cang - quê ở xã Long Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu), nguyên là Cụm trưởng cụm tình báo H.63 (trước năm 1967 là A18), Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, mở đường tiến đánh Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

img

Lãnh đạo Quận ủy và Ban Chỉ huy Quân sự quận Bình Thạnh thăm tặng quà Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu.

Luôn cận kề với hàng trăm mối nguy hiểm

Chúng tôi đến thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Tư Cang vào những ngày cuối năm 2019. Ở tuổi 93 nhưng hàng ngày, ông Tư Cang vẫn chăm sóc hoa, cây kiểng và dành nhiều thời gian để chăm lo cho người vợ của mình, đọc sách hay sáng tác truyện, ghi nhật ký. Ông còn nhớ như in những tháng ngày đầu tiên tham gia cách mạng năm 1945 ở tuổi 17, trong phong trào Thanh niên tiền phong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc và đổi tên là Trần Văn Quang.

Ông Tư Cang cho biết, nhận quân hàm đại úy vào tháng 5 thì đến tháng 12/1961, ông nhận lệnh trở lại miền Nam với nhiệm vụ chỉ huy cụm tình báo H.63 vừa mới thành lập. Lúc bấy giờ người đồng đội của ông là điệp viên chính, nằm trong lòng địch - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn. Khó khăn, vất vả của người chiến sĩ trong những tháng ngày hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch là bám sát địch, theo dõi, điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, phân tích, nhận định và báo cáo về cấp trên. Người tình báo luôn cận kề với hàng trăm mối nguy hiểm, có những lúc lên đến cực đỉnh bởi hoạt động, sống ngay giữa lòng địch. Trong đó, ông nhớ mãi lần kẻ chiêu hồi Tám Hà chỉ điểm: Có một sĩ quan tình báo cấp cao hoạt động ở giữa lòng Sài Gòn mà chúng chưa tìm được hình ảnh.

Ngày cũng như đêm, lúc nào ông cũng lo lắng, quan sát xem có ai theo dõi, phát hiện. Thời điểm đó, một số chiến sĩ bị bắt, nhiều vũ khí, khí tài chuẩn bị phục vụ đợt Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (năm 1968) bị phát hiện và tiêu hủy. Để đảm bảo an toàn cho tổ chức, ông càng cẩn trọng, thậm chí gặp vợ con, người thân cũng không dám nhận. Càng để lâu, càng nguy hiểm, Chỉ huy quyết định phải tìm hiểu bản khai báo của kẻ chiêu hồi Tám Hà để có đối sách, tránh thiệt hại, gây thương vong cho quân ta. Ông Tư Cang nhớ lại: “Sau khi tìm hiểu, chọn giải pháp và kết nối với người giữ bản khai, tôi cùng người đồng đội được hẹn ra khu Lăng Ông Bà Chiểu, tuy nhiên chỉ có vỏn vẹn năm, ba phút để đọc… và ghi nhớ”.

“Bản ghi nhớ” được đánh giá là kịp thời chuyển về căn cứ, Chỉ huy phân tích tình hình và đưa ra kế hoạch hành động, giải mã nhiều vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh của quân và dân miền Nam lúc bấy giờ. Kể đến đây, ông cười hóm hỉnh: “Phải chi, thời đấy có chiếc điện thoại thông minh như bây giờ đỡ khổ, hiệu quả biết mấy…”.

Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là khởi đầu làm rúng động chính quyền ngụy quân Sài Gòn và cả nước Mỹ, rồi đến đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 giành độc lập tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Ông Tư bồi hồi nhớ lại ngày Lữ đoàn 316 được Bộ Tư lệnh chiến dịch giao trọng trách đánh khởi đầu, mở đường cho các cánh quân ta tiến vào Sài Gòn. “Nhiệm vụ quan trọng của Lữ đoàn là đánh căn cứ xe tăng, pháo binh, chiếm Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, làm tê liệt tổ chức chỉ huy của địch và chiếm giữ các cây cầu xung quanh trung tâm Sài Gòn (trọng điểm là cầu Rạch Chiếc) không cho địch phá hoại, gây cản trở khi các lực lượng, các cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn”, ông Tư khẳng định.

“Khoảng 5 giờ ngày 30/4, lực lượng của ta chiếm giữ được cầu Rạch Chiếc đúng kế hoạch, đảm bảo cho Lữ đoàn 203 xe tăng thuộc Quân đoàn 2 tiến qua cầu lúc 7 giờ, hướng thẳng đến dinh Độc Lập”, ông Tư như sống lại cảm giác vỡ òa, tràn ngập niềm vui, hạnh phúc trong giây phút lịch sử đó.

Chiếm giữ nơi đầu não của chính quyền ngụy quân Sài Gòn, ông phát hiện danh sách các cán bộ, sĩ quan, tình báo của quân cách mạng mà quân địch đã tốn nhiều công sức điều tra, theo dõi. “Trong danh sách đó, có cái tên: Tư Cang, Phó Chính ủy tình báo Miền, người trắng trắng, cao cao, có đặc điểm bắn súng bằng hai tay rất giỏi, yêu thích văn nghệ. Quê quán chưa xác định, gia đình chưa xác định…”, ông Tư Cang nhớ lại.     

Đại tá Nguyễn Văn Tàu được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2005. Tuy nhiên, điều khiến ông nhớ nhất là đồng đội, những người đã ngã xuống trong cuộc chiến khốc liệt vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong số 45 cán bộ, sĩ quan cụm tình báo H.63 anh hùng, có 27 người đã hy sinh để bảo vệ mạng lưới tình báo chiến lược. Họ không chỉ là những Anh hùng liệt sĩ được Đảng, Nhà nước phong tặng, mà họ còn là đồng đội của ông, những anh hùng trong trái tim của người anh hùng…

Nhà văn giữa đời thường

Ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, thay vì trở về với gia đình, Đại tá tình báo Tư Cang tiếp tục tham gia chiến trường Tây Nam từ năm 1975-1979. Lữ đoàn 316 được biên chế gọn lại thành Trung đoàn 316 do Đại tá Tư Cang làm Chính ủy luôn là ngọn cờ đầu trong giữ vững đường biên giới. Tại Bình Long, ông đã bị thương trong khi làm nhiệm vụ và được đưa về điều trị. Sau đó ông được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa Quân khu 7 tại quê nhà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 1980 với vết thương hạng 2/4. 

Không phải ngẫu nhiên ông được phân công nhiệm vụ này, mà bản thân ông vốn có năng khiếu văn chương, sáng tác. Khi còn trẻ, ông Tư đã học nhiều ngón nghề để đáp ứng yêu cầu, khả năng làm công tác tình báo. Ông học chụp ảnh, lái xe, viết văn, giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Vào Quân đội, đi tập kết, ông được học thêm về nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ năng quân sự, kỹ năng tổng hợp, nhận định, phân tích tình hình…

Đất nước hòa bình, nhiều người biết đến ông là Anh hùng lực lượng vũ trang, sĩ quan tình báo của Quân đội, nhưng ít ai biết ông còn là một nhà văn, viết sách với nhiều tác phẩm chiến trường. Sau ngày giải phóng, ông đã ghi lại cảm xúc sâu lắng của “Trái tim người lính”, những dấu son chói lọi trong lịch sử cùng nhiều bài học kinh nghiệm qua cuốn sách “Sài Gòn Mậu Thân 1968”.

Quyển sách “Tình báo kể chuyện” do ông viết, kể về chuyện vui buồn, nguy hiểm trong cuộc đời làm tình báo của mình và những người đồng đội cùng thời. Qua những câu chuyện, người đọc dễ dàng cảm nhận được tình quân dân gắn bó trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong cuốn sách này, ông viết: “Có thể khẳng định: Không có sự giúp đỡ của dân thì những người công tác trong đô thành như tôi không làm nên trò trống gì, thậm chí không tồn tại nổi”.

“Có những con người tình báo dũng cảm, thông minh, sáng tạo, có những người dân đô thành không sợ hiểm nguy mà còn tích cực tham gia công tác cách mạng. Có được những nhân tố đó trước hết phải nói nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã dày công đào tạo nên lớp người như vậy, đã kiên trì gây dựng phong trào quần chúng từ mấy mươi năm trước. Tất cả hợp thành lực lượng bách chiến, bách thắng mà kẻ thù quen thói hợm hĩnh không lường được hết sức mạnh…”, ông viết trong cuốn “Tình báo kể chuyện”.         

Những năm tháng kháng chiến gian khổ, với đặc thù tình báo đầy nguy hiểm nên ông ít có thời gian dành cho gia đình. Vợ ông - bà Trần Ngọc Ánh một mình nuôi con chờ chồng, chờ đất nước giải phóng. Với cái tình cao đẹp ấy, gần 40 năm qua ông luôn dành tình cảm thân thương, trìu mến để chăm sóc, sống yên bình cùng gia đình trong căn nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.