Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vài tuần gần đây, Trung tâm Chống độc đã liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc rượu, đa số bệnh nhân từ 20-40 tuổi.
Như sáng 2/1, Trung tâm Chống độc cũng đang điều trị cho 2 bệnh nhân ngộ độc rượu, nhập viện đêm 1/1/2010 sau một bữa tiệc chào đón năm mới cùng bạn bè. Gia đình cho hay, sau khi uống khá nhiều rượu, bệnh nhân lâm vào hôn mê, bất tỉnh, huyết áp tụt nên đưa đi cấp cứu.
Hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ý thức chậm chạp, mất kiểm soát. Các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị, ý thức của bệnh nhân đang dần được cải thiện. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần theo dõi và điều trị lâu dài.
Nhiều người trẻ nhập viện do ngộ độc.
Theo bác Nguyên, số bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính vào cấp cứu tăng không chỉ vào thời điểm Noel, Tết Dương lịch vừa rồi mà bắt đầu vào mùa đông của miền Bắc, số lượng bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu đã gia tăng do đây là thời điểm mọi người tụ tập, rủ nhau liên hoan, uống rượu với quan niệm làm "ấm” cơ thể.
Tình trạng lúc nhập viện của các bệnh nhân cũng rất khác nhau: Có người chỉ ở mức độ nhẹ, say xỉn, nôn mửa là chính. Tuy nhiên có khá nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng như hôn mê, tụt huyết áp cùng các tổn thương não nặng nề do suy hô hấp, hạ đường máu, tụt huyết áp kéo dài.
"Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh. Lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể" - bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Theo bác sĩ Nguyên, không hề có sự khác biệt về tác hại giữa rượu "quốc lủi" với rượu ngoại như nhiều người vẫn quan niệm. Nếu lạm dụng rượu bia thì tác hại của loại rượu bia nào cũng như nhau.
Bác sĩ Nguyên cũng kỳ vọng, việc Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và Nghị định về xử phạt rất nặng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia vừa được quy định sẽ phần nào cải thiện được thói quen lạm dụng rượu bia ở nhiều người, hạn chế tai nạn giao thông, hạn chế bệnh tật do rượu bia.
Về thắc mắc "sử dụng rượu bia bao lâu thì có thể xả hết rượu bia để có thể lái xe", bác sĩ Nguyên cho biết rất khó có câu trả lời chính xác. "Thời gian từ lúc uống rượu đến khi bị các anh cảnh sát mời vào "thổi kiểm tra" ra kết quả âm tính hay dương tính với rượu bia còn tùy thuộc vào nhiều yếu tó như số lượng rượu uống vào người, chủng loại, nồng độ rượu, "tửu lượng" của từng người hay sức khỏe...
Đương nhiên uống càng nhiều thì nồng độ rượu bia trong hơi thở càng cao và thời gian để "xả hết" hơi rượu càng lâu. "Tốt nhất là tối hôm trước uống rượu thì cả ngày hôm sau không nên lái xe. Đồng thời hạn chế tối đa lượng rượu uống vì an toàn và sức khỏe của bản thân và mọi người" - bác sĩ Nguyên nói.
Còn về lo lắng chỉ uống siro, ăn hoa quả lên men hoặc một số loại thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng... cũng cũng có thể có ethanol trong hơi thở, bác sĩ Nguyên khuyến cáo rằng khi đó thì nên đợi 15-30 phút hãy tham gia giao thông.
Còn nếu bị thổi phạt "oan ức" thì cũng có thể xét nghiệm thêm máu để cho ra kết quả chính xác.