Dân Việt

"Thực tiễn đã "thẩm định" sách Công nghệ giáo dục"

Hà My 04/01/2020 06:49 GMT+7
"Nếu như bộ sách này không có những giá trị thực tiễn của nó thì chắc hẳn nó đã bị xã hội đào thải, đặc biệt là trong một xã hội hiện đại liên tục tiếp thu các tri thức mới hiện nay. Là một giáo viên gắn bó với chương trình Công nghệ giáo dục trong một thời gian dài, tôi cho rằng sách Tiếng Việt 1 của bộ sách này khiến học sinh dễ tiếp cận, ít sai chính tả và có khả năng khắc phục được việc nói ngọng của người học. Có thể nói chính thực tiễn đã "thẩm định" sách Công nghệ giáo dục" - bà L.T.H (nguyên giáo viên trường Thực nghiệm - Hà Nội) nói.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Mới đây, Bộ GDĐT đã có buổi đối thoại với  nhóm biên soạn sách giáo khoa Công nghệ giáo dục, đại diện là GS Hồ Ngọc Đại và PGS.TS Nguyễn Kế Hào (Trung tâm Công nghệ giáo dục) về các vấn đề có liên quan tới việc thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục. Buổi làm việc do Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Kế Hào bày tỏ ý kiến cho rằng sách giáo khoa sau khi thẩm định, cần đưa vào thực nghiệm rồi mới điều chỉnh và áp dụng rộng rãi. Thực tiễn sử dụng sách Công nghệ giáo dục ở nhiều địa phương, như Hà Nam chẳng hạn, học sinh không còn nói ngọng, không tái mù chữ. "Bộ sách Công nghệ giáo dục bị loại khiến dư luận quan tâm, khiến nhiều người bức xúc. Tại nhiều địa phương, phụ huynh, học sinh cho rằng bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại tốt, tạo điều kiện để phát huy khả năng của mỗi học sinh" - ông Nguyễn Kế Hào chia sẻ.

img

GS Hồ Ngọc Đại.

"Khi bộ sách bị loại, tôi không oán trách Hội đồng thẩm định bởi họ làm đủ trách nhiệm. Bộ sách công nghệ của chúng tôi thực nghiệm 40 năm và dạy Công nghệ giáo dục tại Nga. Trong 40 năm đó, tôi không hề xa rời việc dạy học trong nhà trường. Từ những gì nghiên cứu, thực nghiệm, tôi chịu trách nhiệm với những gì mình viết ra. Vì lí lẽ đó, tôi cho rằng không thể sửa chữa" - GS Hồ Ngọc Đại nói tại buổi làm việc. 

Tác giả của bộ SGK Công nghệ giáo dục còn khẳng định: "Cách Bộ GDĐT đang đổi mới như hiện nay chỉ là cách viết khéo lại cái cũ. Chúng tôi mới là mới".

PGS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán cho rằng bao giờ có một chương trình mới, sẽ có những SGK mới phù hợp với chương trình. Có những cuốn SGK rất hay nhưng vẫn phải ngừng. Không thể lấy lý do sách của GS Hồ Ngọc Đại có nhiều học sinh đang học thì phải được tiếp tục.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, tổ chức một cách thẩm định khác cho sách Công nghệ giáo dục khó thực hiện vì cần phải công bằng giữa các bộ SGK.

"Bộ GD&ĐT đánh giá sách Công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại là tốt, nhưng cần phải thực hiện theo nội dung chương trình đã ban hành. Bộ rất mong muốn cuốn sách sẽ phù hợp để đưa vào các trường học, tuy nhiên phải đảm bảo việc cùng một công thức, cùng một quy trình đánh giá. Các thành viên Hội đồng thẩm định đều mong muốn tác giả và cộng sự sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh cuốn sách cho phù hợp" - Thứ trưởng Độ đề nghị.

"Thực tiễn đã "thẩm định" sách Công nghệ giáo dục"

Ngay sau thông tin về buổi đối thoại trên được công bố, nhiều ý kiến trái chiều về tương lai của bộ SGK Công nghệ giáo dục được dư luận xã hội bày tỏ. Bà L.T.H (nguyên giáo viên trường Thực nghiệm - Hà Nội) cho biết bộ SGK này đã có 40 năm thăng trầm, dù trải qua nhiều "sóng gió" nhưng nó vẫn tồn tại, đây cũng chính là minh chứng cho tính hiệu quả của bộ sách.

"Nếu như bộ sách này không có những giá trị thực tiễn của nó thì chắc hẳn nó đã bị xã hội đào thải, đặc biệt là trong một xã hội hiện đại liên tục tiếp thu các tri thức mới hiện nay. Là một giáo viên gắn bó với chương trình Công nghệ giáo dục trong một thời gian dài, tôi cho rằng sách Tiếng Việt 1 của bộ sách này khiến học sinh dễ tiếp cận, ít sai chính tả và có khả năng khắc phục được việc nói ngọng của người học. Có thể nói chính thực tiễn đã "thẩm định" sách Công nghệ giáo dục" - giáo viên này nói thêm.

img

Sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục.

Trong suốt 40 năm vừa qua, đã có tới hàng triệu học sinh được học Tiếng Việt bằng sách Công nghệ giáo dục, trong đó không ít người đã trở thành những người nắm giữ các vị trí quan trọng tại nơi mình công tác.

Bà Lê Mai Hương - Phó hiệu trưởng phụ trách trường Thực nghiệm cũng khẳng định: "Sau 40 năm, các thế hệ học sinh ra trường đã có nhiều em trưởng thành, giữ những vị trí cao trong chuyên môn và công tác. Có em đã trở thành những giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực. Điều quan trọng nhất là các em giữ được cho mình những nét đặc trưng của học sinh thực nghiệm: sống có trách nhiệm, biết tôn trọng người khác và tôn trọng bản thân mình, có tư duy phản biện, tự tin thể hiện khả năng của bản thân".