Dân Việt

Bộ Xây dựng ra "tối hậu thư" với HUD, VICEM về cổ phần hoá

Thành Thái (T/H) 04/01/2020 11:00 GMT+7
Bộ Xây dựng cho biết, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Xi măng (VICEM) thực hiện cổ phần hóa trong năm nay. Hạn chế trong tiến độ cổ phần hoá là do gặp khó trong đánh giá, định giá tài sản giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất.

Gặp khó vì đất đai

Bộ Xây dựng đã rà soát, điều chỉnh tiến độ và đề xuất được Thủ tướng chấp thuận phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Theo đó, VICEM thuộc danh mục thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Tổng công ty HUD thuộc doanh mục thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ.

Bộ này cũng đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HUD đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2021- 2025.

Đối với HUD, doanh nghiệp này cũng đang tập trung hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa và giá trị đất cụ thể để xác định quyền sử dụng đất theo quy định.

Thế nhưng, với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều dự án trải khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, HUD đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất; phương án sử dụng đất và giá đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công, cổ phần hóa. Dù vậy, theo mục tiêu, HUD có kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2020.

img

HUD và VICEM là 2 doanh nghiệp lớn thuộc Bộ Xây dựng phải cổ phần hoá xong trong năm 2020

Là một trong số 2 doanh nghiệp thuộc Bộ đang tập trung cổ phần hóa, VICEM cũng đã hoàn thành xác định doanh nghiệp từ 1/10/2018. Kiểm toán Nhà nước cũng đã hoàn thành kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kể cả đơn vị được đánh giá là thực hiện cổ phần hóa nhanh gọn như Vicem cũng đang phải tập trung xử lý một số tồn tại liên quan đến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất cũng như phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, giá đất cụ thể theo quy định.

Thanh tra các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã hành Quyết định số 939/QĐ-TTCP phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020. Theo kế hoạch, trong năm 2020, TTCP sẽ tiến hành 19 cuộc thanh tra, trong đó có 14 cuộc chính thức và 5 cuộc dự phòng. Trong các cuộc thanh tra chính thức, có 3 cuộc chuyển từ kế hoạch năm 2019 sang.

Đáng chú ý, TTCP sẽ tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà giai đoạn 2011-2017 tại các bộ, UBND các tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan. 

Cùng với đó, TTCP cũng sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015-2019.

Các tỉnh bao gồm: Sơn La; Hà Nam; Đắk Lắk; Kon Tum; Bình Dương và Cà Mau là nơi diễn ra các hoạt động thanh tra năm 2020.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán năm 2018 và chỉ ra loạt sai phạm đất đai sau cổ phần hóa doanh nghiệp ở Hà Nội giai đoạn 2013-2017.

Theo đó, Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc bổ sung mục đích sử dụng đất không đúng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa tại Khu đất 2.746,9m2 tại số 358 đường Láng của Công ty CP Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế; Khu đất 2.001m2 số X3 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội của Công ty TNHH MTV 19/12 Hà Nội.

Đặc biệt, tại khu "đất vàng" 152 Thụy Khuê của Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê, còn tình trạng sử dụng quyền thuê đất trả tiền hàng năm để góp vốn liên doanh không đúng quy định. Được biết, khu đất 152 Thụy Khuê ban đầu được giao cho Công ty Giầy Thụy Khuê quản lý, làm trụ sở. Tuy nhiên, sau đó công ty này đã mang lô đất trên cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình lập liên doanh để triển khai dự án “Khách sạn văn phòng giao dịch và cho thuê”.

Trình bày báo cáo kết quả về kinh tế - xã hội và thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2019 tại Hội nghị Chính phủ và các địa phương vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), ông Dũng nhận định, tiến độ cổ phần hoá DNNN rất chậm. Trong năm 2019, có 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2019 thu về quỹ đạt khoảng 14.000 tỷ đồng trên 50.000 tỷ đồng dự toán.

Luỹ kế giai đoạn 2016 – 2019 có 168 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá, trong đó chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hoá thuộc kế hoạch giai đoạn 2017 – 2020 (đạt 28% kế hoạch).