Dân Việt

Hòa Bình: Dạy nghề cho nông dân gắn với hỗ trợ tìm, tạo việc làm

Thu Hà 06/01/2020 10:15 GMT+7
Thời gian qua, các cấp Hội ND tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Phương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình cho biết: Xác định hoạt động dạy nghề, hỗ trợ nông dân là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cùng với Hội ND các cấp tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo.

Từ năm 2018 đến nay các cấp Hội trong tỉnh đã trực tiếp tổ chức 33 lớp cho 1.320 hội viên nông dân; phối hợp tổ chức 89 lớp cho 3.560 lượt người; trong đó giới thiệu và tạo việc làm cho trên 4.150 hội viên nông dân đã tham gia học nghề. Học viên tham gia lớp dạy nghề được tiếp thu những kiến thức theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và hướng dẫn thực hành của giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn.

img

Sau học nghề đan lát thủ công, nhiều nông dân xã Văn Sơn, Lạc Sơn, Hòa Bình đã có việc làm ổn định.
(ảnh: Hoàng Anh)

“Sau thời gian học nghề, các học viên đã được các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất lớn có nhu cầu tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập ổn định từ 3,5-7 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%”- bà Phương cho biết.

Để công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân đạt hiệu quả, các cấp Hội ND tỉnh Hòa Bình còn tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường. Trong 2 năm 2018 và 2019, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã tổ chức 4 cuộc hội nghị giới thiệu và trưng bày các sản phẩm máy nông nghiệp; hỗ trợ cung cấp hơn 140.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cung ứng 31 máy nông nghiệp các loại.

Bên cạnh đó, các cấp Hội ND trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Tiêu biểu như: Hợp tác xã chăn nuôi gà xã An Bình huyện Lạc Thủy; Hợp tác xã trồng rau hữu cơ xã Cư Yên huyện Lương Sơn; Hợp tác xã bưởi đỏ xã Thanh Hối, Rau susu xã Quyết Chiến  huyện Tân Lạc… Thông qua các mô hình kinh tế tập thể đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường, nâng cao được giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung.

Điểm đáng chú ý, thực hiện Đề án số 24 của Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 102 tổ Hội nghề nghiệp với 1.610 thành viên tham gia. Đây là tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần đổi mới và thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân.