Tổng công ty Sông Đà hoạt động kinh doanh kém hiệu quả hơn sau sau cổ phần hoá. (Ảnh minh hoạ).
Chủ tịch Tổng công ty Sông Đà thu nhập 632 triệu đồng/năm
Tiền thân của Tổng công ty Sông Đà là một doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ năm 1961 theo Quyết định số 214/TTg ngày 1/6/1961 của Phủ Thủ tướng về việc thành lập Ban chỉ huy Công trường thuỷ điện Thác Bà.
Trải qua gần 60 năm phát triển, Tổng công ty Sông Đà đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong ngành xây dựng, ghi dấu ấn trong nhiều công trình quan trọng của quốc gia như thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Yaly, Đường Hồ Chí Minh, Hầm đường bộ qua Đèo ngang, Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân…
Tới ngày 26/3/2018, Tổng công ty Sông Đà đã tiến hành ĐHĐCĐ lần đầu, chính thức chuyển đổi từ mô hình Tổng công ty nhà nước sang mô hình Tổng công ty cổ phần. Tuy nhiên, vốn nhà nước vẫn chiếm khoảng 99,79% vốn tại doanh nghiệp.
Song ngay trong năm đầu tiên cổ phần hóa, lợi nhuận của Tổng công ty Sông Đà đã thể hiện sự giảm sút.
Năm 2018, Tổng công ty Sông Đà (gồm công ty mẹ và các công ty thành viên) đạt doanh thu 7.945 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch cả năm. Riêng công ty mẹ đạt doanh thu 2.186 tỷ đồng, hoàn thành 91%.
Lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Sông Đà là 362 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, công ty mẹ chỉ đạt lợi nhuận 27,4 tỷ đồng lãi ròng, bằng 13% kế hoạch.
Sở hữu một khối tài sản “khủng”, bao gồm 46 khu đất có tổng diện tích hơn 64,3 triệu m2. Trong đó, tài sản nhà nước vẫn chiếm một tỷ trọng tương đối lớn với giá trị khoảng 15.652 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu nhà nước là 4.517 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức lợi nhuận vừa nêu, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của của công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà chỉ đạt 0,06%, lợi còn tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản là 0,17%.
Thù lao của Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà lên tới 632,4 triệu đồng/năm.
Dù tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả quan, song theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận Tổng công ty Sông Đà 52,7 triệu đồng/tháng tương ứng với 632,4 triệu đồng/năm. Ngoài ra, 4 thành viên Hội đồng quản trị mỗi người được nhận 45,9 triệu đồng/tháng, tương đương với 550 triệu đồng một năm. Trong khi đó, thù lao của Trưởng Ban Kiểm soát và 2 thành viên lần lượt là 30,6 và 25,5 triệu đồng/người mỗi tháng.
Hiện tại, thành viên HĐQT Tổng công ty Sông Đà bao gồm ông Hồ Văn Dũng (Chủ tịch HĐQT), 4 thành viên HĐQT gồm các ông Trần Văn Tuấn (kiêm Tổng Giám đốc), ông Phạm Văn Quản, ông Nguyễn Văn Tùng và ông Đặng Quốc Bảo.
Trong năm 2019, kế hoạch thù lao đối với Chủ tịch HĐQT và 4 thành viên HĐQT của Tổng công ty Sông Đà giữ nguyên như con số thực hiện năm 2018.
Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính lên tiếng cảnh báo
Một vấn đề đáng quan tâm là hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Sông Đà trong năm 2018 là 2,81 lần, trong khi năm 2017 hệ số này là 2,72 lần. Dù doanh nghiệp cho rằng hệ số này vẫn trong mức an toàn và khả năng tự chủ về tài chính, cũng như khả năng tài trợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu của mình.
Song những báo cáo của Kiểm toán Nhà nước lần lượt cho thấy một bức tranh khác về cán cân thanh toán của doanh nghiệp.
Theo Kiểm toán Nhà nước, đến cuối năm 2017, Tổng công ty Sông Đà phải thu hồi 10.786 tỷ đồng của khách hàng. Trong đó, nợ trong hạn là 8.879 tỷ đồng, nợ quá hạn là 1.907 tỷ đồng. Trong số nợ quá hạn, tới 16% là nợ khó thu đòi, tương đương 305 tỷ đồng. Ngoài ra, 33% là nợ chưa được đối chiếu xác nhận.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong nợ quá hạn, nợ phải thu khó đòi của Tổng công ty Sông Đà là 305 tỷ đồng; trong đó, công ty mẹ là 55,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần (CTCP) Sông Đà 6 là 35,76 tỷ đồng; CTCP thủy điện Cần Đơn là 72,5 tỷ đồng; CTCP Sông Đà 10 là 67,8 tỷ đồng;….
Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, số nợ phải thu chưa được đối chiếu xác nhận là 621,4 tỷ đồng. Một số đơn vị có tỷ lệ đối chiếu nợ phải thu thấp; phân loại nợ phải thu khách hàng theo ngắn hạn và dài hạn còn chưa chính xác.
Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác thu hồi nợ còn nhiều hạn chế và khó khăn do các công trình xây lắp thi công kéo dài qua nhiều năm, chậm quyết toán hoặc chậm thanh toán, chủ yếu là các công trình do Tổng công ty làm nhà thầu chính.
Bước sang năm 2018, tình hình dường như chưa có nhiều sự cải thiện ở Tổng công ty Sông Đà khi theo thông tin từ Bộ Tài chính, nợ phải trả của doanh nghiệp lên tới 11.135 tỷ đồng. Còn nợ phải thu là trên 8.015 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, nợ phải thu của Tổng công ty Sông Đà chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả trong tổ hợp công ty mẹ con và công ty liên kết. Trong đó, nợ phải thu tại Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long khoảng 2.700 tỷ đồng, Công ty cổ phần Điện Việt Lào hơn 800 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Chiến gần 700 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 1 gần 300 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 3 khoảng 560 tỷ đồng.
Sông Đà cũng đang đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng vào 38 công ty con, công ty liên kết. Nhiều khoản đầu tư bị lỗ, mất vốn, như các khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Sông Đà 3, Công ty cổ phần Phòng cháy chữa cháy và Đầu tư xây dựng Sông Đà, Công ty cổ phần Sông Đà 12, Công ty cổ phần Phú Riềng Kraitie…
Cụ thể Công ty CP Sông Đà 3 lỗ lũy kế 188 tỷ đồng, Công ty CP Sông Đà 12 âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng, Công ty CP PCCC và ĐTXD Sông Đà âm vốn chủ sở hữu hơn 11 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý tới khoản đầu tư tài chính khoảng 1.100 tỷ đồng của Sông Đà vào Công ty CP Điện Việt Lào. Sông Đà là cổ đông sáng lập Công ty CP Điện Việt Lào, nhưng đến nay công ty này đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Công ty CP Điện Việt Lào đầu tư vốn vào 3 công ty con, trong đó có Công ty TNHH Điện Xekaman 3, nhưng dự án thủy điện Xekaman 3 đã dừng triển khai từ cuối năm 2016 do gặp sự cố trong thi công.
Riêng với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu khoảng 2,8 lần. Bộ Tài chính đã yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, rà soát, cơ cấu lại các khoản nợ, bảo đảm hệ số này không vượt quá 3 lần để giảm rủi ro tài chính.