Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo kinh tế vĩ mô với chủ đề "Vượt trên trạng thái "Bình thường mới" – Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020, diễn ra chiều ngày 6/1, tại TP.HCM.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá về các chỉ tiêu năm 2019 và dự báo năm 2020 của kinh tế Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, trong năm 2019, trên thế giới và khu vực, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU… đã tạo ra sự bất định chính sách có nguy cơ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu.
Do đó, xuyên suốt năm 2019, các hiện tượng trước đây được xem là bất thường của nền kinh tế toàn cầu đã xảy ra thường xuyên hơn và được biết đến như những điều “bình thường mới”. Cụ thể, kinh tế toàn cầu đã chứng kiến một đường cong Phillips phẳng, cho thấy lạm phát không gia tăng nhiều khi nền kinh tế toàn dụng lao động (tăng trưởng ở mức cao). Bên cạnh đó, đường cong lợi tức đảo ngược, điều mà trong quá khứ đã từng xảy ra vào “đêm trước” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009, nay đã không còn là tín hiệu cho một cuộc khủng hoảng.
Hoặc, lãi suất dài hạn hiện nay lại thấp hơn lãi suất ngắn hạn – một vấn đề trước đây là bất thường nhưng nay lại trở nên bình thường.
Thêm vào đó, việc mức độ nhạy cảm của lạm phát đối với lãi suất giảm đi đáng kể so với giai đoạn trước cũng là một “bình thường mới”, làm giảm dư địa của chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Song hành với diễn biến “bình thường mới” toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng có nhiều chuyển đổi sang “trạng thái mới”. Theo đó, các yếu tố như nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng diễn biến khó lường và vấn đề địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới làm gia tăng tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu và xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Những diễn biến này làm cho bức tranh thương mại và FDI vào Việt Nam có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn 2011 - 2016. Dù vậy, năm 2019, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã tăng trưởng ngoạn mục với tỷ lệ 17,7% và vốn đăng ký FDI tiếp tục tăng trưởng khá. Vấn đề căng thẳng thương mại Mỹ - Trung phần nào tác động đến sự dịch chuyển vốn FDI từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam và hỗ trợ hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ.
Như vậy diễn biến “không bình thường” của kinh tế thế giới lại góp phần tạo ra “trạng thái mới” ở Việt Nam. Kết thúc năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao 7,02%, tương đồng với 2017-2018.
Đồng quan điểm, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính cũng cho rằng: “Tình trạng mới” không chỉ diễn ra trên bình diện nền kinh tế mà còn thể hiện qua hoạt động điều hành của NHNN.Cụ thể, NHNN đã thực hiện mua ngoại tệ (riêng năm 2019 mua được mức kỷ lục 20 tỷ USD), tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước đến nay (gần 80 tỷ USD và gấp 6 lần năm 2011) nhưng lạm phát và kỳ vọng lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp ổn định. Hơn thế nữa, Việt Nam không hề có dấu hiệu nào của việc dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với các đối tác thương mại cũng như không can thiệp có chủ đích để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa”.
“Nói cách khác, Việt Nam không liên quan đến thao túng tiền tệ. Đối chiếu với các khuyến nghị của khuôn khổ “Quản lý dòng vốn nước ngoài” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc NHNN thực hiện mua vào ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô là hoàn toàn phù hợp”, ông Tín nói thêm.
Nhìn về tương lai 2020, TS.Nguyễn Đức Trung chia sẻ, xu hướng “bình thường mới” của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng “bình thường mới” này cũng đặt nền kinh tế Việt Nam trước các rủi ro tài chính xuất phát từ sự lạc quan quá mức về triển vọng kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng khá, đồng thời lạm phát và lãi suất dài hạn kỳ vọng ở mức thấp. Bên cạnh đó, vẫn có những thách thức trong quá trình Việt Nam phát triển vượt bẫy thu nhập trung bình như tắc nghẽn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, làn sóng phản đối toàn cầu hóa và tự do thương mại dâng cao ở các nước Bắc Mỹ, EU, và quá trình Brexit có nguy cơ tạo ra những cú sốc thương mại đối với một nền kinh tế có độ mở rất cao như Việt Nam.