Dân Việt

Đại chiến Grab, Be, GoViet: Khốc liệt nhưng có cân sức?

Ngọc Phạm 07/01/2020 19:00 GMT+7
Nhiều chuyên gia phải "sốc" trước cách các nhà phát triển ứng dụng gọi xe công nghệ đang "đốt tiền" đầu tư.

Năm 2019 chính thức khép lại, trong khi GoViet mải miết trở mình giải quyết bài toán nhân sự, Be bước đầu gặt hái được quả ngọt trong cuộc đua thị phần và bành trướng dịch vụ, thì Grab vẫn là ngôi sao sáng ở khoản “chịu chi” và trụ vững “ngôi vương” ở nhiều thế trận. Cuộc chiến Grab - Be - GoViet: khốc liệt nhưng liệu có cân sức?

Đặt xe công nghệ: Grab vẫn là tay chơi số 1

Báo cáo từ ABI Research trong 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, Grab đang áp đảo thị trường đặt xe công nghệ với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần. Be, tân binh dù mới gia nhập trong vòng 1 năm nhưng đã vươn lên vị trí nhì bảng, ghi nhận con số 31 triệu cuốc xe và thu về 16% thị phần.

Trong khi đó, GoViet, đứa con cưng của kỳ lân Indonesia GoJek, cái tên một thời được kỳ vọng sẽ tạo thành thế đối nghịch với Grab, lại chỉ về thứ 3 với 21 triệu chuyến xe hoàn thành, tương ứng 10% thị phần. Những cái tên khác như FastGo, Vato, Mai Linh hay Tada chia nhau vỏn vẹn 1% thị phần còn lại.

img

Grab - Be - GoViet: Bộ 3 nổi bật trên thị trường đặt xe công nghệ Việt Nam.

Rõ ràng, xét trên chiến trận cốt lõi nhất là đặt xe thì “anh cả” Grab vẫn duy trì phong độ ổn định, nếu không muốn nói là “bất khả chiến bại” trong nhiều năm qua mặc cho cuộc đua có luôn “thiên biến vạn hoá”. Thế áp đảo của Grab có thể được lý giải bởi độ “lâu năm” trên thị trường, theo đó giúp nền tảng này phát triển được một lực lượng đối tác tài xế đông đảo với độ phủ dày đặc, đảm bảo chỉ cần khách hàng đặt là có xe ngay.

Mặt khác, trong thời gian tới, một khi Nghị định 86 được định hình rõ ràng, đón nhận những nền tảng công nghệ mới, đồng thời có những quy định bắt buộc đối với “xe công nghệ” để công bằng với taxi truyền thống có thể khiến sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn. Tuy nhiên, tạm gác lại mảng đặt xe, có thể thấy một cuộc đua khác cũng gay cấn không kém giữa 3 tay chơi Grab - Be - GoViet chính là “siêu ứng dụng”.

Siêu ứng dụng: Grab vẫn thắng thế?

Có thể thấy, trong cuộc chiến siêu ứng dụng của bộ 3 Grab - Be - GoViet, bên cạnh những cú bom khuyến mãi rầm rộ nhằm giữ chân khách cũ và “chiêu dụ” khách mới, các ông lớn cũng tích cực bành trướng hệ sinh thái dịch vụ của mình, từ di chuyển đến giao nhận đồ ăn, giao hàng và cả thanh toán không dùng tiền mặt, cạnh tranh nhau khốc liệt trên từng mảng thị trường lẫn tổng thể.

Vẫn giữ vững phong độ từ các năm trước, 2019 đánh dấu một năm “bội thu” của Grab trên cuộc đua siêu ứng dụng khi ngoài đặt xe, ông lớn này cũng đang giữ ngôi vương trên nhiều mặt trận bao gồm đặt đồ ăn, giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, GrabFood vẫn duy trì là nền tảng giao nhận thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam (theo Kantar), với số lượng đơn hàng được công bố tăng trưởng gần 1.800% trong năm 2019. Nền tảng này cũng đã triển khai mô hình “cloud kitchen” (căn bếp trung tâm) với 2 căn bếp GrabKitchen tại TP.HCM.

Dịch vụ thanh toán di động thông qua hợp tác chiến lược với Moca cũng vừa được Grab công bố mức tăng trưởng ấn tượng trong năm vừa rồi, với tổng lượng giao dịch thanh toán qua ví Moca trên ứng dụng Grab tăng 131%, số lượng người dùng tương tác hàng tháng cũng tăng hơn 121%. Dịch vụ giao hàng GrabExpress của ông lớn này cũng tăng trưởng 97% trong năm 2019.

Với GoViet, cuộc đua có phần “nhàn hạ” hơn khi  tính đến nay, nền tảng này chỉ mới triển khai được 3 dịch vụ cơ bản là GoBike, GoFood và GoSend. Trong năm qua, có thể thấy GoViet đã hết mình tập trung chăm lo cho “đứa con” GoFood của mình bằng loạt hoạt động quảng bá rầm rộ, cạnh tranh trực tiếp cùng GrabFood và Now. Nền tảng này cũng đã rục rịch tuyển dụng nhân sự gần nửa năm nay và cũng đang ráo riết chuẩn bị giấy phép để triển khai GoPay, nhưng cho đến nay vẫn hoàn toàn “im hơi lặng tiếng”. Trong khi đó, dịch vụ GoCar dù đã được cấp phép nhưng vẫn chưa rõ khi nào sẽ được GoViet triển khai.

Be - dù là tên tuổi “non nớt” nhất trong bộ 3, nhưng lại có cú “lội ngược dòng” so với người anh em áo đỏ khi đến nay đã bỏ túi được loạt dịch vụ đa dạng gồm beBike, beCar, beExpress, beDelivery, và mới đây là beLoyalty. Song, nền tảng này lại hoãn chưa có thời hạn việc triển khai beFood với lý do không muốn “đầu tư dàn trải” và tập trung cho mảng vận tải. Với sự tạm hoãn này, phải chăng Be đang đi theo chiến lược tập trung vào những dịch vụ “ngách” để tìm lấy chỗ đứng cho mình, hay đã “hụt hơi” trong công cuộc gọi vốn?

img

Grab dẫn đầu trên nhiều mảng dịch vụ.

Có thể thấy, ở khía cạnh phát triển theo hướng siêu ứng dụng, sự “áp đảo” của Grab có vẻ là điều quá đỗi hiển nhiên khi đã bỏ xa hai đối thủ GoViet và Be trên nhiều mảng dịch vụ. Không chỉ là tay chơi sở hữu hệ sinh thái đa dạng nhất bao quát từ đặt xe, đặt đồ ăn, giao hàng đến thanh toán di động, Grab còn khiến các đối thủ phải cảm thấy choáng ngợp trước các con số tăng trưởng trong năm vừa qua mà hãng này công bố.

Tài chính, nhân sự: Ai hơn ai?

Xét về tiềm lực tài chính, năm vừa qua, Grab từng khiến thị trường nhiều lần chao đảo khi đưa ra những gói khuyến mãi khủng. Mới đây nhất, ông lớn này đã mạnh tay tung khuyến mãi đồng giá 9k cho dịch vụ GrabCar khi người dùng di chuyển đến hoặc đi từ các quận trung tâm, hay trước đó không lâu cũng từng “bắt tay” Moca tung khuyến mãi thanh toán tiền điện... Về khoản “chịu chi” của Grab, ngay cả Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng đã từng cảm thán: “Không thể tưởng tượng được người ta "đốt tiền" cỡ nào. Người ta có thể tài trợ cho những người dùng ví điện tử 20% tiền điện cho cả cái đất nước này để đổi lấy tăng trưởng”.

Trong khi đó, GoJek, công ty mẹ của GoViet công bố nhận được đầu tư hơn 100 triệu USD vào đầu năm nay, thế nhưng, kết quả về thị phần của GoViet tại thị trường Việt Nam khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của khoản đầu tư này. Be, hãng xe công nghệ Việt cũng không ngại đối đầu với đàn anh “ngoại quốc” khi có chống lưng tài chính là một ngân hàng, nhưng khoản đầu tư cụ thể là bao nhiêu thì chưa một ai biết được.

Nhìn chung, có thể nói sự hậu thuẫn của GoJek dành cho GoViet hay những lần mạnh tay đốt tiền của Be cũng khó có thể thay đổi vị trí số 1 của Grab ở thời điểm hiện tại. Chưa kể, Go-Viet và Be còn phải đối mặt với bài toán nhân sự trước mắt khi những “đầu tàu” cốt cán lần lượt từ bỏ vị trí CEO. Suy cho cùng, chiến trận Grab - Be - GoViet cho đến nay chỉ là cuộc chiến tay đôi giữa Be và GoViet trong việc rút ngắn khoảng cách với Grab. Chiếc ghế CEO không thể bỏ trống quá lâu, hệ sinh thái cần được tiếp tục mở rộng, có lẽ chặng đường phía trước của GoViet và Be sẽ còn nhiều chông gai.

Cuộc chiến siêu ứng dụng giữa các “ông lớn” công nghệ

Trong khi Trung Quốc có WeChat thì Đông Nam Á có những cái tên như Grab và Go-Jek.