Dân Việt

Kỳ quan thiên nhiên “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam ẩn mình dưới chân đèo Mã Pì Lèng

Triệu Quang – Hoàn Như 29/01/2020 00:25 GMT+7
Nếu đã một lần đặt chân đến vùng cao nguyên đá Hà Giang, đi qua đèo Mã Pì Lèng, chắc hẳn mọi người không thể bỏ qua kỳ quan thiên nhiên này.

img

Sông Nho Quế màu xanh ngọc bích như một dải lụa mềm ôm lấy những chân núi đá cao sừng sững ở Hà Giang.

Sông Nho Quế - dải lụa mềm màu xanh ngọc bích

Hà Giang được mệnh danh là vùng địa đầu cực bắc của Tổ Quốc, nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những danh thắng hùng vĩ bậc nhất tại Việt Nam. Vùng đất này nổi tiếng bởi có cột cờ Lũng Cú, dinh thự vua Mèo, nhà của Pao, hoa tam giác mạch… và đặc biệt không nhắc đến đèo Mã Pì Lèng – một trong tứ đại đỉnh đèo của dải đất hình chữ S.

Đèo Mã Pì Lèng dài khoảng 20km nối 2 thị trấn Mèo Vạc và Đồng Văn. Với độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, Mã Pì Lèng được mệnh danh là con đèo hiểm trở nhất vùng núi phía Bắc với hàng loạt khúc cua tay áo.

Trong một chuyến công tác dịp giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi đã được “mục sở thị” con đèo này. Đứng từ trên đỉnh đèo, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi được chiêm ngưỡng một bức tranh tuyệt đẹp mà có lẽ nó vượt qua cả chuẩn mực của cái đẹp. Những ngọn núi đá cao chót vót, đứng sừng sững giữa đất trời. Dưới chân núi, dòng sông Nho Quế nước xanh màu ngọc bích uốn lượn như một dải lụa mềm.

img

Bến thuyền sông Nho Quế ngay dưới chân đèo Mã Pì Lèng phục vụ du khách ngắm cảnh núi non hùng vĩ.

Theo tìm hiểu của PV, sông Nho Quế bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có tên là sông Phổ Mai. Sông chảy vào Việt Nam tại xã Lũng Cú và Má Lé của huyện Đồng Văn, qua vực Hẻm Tu Sản (huyện Mèo Vạc) sau đó qua huyện Bắc Mê tạo thành sông Gâm. Khi đến Tuyên Quang, sông hợp thành sông Lô và nhập vào ngã ba sông Việt Trì đổ ra sông Hồng.

Cho đến bây giờ, vì sao con sông lại có màu xanh ngọc bích khi chảy qua Hà Giang vẫn là ẩn số với nhiều người. Chính màu xanh kỳ lạ ấy đã níu chân du khách mỗi lần đi qua đèo Mã Pì Lèng. Chỉ nhìn thôi, phong cảnh núi non hùng vĩ, sông nước nên thơ của Hà Giang đã làm say đắm mọi du khách.

Trước đây, mọi người chỉ có thể ngắm sông Nho Quế từ đỉnh Mã Pì Lèng nhưng giờ đây, một bến thuyền mới mở để phục vụ nhu cầu ngắm cảnh cho du khách. Từ đỉnh đèo, chúng tôi được một vài người mời chào đi thuyền, sau đó họ dẫn chúng tôi đi về hướng xã Xín Cái khoảng 5-7km nữa. Tại đây, có một biển chỉ dẫn xuống bến thuyền. Chúng tôi phải đi bộ xuống dốc chừng 1km nữa.

Quãng đường đi bộ khá xa và dốc, tiêu hao nhiều sức lực nhưng khi xuống đến bến thuyền, cảnh vật nơi đây không khiến chúng tôi phải hối tiếc. Nước sông Nho Quế xanh biếc và trong vắt, có chỗ nhìn được xuống cả đến đáy. Ngước mắt lên, những quả núi cao chọc trời, sừng sững khiến chúng tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước mẹ thiên nhiên.

Lựa chọn thuê một chiếc thuyền, chúng tôi chạy dọc sông Nho Quế và ngắm phong cảnh núi non hùng vĩ mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Hà Giang.  

img

Sông Nho Quế chảy qua 2 vách núi tạo nên hẻm vực Tu Sản – một sự kiến tạo vô cùng độc đáo của thiên nhiên.

Hẻm vực Tu Sản – “Đệ nhất hùng quan”

Chạy dọc sông Nho Quế, cách bến thuyền khoảng hơn 1km, người lái thuyền tên Hướng đưa chúng tôi đến một hẻm vực có tên Tu Sản. Hẻm vực nằm giữa khe núi cao. Ngước lên cảm giác như 2 quả núi chụm đầu vào nhau, uốn lượn theo con sông.

Anh Hướng giới thiệu với chúng tôi, hẻm vực Tu Sản là hẻm vực trên sông sâu nhất Việt Nam và được mệnh danh là “đệ nhất hùng quan”. Hẻm có độ sâu lên đến 900m, chiều dài đến hơn 1,7km. Đây là sự kiến tạo vô cùng độc đáo của thiên nhiên khi hàng triệu năm trước tất cả còn chìm dưới lòng đại dương. Và hàng trăm năm sau, khi nước rút làm lộ ra một tầng địa chất cực kỳ độc đáo chỉ của riêng Hà Giang.

Sông Nho Quế cũng như hẻm vực Tu Sản đều là những tuyệt tác vốn có từ thiên nhiên diệu kỳ. Chính nhờ sự độc đáo đó mà từ năm 2010, Mã Pì Lèng cùng cao nguyên đá Hà Giang đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, là niềm tự hào to lớn của người Hà Giang nói riêng và người Việt Nam nói chung.

img

Hẻm vực Tu Sản là hẻm vực trên sông sâu nhất Việt Nam và được mệnh danh là “đệ nhất hùng quan”.

Theo anh Hướng, trước đây, khi chưa có thủy điện sông Nho Quế, nước sông cạn và lòng sông hẹp hơn nên cảm giác hẻm vực Tu Sản cũng cao hơn. Từ khi có đập thủy điện ngăn sông trữ nước, nước sông dâng cao khiến lòng sông rộng ra.

Vách núi tạo nên hẻm vực Tu Sản có độ nghiêng khoảng 70 độ nên hầu như ánh nắng mặt trời không thể len lỏi hết xuống hẻm vực. Con thuyền chở chúng tôi bắt đầu đi vào gần hẻm vực, một cảm giác mát lạnh khác lạ so với lúc đi đoạn sông bên ngoài.

Gió ở đây thổi mạnh hơn, nước cũng mát và trong hơn. Do địa hình chủ yếu là núi đá nên cây cối ở đây cũng mọc thưa thớt, đa phần là cây bụi, dây leo. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp một vài con dê núi đang leo trên những vách đá kiếm ăn.

Do tập tục quen sống ở trên những vách núi cao của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang nên cạnh sông Nho Quế không phát triển làng chài như những vùng khác. Đi dọc sông một đoạn dài, chúng tôi chỉ bắt gặp một vài nóc nhà nhưng cũng cách sông khá xa.

Quả thực với đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, hẻm vực Tu Sản… Hà Giang đã được thiên nhiên ưu ái quá lớn. Những kỳ quan thiên nhiên này không chỉ được người dân Việt Nam mà cả thế giới công nhận. Cảnh sắc hùng vĩ nơi đây khiến ai đến một lần cũng choáng ngợp và tôi tin rằng, ai đã đến đây một lần sẽ muốn quay lại lần nữa nếu có cơ hội.

(còn nữa)

-------------------

Nhìn con sông Nho Quế thơ mộng, hiền hòa như bây giờ, chẳng ai nghĩ rằng, trên con sông này từng xuất hiện “thủy quái”. Mời quý độc giả đón đọc kỳ 2: Chuyện bắt “thủy quái” trên dòng sông thơ mộng dưới chân đèo Mã Pì Lèng vào lúc 0h30 ngày 30/1/2020 trên mục Tin tức trong ngày.

Bức tường 'xấu hổ' trên đỉnh Mã Pì Lèng

Đỉnh đèo Mã Pì Lèng – một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc Việt Nam (Mèo Vạc, Hà Giang) là điểm đến ưa thích của...