Dân Việt

Căng thẳng Mỹ - Iran ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Hồng Hương 09/01/2020 12:55 GMT+7
Theo các chuyên gia, tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ tạo ra nhiều yếu tố bất định tác động đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, gây áp lực đến các mục tiêu vĩ mô.

Trong những ngày gần đây, diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã tác động khiến giá vàng tăng sốc. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới cũng tăng hơn 3% vào cuối tuần trước và tăng tăng hơn 4,5% hôm 8/1 do căng thẳng tại khu vực Trung Đông với sự kiện Mỹ tấn công vào sân bay.

img

Diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran hết sức đáng lo ngại, sẽ tác động tới nền kinh tế thế giới

Đặc biệt, sau khi Mỹ giết vị tướng của Iran, hai bên đã lời qua tiếng lại và đưa ra những lời thách thức. Sự việc thực sự trở nên căng thẳng khi ngày 8/1, Iran tấn công 2 căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.

Giới chuyên gia đánh giá diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran là hết sức đáng lo ngại. Tác động từ leo thang căng thẳng đến kinh tế thế giới được dự đoán sẽ nặng nề bởi bên cạnh giá vàng, giá dầu, nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng và nguy cơ chao đảo hệ thống tài chính.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong tình hình như hiện nay, mặc dù giá vàng đã giảm mạnh so với hôm qua nhưng vẫn có nguy cơ bùng tăng trở lại và lên tới mức giá nào nữa thì không ai có thể định đoán được.

Về giá xăng dầu, theo ông Hiếu cũng sẽ tăng lên rất mạnh. Vàng và dầu là hai thứ tài sản liên quan tới Trung Đông – vùng có sức ảnh hưởng rất nhiều đến hai loại tài sản này.

Tại Việt Nam, vàng trong nước cũng đang có chuyển biến mạnh; giá xăng dầu trong nước, trong đó có giá dành cho người tiêu dùng chưa tăng, nhưng theo biến chuyển giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng như hiện nay thì trong thời gian tới, giá xăng dầu ở Việt Nam sẽ tăng.

“Tại thời điểm này, thực sự khó mà dự báo giá vàng và giá xăng dầu tăng ở mức nào vì mọi người cũng đang chờ phản ứng của Mỹ. Nếu Mỹ phản ứng, khi xảy ra cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran thì giá vàng và giá dầu sẽ tăng với mức mà không ai có thể dự đoán được. Đặc biệt là giá vàng, vượt 1.600 USD là chắc chắn rồi, nhưng liệu có lên tới 1.800 USD không thì vẫn đang là câu hỏi và có khả năng có thể xảy ra; tương tự giá dầu có thể lên 100 USD/ thùng” – ông Hiếu nhận định.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trước đây đã từng có những lần xung đột giữa Mỹ và Iran, khi Iran tấn công tàu chở dầu, tấn công quân đội cách mạng hồi giáo hoặc tấn công tàu chiến của Mỹ, nên cũng đã có căng thẳng nhưng sau đó lại dịu đi. Nhưng lần này, mức độ xung đột trầm trọng hơn nhiều khi Mỹ giết hại vị tướng hàng đầu của Iran – là một cuộc tấn công trực tiếp vào quốc gia hồi giáo Iran.

“Nếu chiến tranh xảy ra sẽ tác động đẩy giá dầu và giá vàng tăng. Vấn đề ngoại thương, xuất nhập khẩu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng và từ đó sẽ ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam. Tại Việt Nam sẽ có biến động trên thị trường dầu hỏa và thị trường vàng, từ đó có ảnh hưởng tới nền kinh tế trong nước.

Thực sự không ai có thể lường trước được hậu quả của nó như thế nào. Đối với Việt Nam, căng thẳng này sẽ tác động tới nền kinh tế và tăng trưởng của Việt Nam, bởi tăng trưởng và GDP của Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng tới gần 2 lần /GDP (hơn 500 tỷ USD), trong khi GDP của nước ta là 269 tỷ. Do đó, nếu chiến tranh xảy ra kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề” ông Hiếu phân tích.

Tương tự, theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, giá dầu tăng 3% - 4% trong những ngày qua chưa thể coi là mức tăng sốc bởi hoàn toàn nằm trong dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, vấn đề là chưa thể xác định được mức độ leo thang căng thẳng sẽ đến đâu. Do đó, sẽ có nhiều yếu tố bất định, khó lường ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam.

"Giá dầu bị tác động đầu tiên và trực tiếp nhưng cũng rất khó đoán diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường đang diễn biến theo chiều hướng xấu và với một quốc gia có độ mở cửa nền kinh tế lớn như Việt Nam thì tác động lại càng lớn. Tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, đầu tư và kinh tế chung của thế giới. Khi tăng trưởng của thế giới đang giảm tốc, cộng với tác động từ những bất ổn chính trị, rõ ràng nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì các mục tiêu tăng trưởng, lạm phát sẽ là áp lực nặng nề với Chính phủ" - TS Võ Trí Thành nhận xét. 

Một chuyên gia khác cũng cho rằng, nếu diễn biến giữa hai nước căng thẳng và phức tạp hơn, các cơ quan quản lý Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ biến động trên thị trường để có những điều chỉnh thích hợp, tránh bị động trong mọi tình huống. Tác động từ căng thẳng không chỉ ở vòng ngoài là giá dầu mà còn ảnh hưởng đến hàng loạt sản phẩm khác như phân bón, sản phẩm của ngành năng lượng, thậm chí cả tiền tệ và tỉ giá. Cơ quan có nhiệm vụ quan trọng trong việc theo dõi và tham mưu ứng phó kịp thời chính là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Ở tầm vĩ mô, chuyên gia này nhìn nhận căng thẳng tại Trung Đông không ảnh hưởng trực tiếp đến những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, nên nhiều khả năng mục tiêu xuất khẩu trong năm 2020 sẽ hoàn thành.

Như vậy, việc phải điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô có thể chưa cần nghĩ đến bởi xuất khẩu là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế vẫn có khả năng giữ được phong độ ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh leo thang căng thẳng, Việt Nam cũng phải chuẩn bị tinh thần trước nguy cơ đường vận tải qua Trung Đông bị đình trệ, giao thương với khu vực này và qua khu vực này đến các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng.

Căng thẳng Mỹ - Iran: Hàng không chuyển hướng, du lịch lo lắng

Vietnam Airliness chuyển hướng các chuyến bay giữa Việt Nam và châu Âu tránh khu vực căng thẳng tại Trung Đông; các công ty...