Dân Việt

Lo làm OCOP ào ạt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT chỉ đạo siết chặt

Khương Lực 09/01/2020 11:02 GMT+7
Lo ngại việc chạy theo ào ào trong định hướng phát triển cũng như thẩm định, chứng nhận sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã lên tiếng chấn chỉnh, đề nghị các địa phương siết chặt việc thẩm định, công bố và thực hiện đúng chu trình OCOP theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ và Chính phủ.

“Chúng ta làm chậm lại, không quá ào ạt nữa. Chậm mà chắc. Tiền chúng ta nên bỏ vào giúp cho các hộ nông dân, các HTX chuẩn hóa những cái người ta đang cần còn hơn đi làm cái thương hiệu ở bao bì. Tôi chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về vấn đề này, không nhất thiết phải chạy theo ào ào”.

 Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã chỉ đạo như vậy khi dự họp với các địa phương phía Bắc để đánh giá kết quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến hết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, diễn ra ngày 8/1.

img

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo làm OCOP chậm nhưng chắc.

Trong vòng  1,5 năm triển khai thực hiện, đến nay 19 tỉnh, thành đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận cho 900 sản phẩm OCOP, đạt 33,16% so với kế hoạch đến hết năm 2020 có 2.400 sản phẩm được công nhận. Trong đó, có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao, 275 sản phẩm đạt 4 sao và 585 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, đã có gần 3.300 tổ chức kinh tế đăng ký tham gia sản xuất sản phẩm OCOP với nguồn lực trên 10.000 tỷ đồng.

Trong năm 2020, các địa phương phải tiếp tục công nhận cho khoảng 1.500 sản phẩm nữa. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Trong khi đó, thống kế của 61 tỉnh thành phố đã phê duyệt đề án, kế hoạch thực hiện chương trình OCOP (còn tỉnh Tây Ninh và Kiên Giang chưa thực hiện), tổng số sản phẩm dự kiến chuẩn hóa OCOP đến hết năm 2020 là 3.843 sản phẩm. 500 phương án, dự án sản xuất kinh doanh được đề xuất và được Nhà nước hỗ trợ triển khai.

 Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn phải đặt ra lúc này là phải làm gì để phát triển các sản phẩm OCOP đúng hướng, thực chất và đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng vàng thau lẫn lộn, hay cách làm hình thức tiêu tốn tiền của của nhà nước và xã hội.

“Bản chất sản phẩm OCOP là gì? Hay bây giờ chỉ là thương hiệu để đi vô các gian hàng hay là chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng? Chúng ta phải suy nghĩ điều này, nếu không thì lại chạy theo hình thức” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặt vấn đề và tự giải thích: “Sản phẩm OCOP có 2 tiêu chuẩn cơ bản, đó là sức mạnh cộng đồng và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa”.

img

PGS. TS Trần Văn Ơn: “Mất nửa buổi để cãi nhau” mới ngã ngũ, quyết định đây là sản phẩm trà. Ảnh: K.Lực

Tiếp đón và làm việc với ông Yasushi Tanaka, Phó chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mới đây, mặc dù nhận được lời hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ chương trình, nhưng Thứ trưởng Trần Thanh Nam vẫn tỏ ra lo lắng. “Ông ấy rất lo ngại và một điều ông khuyên tôi là sợ chương trình Việt Nam lại đi vào vết xe đổ của các chương trình của các nước khác - đó là đi sai mục đích của chương trình OCOP”.

Thứ trưởng dẫn chuyện được ông Yasushi Tanaka đưa đến xem một cơ sở có 60 phụ nữ làm cơm nắm: “Tới đó, tôi dự định ở lại 1h, nhưng rồi đã ở lại 3h để nghe chị chủ nhiệm cơ sở - người đã lớn tuổi kể chuyện. Chị nói, đã huy động 60 người ở các gia đình rảnh giờ nào thì đăng ký làm. Nhiệm vụ làm cơm nắm có 3 loại thứ chính là: gạo, củ cải và gà. Chị ấy phân ra bao nhiêu hộ trồng lúa, nuôi gà và củ cải để gắn kết, huy động sức mạnh sản phẩm của địa phương huy động. Mỗi năm cơ sở này bán được 5 triệu đô và chính quyền đề nghị hỗ trợ nhưng họ không nhận”.

PGS. TS Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật (Đại học Dược Hà Nội) - Tư vấn trưởng Chương trình OCOP quốc gia cho rằng, với nguồn lực rất lớn đến hàng chục nghìn tỷ đồng, tuy nhiên chúng ta chưa nhận thức tầm quan trọng trong phát triển sản phẩm OCOP.

“Nhiều địa phương có xu hướng tập trung vào sản phẩm chủ lực của mình. Có nghĩa là đã đi ngược lại quy tắc OCOP - chúng ta đã chỉ định sẵn phải làm cái này, cái kia và xác định phải lớn, ra tấm, ra món. Điều này có thể đẩy người dân vào thế khó khăn khi chưa đủ khả năng quản lý và cũng chưa biết có bán được sản phẩm hay không”.

Theo PGS. TS Trần Văn Ơn, chúng ta phải quán triệt 3 trục sản phẩm của Bộ NNPTNT, trong đó sản phẩm OCOP thuộc trục thứ ba là sản phẩm cấp cộng đồng. “Việc chỉ định người dân làm thì chúng ta nên hạn chế và đừng làm vấn đề này trong năm 2020. Chúng ta cần tuân thủ nghiêm túc chu trình OCOP để cho người dân tự nguyện đăng ký tham gia. Chúng ta có thể gợi ý, nhưng chúng ta không ép buộc người dân phải lựa chọn cái này, cái kia”.

PGS.TS Trần Văn Ơn đánh giá cao tỉnh Bắc Kạn và Quảng Nam đã có đoàn liên ngành xuống hỗ trợ người dân triển khai sản phẩm OCOP. “Việc xuất hiện đoàn liên ngành không phải là đi phạt mà đi hỗ trợ người dân là một điểm rất sáng trong chương trình OCOP. Nó thể hiện Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và bứt phá. Đây là điểm không chỉ riêng tôi mà cộng đồng đánh giá rất cao và là điểm nên phát huy trong năm 2020 và các giai đoạn tiếp theo” - PGS. TS Trần Văn Ơn bình luận.

Ngoài những địa phương tích cực như trên, theo PGS. TS Trần Văn Ơn, một số tỉnh đang “khoán trắng” cho ngành NNPTNT thực hiện chương trình OCOP trong khi sản phẩm này liên quan đến nhiều ngành khác nhau như: du lịch, công thương, y tế…

Trong khi đó, bộ máy, nhân lực từ Trung ương đến địa phương bố trí để thực hiện chương trình đều chưa đáp ứng. Thêm vào đó, việc phân định hàng hóa, rồi thẩm định hiện nay nhiều khi cũng chưa rõ ràng và mất nhiều thời gian, công sức.

Tại Quảng Nam, hiện có rất nhiều loại trà như: trà lá sen, trà khổ qua, trà giảo cổ nam… Nhưng, để phân định, xếp vào ngành hàng nào thì gặp rất nhiều khó khăn. Lãnh đạo Sở NN&PTNT phải “mất nửa buổi để cãi nhau” mới ngã ngũ, quyết định đó là sản phẩm trà chứ không phải thực phẩm chức năng.

Ngay tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã nhiều lần nhắc đến trường hợp lãnh đạo ngành NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh “bơ phờ” vì mất mấy ngày, đêm lao lực để thẩm định, công bố các sản phẩm OCOP đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh.

Làm ít bán đắt hay làm nhiều bán rẻ?

Theo kinh nghiệm của tôi, giả sử có 100 HTX, doanh nghiệp, người dân đăng ký tham gia OCOP, sau một thời gian 3-5 năm thì sẽ có 30% sẽ phải phá sản do không hòa vốn, không bán được sản phẩm, do quản lý kém, do mất đoàn kết…

Còn lại 70% qua được hòa vốn vì không đầu tư quá lớn. Những kẻ sống sót này sẽ đi theo hai hướng: Thứ nhất, duy trì sản xuất đặc sản “làm ít mà bán đắt”. Lúc này người dân sẽ là doanh nghiệp, HTX nhỏ, siêu nhỏ và trung bình; Thứ hai, chỉ có khoảng 20% mở rộng quy mô, diện tích… mà không ảnh hưởng chất lượng thì đi theo hướng làm nhiều nhưng phải bán rẻ. Lúc này, họ sẽ gặp phải đối thủ cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp khác như Tập đoàn TH cũng như các tập đoàn kinh tế nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Người dân chúng ta rất khó có thể đi theo hướng này.

PGS. TS Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật (Đại học Dược Hà Nội)