Dân Việt

Xung đột Mỹ - Iran: Chuyên gia quân sự đưa ra 3 kịch bản đáng chú ý

Thành An (thực hiện) 09/01/2020 11:59 GMT+7
Trả lời phỏng vấn của PV Dân Việt, Đại tá Lê Thế Mẫu – chuyên gia quân sự Việt Nam nhận định, tính chất khốc liệt của cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran phụ thuộc vào các kịch bản diễn ra, trong đó ông nêu ra 3 kịch bản đáng chú ý.

Đại tá Lê Thế Mẫu - nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng) trao đổi với Dân Việt về việc cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran.

img

Đại tá Lê Thế Mẫu - nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng).

Thưa ông, để đáp trả hành động của Mỹ tấn công sát hại tướng Qasem Soleimani - Tư lệnh Quân đoàn Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran (IRGC), Teheran đã phóng hàng chục tên lửa đạn đạo vào căn cứ không quân Ain al-Asad của Mỹ ở Iraq. Ông có bình luận và phân tích gì về sự kiện này?

- Đại tá Lê Thế Mẫu: Trước hết cần nhận thấy rằng, đòn tấn công của IRGC bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào căn cứ không quân Ain al-Asad là hành động được dự đoán là tất yếu sau khi Mỹ tấn công sát hại tướng Qasem Soleimani -một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn ở Iran, chỉ đứng sau lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. 

Ngoài ra, việc Quân đội Mỹ tấn công sát hại tướng Qasem Soleimani có tác động như “giọt nước tràn ly”, đã đẩy mâu thuẫn đối kháng giữa Mỹ và Iran leo thang tới đỉnh cao nhất kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran, và đã vượt qua “lằn ranh đỏ” trong quan hệ giữa các quốc gia. 

Hành động đáp trả đó của Iran là dễ hiểu bởi việc Mỹ tấn công sát hại tướng Qasem Soleimani không chỉ là hành động vi phạm cực kỳ nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà còn đụng chạm đến niềm tự tôn của một dân tộc có lịch sử nhiều ngàn năm văn hiến và là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. 

Đòn tấn công của Iran còn chứng tỏ chính quyền Teheran hoàn toàn không run sợ trước lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tấn công vào 52 công trình và cơ sở kinh tế và văn hóa của Iran. Một tình tiết đáng chú ý là các tên lửa tấn công của Iran tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ được bảo vệ rất cẩn mật mà không bị đánh chặn chứng tỏ khả năng phòng không của các tên lửa Patriot của Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ sân bay này là không có hiệu quả. 

Xung đột giữa Mỹ và Iran sẽ dẫn đến những hiểm họa khốc liệt như thế nào đối với thế giới, thưa ông?

- Đại tá Lê Thế Mẫu: Tính chất khốc liệt của cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran phụ thuộc vào các kịch bản diễn ra. Theo nhận định của ông Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao của Iran, hiện có 13 kịch bản hành động đáp trả của Teheran đã được thảo luận trong Hội đồng, trong đó ngay cả khi kịch bản đáp trả với cường độ xung đột ở mức thấp nhất cũng có thể là “cơn ác mộng” đối với người Mỹ. Nhìn chung, sẽ có mấy kịch bản đáng chú ý. 

Theo kịch bản 1, Iran sẽ đáp trả bằng các cuộc tấn công hạn chế, tương tự như cuộc tấn công vào căn cứ không quân Ain al-Asad trong ngày 8/1/2020 và Mỹ sẽ không có phản ứng đáp trả thái quá và hai bên chấp nhận dừng lại ở mức độ đó. Có lẽ phía Mỹ đã nhận thấy sai lầm nghiêm trọng khi sát hại tướng Qasem Soleimani của Iran. 

Theo kịch bản 2, Iran sẽ tiến hành “cuộc chiến tranh phi đối xứng” bằng cách sử dụng các lực lượng có tư tưởng chống Mỹ khá đông đảo ở Trung Đông để tiến hành các cuộc tấn công vào các lực lượng và các mục tiêu của Mỹ trong khu vực.

Theo kịch bản 3, các hành động đáp trả của Teheran sẽ bị Mỹ phản ứng lại bằng các cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Iran. Theo kịch bản này, hai bên sẽ chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng vũ khí thông thường và có thể sẽ leo thang thành cuộc chiến tranh khu vực, giữa một bên là Iran và các lực lượng ủng hộ họ, với bên kia là Mỹ với các đồng minh như Arab Saudi và Israel. Ngoài Vương quốc Anh, có rất ít khả năng các nước thành viên khác trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tham gia cùng với Mỹ theo Điều 5 của Hiến chương NATO.

Tính chất khốc liệt của cuộc chiến sẽ tương tự như chiến tranh Cosovo năm 1999 hoặc chiến tranh Iraq năm 2003. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, Mỹ tuy có sức mạnh quân sự vượt trội nhưng sẽ khó đánh bại Iran và rất có thể sẽ phải gánh chịu một “Việt Nam thứ hai” như Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã từng cảnh báo. 

Theo ông, xung đột giữa Mỹ-Iran sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam như thế nào?

- Đại tá Lê Thế Mẫu: Xung đột giữa Mỹ và Iran sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế thế giới, trước hết không chỉ bởi cuộc chiến này sẽ làm tắc nghẽn hoàn toàn tuyến giao thông huyết mạch của toàn thế giới đi qua eo biển Hormus, khiến giá dầu leo thang và sẽ tác động tiêu cực tới các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông. Ngoài ra, sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản và EU vào khu vực Trung Đông, trước hết là Iran và Iraq. Chiến tranh giữa Mỹ và Iran sẽ làm phá sản tiến trình chính trị đang diễn ra ở Syria và sẽ làm trầm trọng hơn bao giờ hết làn sóng di cư ồ ạt từ Trung Đông tới châu Âu và nhiều nước khác, sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn về kinh tế-xã hội đối với các nước tiếp nhận người di cư.

Việt Nam có quan hệ kinh tế cả với Mỹ và các nước trong khu vực Trung Đông, nên không thể tránh được tác động tiêu cực từ cuộc xung đột này.

Thưa ông, nếu chiến tranh giữa Mỹ và Iran bùng phát liệu có thể dẫn tới khả năng Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân? 

- Đại tá Lê Thế Mẫu: Một khi đứng trước nguy cơ phải gánh chịu một “Việt Nam thứ hai”, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Iran. Trong trường hợp đó, chiến tranh sẽ vô cùng khốc liệt và có nguy cơ leo thang thành chiến tranh tổng lực. Kịch bản này khiến thế giới nhớ lại sự kiện Đại công tước Franz Ferdinand của Đế chế Áo-Hung bị một phần tử dân tộc chủ nghĩa người Serbia  ám sát đã từng châm ngòi cho Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914-1918).

Trên thực tế, Chiến tranh thế giới lần thứ I nổ ra xuất phát từ sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ với các cường quốc thế giới ở châu Âu vào thời điểm thế giới đang trải qua thời kỳ quá độ từ cách mạng công nghiệp 2.0 tới cách mạng công nghiệp 3.0. 

Hiện nay, thế giới cũng đang ở trong thời kỳ quá độ từ cách mạng công nghiệp 3.0 tới cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó cũng đang diễn ra sự cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ với các cường quốc thế giới như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Anh, Pháp v.v. 

Trong đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump với chủ trương “Make America Great Again” đang không từ bất cứ một thủ đoạn chiến lược nào để đánh bại các đối thủ cạnh tranh. 

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Nga V.Putin đã phải nghiên cứu phát triển các loại vũ khí hạt nhân hoàn toàn mới và công khai tuyên bố trước toàn thế giới nhằm ngăn chặn những quyết định sai lầm chết người của “những cái đầu nóng” đang mưu toan phát động một cuộc chiến tranh thế giới mới với toan tính cực kỳ phiêu lưu là sẽ giành phần thắng.

Xin cảm ơn ông!