Dân Việt

Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí còn bất cập

02/03/2012 19:11 GMT+7
(Dân Việt) - Sau 4 năm áp dụng, Quy chế phát ngôn vẫn còn 2 điều chưa được, đó là chất lượng thông tin và vai trò người phát ngôn chưa được như mong muốn; định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí vẫn còn nhiều bất cập.

Ngày 1.3, tại Hội thảo “Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” do Bộ TTTT và Đại sứ quán Anh đồng chủ trì tổ chức tại TP.Hải Dương, ông Trần Thế Tuyển – Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng, sau 4 năm áp dụng Quy chế phát ngôn vẫn còn 2 điều chưa được, đó là chất lượng thông tin và vai trò người phát ngôn chưa được như mong muốn; định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Phạm Đức Hải - Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cũng chia sẻ, sau 4 năm thực hiện Quy chế về phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí, khá nhiều cơ quan đã thực hiện tốt, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chính xác. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có hai chữ “hơn”, đó là: Nhanh hơn và chủ động hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ TTTT cần tăng cường kiểm tra hướng dẫn các cơ quan thực hiện đúng quy chế, đồng thời có chế tài đối với những người thực hiện chưa đúng. Các cơ quan báo chí cũng cần thu ngắn khoảng cách giữa người phát ngôn cung cấp thông tin và người thể hiện nội dung được phát ngôn đó.

Theo ông Hoàng Hữu Lượng – Cục trưởng Cục Báo chí, có thể xem đây như buổi tổng kết sau 4 năm thực hiện nhằm giúp cho các cơ quan chức năng nhiều hơn nữa trong việc thực hiện quy chế phát ngôn. Ông Antony Stokes - Đại sứ Anh tại Việt Nam nói, trong thời kỳ toàn cầu hoá như hiện nay, với sự nở rộ của các trang mạng xã hội thì vai trò của người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí càng quan trọng. Điều này thể hiện sự minh bạch, cởi mở, công khai của các cơ quan công quyền, qua đó nâng cao hơn hình ảnh, vị thế của đất nước Việt Nam.