Một thời “tay bị tay gậy” đi ăn xin
Những ngày cuối năm, chúng tôi mới có dịp ghé thăm xã Ích Hậu. Khác với trí tưởng tượng về ngôi làng một thời nổi tiếng hành nghề ăn xin, Ích Hậu nay đã trở nên giàu có, đường làng được bê tông hóa với nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát nhau.
Dù đang tất bật dọn dẹp nhà cửa để đón tết, nhưng khi nhắc về quá khứ một thời cùng cực, các bậc cao niên trong làng vẫn nhớ như in. Trong tâm trí của các cụ, Ích Hậu là một mảnh đất nghèo nhất huyện Lộc Hà thời bấy giờ. Là một vũng trũng không có điện, nước sạch, hệ thống thủy lợi không đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên cái đói cứ bủa vây lấy người dân xã Ích Hậu năm này qua tháng khác.
Theo các bậc cao niên trong làng, Ích Hậu xưa kia là một vùng trũng, không có đê ngăn mặn nên mỗi lần gieo lúa xuống ruộng, chỉ cần nước mặn tràn vào thì cả cánh đồng trắng xóa
Những năm 1978, Ích Hậu liên tiếp hứng chịu nhiều đợt hạn hán, lụt bão khiến ruộng đồng khô cằn, đất đai nhiễm mặn, nhà cửa bị tàn phá tiêu điều. Cái đói “rụng rời” đã khiến nhiều người phải rời xóm, rời làng đi ăn xin khắp các tỉnh miền Bắc.
Năm nay đã bước qua tuổi 87 nhưng bà PhanThị Châu (ngụ tại thôn Thống Nhất) vẫn không thể quên về nạn đói năm ấy. Bà kể, cứ khoảng 3 đến 4 giờ sáng là chồng bà và mọi người trong làng phải thức dậy “tay xách” chia nhau đi các ngả ăn xin. Mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 10 đến 15 ngày, may mắn thì mỗi chuyến đi được vài ba kg gạo, những chẳng may gặp phải cướp dọc đường thì chuyến đi ấy mất trắng, có khi còn bỏ mạng xứ người.
“Năm 1978 là trận đói lịch sử, ruộng đồng khô cằn. Cái đói bủa vây, cực chẳng đã chúng tôi mới phải lang bạt khắp nơi để xin gạo, xin áo quần để mong duy trì sự sống cho các con”, bà Châu nói.
Nạn đói năm 1978, chưa kịp khôi phục người dân vẫn quay cuồng trong cảnh đói, khát thì năm 1984, đại hạn lại một lần nữa giáng xuống đầu họ. Khiến những con người đang phải sống trong cảnh “lay lắt” vì đói nay lại càng cùng cực hơn.
Bà Nguyễn Thị Lập (73 tuổi, trú tại xóm Lương Trung, xã Ích Hậu) kể, năm ấy, từ đầu làng đến cuối xóm nhìn ai cũng gầy gò, ốm yếu, cơ thể run lên vì đói. Có thời điểm họ phải uống nước lã để duy trì sự sống, khổ lắm.
Cũng theo bà Lập, ngày ấy chồng bà mới đi bộ đội về, trong nhà không có nổi một hạt gạo, 4 đứa con nheo nhóc run lên vì đói buộc bà phải tha hương “tay bị” đi ăn xin.
Bà Nguyễn Thị Lập (73 tuổi, trú tại xóm Lương Trung, xã Ích Hậu) kể, hạn hán liên tiếp kéo dài khiến cuộc sống người dân xã Ích Hậu cùng cực, cực chẳng đã họ mới phải tha hương đi ăn xin
“Mặc dù biết nếu tôi đi thì ông nhà sẽ bị chính quyền cắt Đảng nhưng ông đành chấp nhận để tôi đi để các con được sống. Đến bây giờ tôi hối hận lắm, nhưng ngày đó nếu tôi không đi thì không biết các con liệu có còn sống đến tận bây giờ”.
Trong kí ức của ông Nguyễn Sơn Quân – Chủ tịch UBND xã Ích Hậu, nạn đói năm 1984 cũng khủng khiếp không kém năm 1978. Nạn đói hoành hành khiến đời sống người dân kiệt quệ, họ buộc phải tha hương ăn xin nhằm tìm kiếm sự sống.
“Gia đình tôi có 11 miệng ăn, tôi nhớ từ khi nhỏ đến tầm 18 tuổi, tôi chưa biết một bữa no là thể nào”, ông Quân nói.
Giã từ bị, gậy vươn lên làm giàu
Quá khứ đã lùi xa, dọc đường làng “cái bang” giờ đây được bê tông hóa với nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang nằm san sát nhau. Từ một xã nghèo, Ích Hậu đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, hướng tới phát triển bền vững.
Nói về Ích Hậu ngày nay, bà Võ Thị Long (74 tuổi, xóm Lương Trung, xã Ích Hậu) vui mừng chia sẻ, làng ăn xin nay đã khác rồi. Bây giờ người dân không còn ai đi ăn xin nữa, họ đã từ bỏ “tay gậy” vươn lên làm giàu bằng các ngành nghề khác nhau.
Không dấu nổi niềm tự hào, bà Phan Thị Châu (ngụ tại thôn Thống Nhất) nói: “Cái năm đói khổ qua rồi, giờ đây đi đâu cũng đường bê tồng, nhà cao tầng mọc lên san sát. Sau bao năm vất vả, sống trong căn nhà tranh vách đất, nay được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ xây căn nhà mới. Tết năm nay, tôi được đón tết trong căn nhà mới khang trang rồi”.
Nói về Ích Hậu ngày nay, các bậc cao niên trong làng vui mừng chia sẻ, làng ăn xin nay đã khác rồi. Không còn cảnh phải đi ăn xin, thay vào đó mọi người vươn liên làm giàu bằng các ngành nghề khác nhau
Ông Nguyễn Sơn Quân – Chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho hay, những năm sau nạn đói hoành hành, hệ thống thủy lợi, đê điều, đường, trường học được đầu tư xây dựng nên người dân xã Ích Hậu đã từ bỏ việc đi ăn xin để tập trung sản xuất nông nghiệp. Cũng theo ông Quân, từ khi có đê ngăn mặn đã mang lại những vụ mùa đạt năng suất cao nên đã giúp bà con thoát khỏi cảnh đói kém, bắt đầu có của ăn, của để.
“Hiện nay, Ích Hậu chỉ còn 3,3% hộ nghèo và 5,2% hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35,8 triệu đồng/năm. Sau một thời gian nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương, năm 2015 Ích Hậu đã về đích NTM và đang hướng tới phát triển bền vững”, ông Quân nói.
Sau thời gian nỗ lực phấn đấu, năm 2015 Ích Hậu đạt chuẩn xã NTM và hướng tới phát triển bền vững
Chào những người dân Ích Hậu ra về mà lòng tôi vui đến lạ, một mùa tết nữa lại đang cận kề, bỏ xa quá khứ đen tối người dân Ích Hậu nay đã có một cuộc sống mới. Họ trở nên giàu có, gương mặt của mỗi người dân tôi gặp đều ánh lên một niềm tự hào.