Dân Việt

Cử tri lo “cò đất” lộng hành, Bộ Xây dựng nói gì?

Trần Kháng 10/01/2020 06:30 GMT+7
Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản để có các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường bất động sản nói chung và quản lý hoạt động môi giới bất động sản nói riêng.

Trả lời kiến nghị của cử tri về việc tình trạng “cò đất” hoạt động công khai, dù chưa được pháp luật công nhận và điều chỉnh, Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật về kinh doanh bất động sản hiện hành đã có khung pháp lý khá hoàn chỉnh và đầy đủ để điều chỉnh, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, trong đó có dịch vụ môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đất” lộng hành. Đây là hoạt động không theo quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà môi giới chuyên nghiệp. Các cơ quan chức năng của địa phương cũng chưa có các giải pháp kịp thời để quản lý chặt chẽ các hoạt động môi giới.

Để khắc phục vấn đề nêu trên, Bộ Xây dựng cho rằng, các địa phương cần tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đốn đốc các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản nói chung, hoạt động môi giới bất động sản nói riêng để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch.

img

Gần 90% nhân viên môi giới bất động sản hoạt động chưa có chứng chỉ hành nghề. (ảnh minh hoạ)

Thực tế, thị trường bất động sản luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường với các “cơn sốt” ảo. Tiếp tay cho những rủi ro đó chính là các “cò đất” - những người môi giới làm ăn chụp giật, thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật để kiếm lời... 

Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) tháng 7/2019 về việc Kiến nghị các giải pháp chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật hiện nay, cả nước có khoảng 300.000 nhân viên môi giới, thì chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Đồng nghĩa với việc chỉ có khoảng 90% nhân viên môi giới chưa qua qua đào tạo, dẫn đến hoạt động môi giới bị thả nổi, chất lượng thấp, thiếu tính chuyên nghiệp.

Câu chuyện này đang diễn ra phức tạp, đặc biệt tại những địa phương có thị trường bất động sản khá sôi động như: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng hay những vùng từng được quy hoạch thành đặc khu. Đứng trước vấn nạn này, các cơ quan chức năng vẫn chưa có những giải pháp khắc phục triệt để, rốt ráo.

Trong khi đó, vấn nạn “cò đất” lộng hành đang để lại những hệ lụy nghiêm trọng, gây mất niềm tin. Bởi, khi cảm thấy những bất an, rủi ro nhà đầu tư có thể sẽ quay lưng lại với thị trường. Đồng thời, cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người làm môi giới bất động sản chân chính, nghiêm túc với nghề.

Trao đổi về chất lượng môi giới bất động sản hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc quá nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng đã vội vã tham gia thị trường đã tạo ra nhiều hệ lụy bất cập, khiến các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, việc thiếu nghiêm túc trong hoạt động môi giới, chạy theo hoa hồng, phó mặc quyền lợi khách hàng, thậm chí thổi giá, lừa đảo chính là nguy cơ và mầm mống dẫn đến những biến động bất thường của thị trường như giai đoạn trước đây.