Dân Việt

Dịch bệnh trên tôm: Nguy cơ mất nhiều thị trường

02/03/2012 08:38 GMT+7
(Dân Việt) - Dịch bệnh đang khiến hàng loạt đầm tôm ở ĐBSCL mất trắng làm người nuôi đứng ngồi không yên. Tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài trong năm nay.

Dịch bệnh gia tăng

Năm 2011 có gần 97.700ha tôm nuôi ở ĐBSCL bị chết do dịch bệnh. Năm nay tình hình cũng không khả quan hơn. Vào vụ mới 2012 chưa được bao lâu mà 500/1.200ha tôm thẻ chân trắng của Sóc Trăng đã bị dịch bệnh. Trà Vinh có hơn 600ha tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến mới thả giống được 1 tháng cũng bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan. Tương tự, hơn 20% trong tổng số 3.500ha diện tích tôm thâm canh, bán thâm canh của Cà Mau cũng “dính” bệnh.

img
Thu hoạch tôm tại Cầu Ngang, Trà Vinh.

“Nuôi tôm là ngành siêu lợi nhuận nhưng cũng siêu rủi ro trong tình hình dịch bệnh lan tràn như hiện nay. Năm rồi, nước mắt tui chưa kịp khô khi nhìn tôm chết nổi trắng đầm thì năm nay lại tiếp tục đứng ngồi không yên” - ông Trần Văn Của - Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Nhị Nguyệt (xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản II cũng cho rằng nuôi tôm giống như một số ngành nông nghiệp khác trong nước: Nhỏ lẻ, manh mún, người dân chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm. Hệ thống thủy lợi vùng nuôi không đảm bảo, chưa có con giống tốt… cũng là những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ dịch bệnh trong nuôi tôm.

Nghiêm trọng hơn, ông Hảo và các nhà khoa học cảnh báo dịch bệnh trên tôm năm nay sẽ tiếp tục tái diễn và có thể sẽ gây ra thiệt hại nặng nề hơn cho người nuôi do nguồn nước trong môi trường tự nhiên bị ô nhiễm nặng.

Giám sát nhập tôm giống

Tổng cục Thủy sản cũng cảnh báo, trước tình trạng dịch bệnh tràn lan, tôm chết nhiều, người dân đã tự xử lý bằng nhiều loại hóa chất có nguy cơ gây hại cho con người. Việc này dẫn tới hệ quả xấu là con tôm có nguy cơ mất nhiều thị trường lớn do nhiễm kháng sinh.

“Trong năm nay, chúng ta có nguy cơ mất thị trường Nhật và một số thị trường châu Âu nếu không nghiêm túc chấn chỉnh ngay tình trạng nhiễm kháng sinh trong tôm nuôi” - ông Lê Minh Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho biết. Để giải quyết triệt để vấn đề dịch bệnh trong nuôi tôm hiện nay, trước hết, theo ông Nguyễn Văn Hảo, cần xử lý tốt con giống và môi trường nuôi.

Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản thừa nhận, tình trạng sản xuất con giống trong nước hiện rất khó kiểm soát với hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống không đảm bảo chất lượng. “Nhiều cơ sở kinh doanh mua giống tôm Naupli, post của các cơ sở sản xuất tôm giống lớn về trộn với tôm tự sản xuất hoặc với tôm chợ. Sau đó, lấy bao bì nhãn mác của công ty làm thương hiệu của mình” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn cho biết.

Chỉ tiêu của Tổng cục Thủy sản đối với tôm nước lợ trong năm 2012: Diện tích thả nuôi giảm 6.400ha, còn 650.000ha; sản lượng tăng khoảng 5.500 tấn, đạt 510.000 tấn; có khoảng 50 cơ sở nuôi tôm được chứng nhận VietGAP...

Còn theo ông Lê Minh Quang, giá con giống trong nước hiện rẻ gấp đôi so với giống nhập khẩu. Tuy nhiên, chính vì rẻ nên mang đầy mầm bệnh, tỷ lệ sống thấp, tốc độ tăng trưởng chậm... Ông cho rằng cần đưa sản xuất con giống tôm thành ngành sản xuất có điều kiện. Điều này không chỉ giúp nuôi tôm đạt hiệu quả mà công tác phòng, trừ dịch bệnh cũng dễ dàng hơn.

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã có công văn yêu cầu Cục Thú y tăng cường kiểm soát hoạt động nhập khẩu con giống tôm, đảm bảo tôm giống không mang mầm bệnh khi nhập về. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu công khai các đơn vị tham gia nhập khẩu giống tôm để nông dân biết rõ.