Ông Lê Anh Dũng cho biết, việc triển khai Chương trình mHealth rất có ý nghĩa và rất quan trọng trong công tác phòng chống lao của dự án.
Giám đốc Dự án Lê Anh Dũng phát biểu tại hội nghị.
“Chương trình hỗ trợ trình độ, kiến thức, kỹ năng truyền thông của cán bộ các cấp HND tham gia dự án. Đồng thời, kịp thời cung cấp thông tin phòng chống lao cho người dân; thăm hỏi, tư vấn, hỗ trợ, giám sát bệnh nhân lao điều trị bệnh…”, ông Lê Anh Dũng cho biết.
Tuy nhiên, ông Dũng nhìn nhận, Chương trình mHealth còn nhiều bất cập, như quá trình cập nhật thông tin ca bệnh, tình hình điều trị bệnh nhân chưa được liên tục, kịp thời; Một số bệnh nhân không có điều kiện mua điện thoại đi động để nhận tin nhắn…
Theo ông Nguyễn Duy Hưng – cán bộ điều phối dự án, hiện có khoảng 10% bệnh nhân lao nghèo trong dự án cần hỗ trợ điện thoại nhằm tăng tính hiệu quả của Chương trình mHealth.
Theo đó, năm 2019, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống lao tiếp tục duy trì và mở rộng địa bàn triển khai phòng chống lao tại 14 tỉnh, thành Hội với 103 mô hình “Nông dân phát hiện lao sớm”, 28 mô hình “Hỗ trợ bệnh nhân lao, lao kháng thuốc” và 14 mô hình mHealth.
Đại diện, Hội ND tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là năm thứ 2 tỉnh Hội triển khai Chương trình mHealth. Năm 2019, tỉnh Hội đã triển khai Chương trình mHealth tại 2 huyện: Quảng Ninh và Bố Trạch.
“Chương trình đã tổ chức tuyên truyền phòng chống lao cho hơn 1.150 người. Tư vấn trực tiếp cho 272 người nghi mắc lao đến cơ sở y tế khám, phát hiện sớm bệnh lao”, vị này cho biết.
Mỗi năm VN có thêm 124.000 người mắc lao mới.
Tuy nhiên, đại diện Hội ND tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, Chương trình mHealth đang triển khai đang gặp không ít khó khăn, như: việc nắm bắt, cung cấp thông tin đôi lúc chưa kịp thời. Đa số người mắc bệnh lao là người nghèo, trình độ dân trí thấp, lón tuổi, mắt kém nên không có điều kiện sử dụng điện thoại di động. Một số bệnh nhân không có số diện thoại nên việc nhắc nhở điều trị bệnh qua hệ thống không thực hiện được.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình Bùi Thị Nga cũng cho rằng, một số người mắc bệnh lao trên địa bàn đang điều trị sống một mình, cao tuổi, gia đình khó khăn không có khả năng mua điện thoại và không sử dụng điện thoại di động được nên cán bộ cơ sở hội phải nhận thay tin nhắn rồi đến tận nhà bệnh nhân lao để động viên, nhắc nhỡ bệnh nhân uống thuốc đều đặn.
Bà Nga cũng cho biết, hiện trên địa bàn có hơn 100 trường hợp bệnh nhân lao cần hỗ trợ điện thoại để thực hiện Chương trình nhắn tin.
Kết luận tại Hội nghị, ông Lê Anh Dũng đánh giá cao công tác phòng chống lao của các tỉnh, thành HND trong năm qua.
“Các tỉnh, thành Hội đang làm rất tốt công tác này với tỷ lệ đạt 95 – 97%”, ông Lê Anh Dũng dẫn chứng.
Đại diện Hội ND tỉnh An Giang phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng đề nghị, các tỉnh, thành Hội cần tăng cường việc đăng ký khám và hỗ trợ điều trị, quản lý giám sát bệnh nhân lao;… Đối với Chương trình mHealth sẽ duy trì và mở rộng nội dung hoạt động.
Năm 2019, dự án đã tư vấn, hỗ trợ gần 123.760 người, vận động số người nghi mắc lao đi khám là 15.940 người, phát hiện hơn 1.390 người mắc lao mới, bệnh nhân lao kháng thuốc là 75 người.