Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) rạng sáng 8/1 phóng 22 tên lửa nhằm vào hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại Iraq là Ain al-Asad và Irbil để trả thù cho cái chết của thiếu tướng Qassem Soleimani. Quân đội Iraq cho biết toàn bộ tên lửa đều tới đích mà không bị đánh chặn. Điều này một lần nữa gây nghi ngờ về năng lực phòng không của Mỹ tại Trung Đông.
Mỹ đã triển khai các đơn vị tên lửa Patriot đến khu vực từ năm ngoái nhằm đối phó với mối đe dọa từ Iran. Thomas Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), cho rằng các tổ hợp Patriot này sẽ được ưu tiên sử dụng để bảo vệ những mục tiêu trọng yếu trong bối cảnh Mỹ và Iran đứng bên bờ vực chiến tranh.
Giới quan sát từng dự đoán Iran sẽ báo thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani bằng cách tấn công mục tiêu lớn như Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad, nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não về quân sự và ngoại giao Mỹ.
Ain al-Asad từng là căn cứ lớn thứ hai của Mỹ trong chiến dịch quân sự giai đoạn 2003-2011, nhưng hiện nhiều khả năng chỉ còn một nhóm nhỏ đặc nhiệm Mỹ được bố trí tại đây. Trong khi đó, sân bay Irbil nằm tại thủ phủ vùng tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq, cách rất xa thủ đô Baghdad.
Các chuyên gia cho rằng vị trí hẻo lánh và tầm quan trọng không thực sự lớn khiến hai căn cứ này không phải mục tiêu được ưu tiên bảo vệ bởi lá chắn Patriot. Mỹ hiện có khoảng 5.500 quân ở Iraq, được bố trí tại 7 cơ sở khác nhau và 5 căn cứ tại khu tự trị người Kurd.
"Những bức ảnh vệ tinh được công bố cho thấy dường như Mỹ không bố trí bất kỳ hệ thống Patriot nào ở cả hai căn cứ trên", chuyên gia phân tích Eric Gomez ở Viện Cato của Mỹ đánh giá.
Theo Karako, hiện rất khó đoán được tại sao các hệ thống Patriot không được sử dụng để bắn hạ tên lửa đạn đạo Iran, trong khi các quan chức Lầu Năm Góc kiên quyết từ chối bình luận về điều này. Tuy nhiên, chuyên gia này chỉ ra rằng Patriot là một hệ thống phòng thủ tên lửa rất tốt, nên căn cứ nào cũng muốn có nó để bảo vệ.
"Nhu cầu với Patriot rất cao, nhiều căn cứ, cơ sở quân sự Mỹ ở Trung Đông đều muốn được bảo vệ dưới lá chắn của nó. Nhưng thực tế là Patriot không thể hiện diện ở mọi nơi cùng lúc", Karako nói.
Hệ thống Patriot trong biên chế quân đội Arab Saudi từng bị chê bai khi không thể phát hiện cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) nhắm vào hai nhà máy lọc dầu hồi năm ngoái. Toàn bộ 88 bệ phóng Patriot của Arab Saudi, trong đó có 52 bệ phóng là phiên bản PAC-3 mới nhất, đều "im hơi lặng tiếng" trước đòn tấn công.
"Vụ tấn công cho thấy các hệ thống phòng không này không thể đẩy lùi đòn tập kích sử dụng lượng lớn vũ khí tấn công đường không", một quan chức giấu tên Bộ Quốc phòng Nga khi đó bình luận.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó giải thích cho thất bại của các tổ hợp Patriot rằng những khí tài hiện đại nhất không phải lúc nào cũng phát hiện được mục tiêu. "Chúng ta từng thấy các hệ thống phòng không khắp thế giới gặp thất bại", ông nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng tên lửa Patriot Mỹ không khai hỏa đánh chặn đòn tập kích của Iran có thể là do các hệ thống cảnh báo của họ đã phát hiện sớm và dự đoán được đường bay của tên lửa không gây nguy hiểm cho lực lượng Mỹ.
Jeremy Binnie, biên tập viên về Trung Đông và châu Phi tại tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly, cho rằng tên lửa đạn đạo Iran có quỹ đạo bay cao, dễ bị phát hiện và chủ động nhắm vào các khu vực trống trải ở hai căn cứ Mỹ.
"Đòn tập kích nhà máy dầu Arab Saudi năm ngoái dùng tên lửa hành trình và UAV, vốn rất khó phát hiện. Việc dùng tên lửa đạn đạo lần này có thể là động thái giúp hạn chế thiệt hại, bởi Tehran biết rõ quỹ đạo bay của tên lửa sẽ được radar phát hiện và dự đoán dễ dàng hơn", Binnie nói.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho biết khả năng cảnh báo sớm, thông tin tình báo kịp thời cùng "các biện pháp và kỹ thuật phòng thủ" giúp ngăn chặn thương vong trong vụ tập kích. Milley không nói rõ các biện pháp phòng thủ của Mỹ và có thể ám chỉ hầm trú ẩn dành cho binh sĩ tại hai căn cứ ở Iraq.