Không vay tiền vẫn phải... hầu tòa
Bà Huỳnh Thị Hồng (SN 1953) canh tác 0,7ha đất lúa tại xã Quê Mỹ Thạnh. Làm ruộng không đủ sống nên bà Hồng thường cùng người em gái là bà Huỳnh Thị Nghệ (SN 1960) bán trái cây ở lề đường trong xã kiếm tiền ăn hàng ngày. Ngày 27-4-2010, bà phải ra hầu tòa với lý do “nợ” Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL chi nhánh Tân An 200 triệu đồng! Số tiền này được ngân hàng xác định bà Hồng vay để “bổ sung vốn kinh doanh”.
Bà Huỳnh Thị Hồng khốn khổ với món nợ khổng lồ. |
Một người cháu của bà Hồng tên Nguyễn Thị Minh Truyền (SN 1972) được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng được triệu tập để tham gia phiên tòa. Theo hồ sơ, Truyền là người dẫn bà Hồng đến ngân hàng để làm thủ tục vay vốn.
Theo kết luận giám định số 538 ngày 9-11-2009 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An thì toàn bộ chữ ký cũng như chữ viết tay trong hồ sơ vay vốn mà ngân hàng cung cấp đều không phải chữ của bà Huỳnh Thị Hồng.
Quy định về vay vốn áp dụng tại các ngân hàng rất chặt chẽ. Theo đó, người vay vốn phải cầm theo CMND và trực tiếp ký tên trước mặt nhân viên ngân hàng. Trước tòa, đại diện ngân hàng cũng xác định bà Hồng không ký tên vay vốn, cũng không ủy quyền hoặc bảo lãnh cho bất kỳ ai.
Phiên tòa xác định bà Truyền đã cầm Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ) và giả mạo chữ ký, giả mạo nhân dạng của bà Hồng để vay vốn, nên tuyên buộc bà Truyền phải trả nợ. Tuy nhiên, do bà Truyền không có tài sản thế chấp nên phải giữ giấy đỏ của bà Hồng để bảo đảm trả nợ (!). Trước tòa, bà Hồng có đơn phản tố nhưng TAND huyện Tân Trụ… không xem xét.
Tòa huyện xử... bừa
Bà Huỳnh Thị Hồng
Không đồng ý với bản án, bà Hồng kháng cáo. Ngày 23-7-2010, TAND tỉnh Long An xét xử phúc thẩm. Theo bản án phúc thẩm, TAND huyện Tân Trụ đã thụ lý xét xử là trái Bộ luật Tố tụng Dân sự vì vụ án này thẩm quyền giải quyết phải là tòa cấp tỉnh. Hơn nữa, việc Tòa án huyện Tân Trụ không xem xét đơn phản tố của bà Hồng cũng là trái luật. Do những sai sót này không thể khắc phục được nên TAND tỉnh Long An phúc thẩm tuyên hủy án, giao vụ án cho TAND tỉnh Long An giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Do vụ án chưa xét xử nên giấy đỏ của bà Hồng tiếp tục bị giữ.
Theo trình bày của bà Hồng, nhiều năm trước đây có lần bà nhận lời bảo lãnh để cho bà Truyền vay vốn ở một ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh Long An. Thời điểm này ngân hàng thẩm định cho vay chỉ vài chục triệu đồng, khi thanh lý hợp đồng thì bà không đi vay nữa vì “ngán” nợ.
Tiếp xúc với NTNN, bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Phòng giao dịch Tân An (Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL) cho biết, đúng là bà Hồng không liên quan gì đến hợp đồng vay vốn. Khi thực hiện hợp đồng, bà Truyền đã dẫn mẹ ruột của mình là cụ Huỳnh Thị Tràng đến ngân hàng giả chữ ký của bà Hồng để vay. “Họ cầm theo cái CMND cấp năm 1980 (đã hết giá trị - PV) đến ngân hàng làm thủ tục nhưng bộ phận thẩm định sơ suất không để ý nên mới xảy ra sự cố” - bà Thủy nói.
Hữu Danh