Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản.
Đánh giá lại năm 2019, thủy sản là lĩnh vực đầy rẫy những khó khăn về thị trường, bị ảnh hưởng bởi những cuộc chiến thương mại. Ông có thể cho biết Tổng cục Thủy sản đã có những giải pháp gỡ khó như thế nào?
- Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp chỉ đạo các hội nghị đối với những sản phẩm chủ lực, đồng thời cũng có những chỉ đạo từng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm ở từng thời kỳ. Về phía ngành, ngay từ đầu năm đã có kế hoạch từ chỉ đạo mùa vụ đến hướng dẫn về quy trình công nghệ để đáp ứng tốt với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, giảm giá thành sản xuất.
Các doanh nghiệp chế biến cá tra đã tích cực liên kết với nông dân đầu tư vùng nuôi cá nguyên liệu. Ảnh: T.L
Bên cạnh đó, khi triển khai Luật Thủy sản có rất nhiều vấn đề mới, còn bỡ ngỡ, nhất là khó khăn trong việc thay đổi nhận thức, áp dụng quy trình mới... Ngành đã rất nỗ lực và lường trước những khó khăn có thể xảy ra để từ đó có những chỉ đạo quyết liệt. Kết quả là tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản đạt trên 6,2%; tổng sản lượng đạt xấp xỉ 8,2 triệu tấn, vượt 4,5% so với kế hoạch đề ra của năm 2019.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu chưa đạt như kỳ vọng. Thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục theo đề án tái cơ cấu như: Tăng chế biến sâu, chế biến những sản phẩm gia tăng khác để dù lượng không tăng, nhưng vẫn tăng được giá trị xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường.
Trong cuộc đối thoại của Thủ tướng với nông dân tại Cần Thơ tháng 12/2019, Thủ tướng đã nhắc nhiều đến Nghị quyết 120, trong đó có việc phải chuyển đổi, giảm bớt 500.000ha lúa tại ĐBSCL để chuyển sang các lĩnh vực có lợi thế hơn như thủy sản, trái cây… Vậy ngành thủy sản đã chuẩn bị những gì để thực hiện?
- Thực hiện Nghị quyết 120, với chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Tổng cục Thủy sản đã cùng các địa phương xây dựng mô hình, tổ chức lại sản xuất. Đối với tôm, đẩy mạnh mô hình tôm sú lúa luân canh hoặc kết hợp tôm càng xanh - lúa, phát triển tôm rừng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất của tôm sú quảng canh. Đấy là những mảng còn dư địa rất lớn để phát triển.
Những vùng trồng lúa kém hiệu quả hoặc xâm nhập mặn, hiện nay các địa phương cũng đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Như An Giang, có những khu vực đã chuyển được 600ha để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất khép kín chuỗi cá tra và tham gia vào đề án chuỗi cá tra 3 cấp. Một số địa phương cũng ứng dụng khoa học công nghệ cao để nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi trong hệ thống tuần hoàn, ứng dụng vi sinh để đảm bảo tôm sản xuất ra sạch, truy xuất được nguồn gốc, tiến tới xây dựng thương hiệu cho tôm và cá tra của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm cơ sở sản xuất tôm giống của Công ty Nam Miền Trung Ảnh: T.L
Doanh nghiệp tích cực mở rộng liên kết theo chuỗi Theo ông Trần Đình Luân, gần đây, các doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng chương trình tái cơ cấu của ngành, đặc biệt hướng theo chỉ đạo liên kết theo chuỗi, trong đó có doanh nghiệp đã chủ động hỗ trợ kinh phí cho vùng liên kết để đạt được chứng nhận quốc tế hoặc VietGAP. Đây là tín hiệu rất mừng, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng bà con để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho bà con, đảm bảo an toàn thực phẩm về nguyên liệu cho nhà máy… |
Bên cạnh đó, những đối tượng nuôi khác cũng rất đa dạng. Vừa rồi ĐBSCL đưa rất nhiều mô hình nuôi cá biển như cá chẽm vào nuôi trong ao và một số đối tượng nuôi khác. Điều này vừa giúp giảm áp lực về môi trường đối với nuôi tôm, mở ra mô hình nuôi tôm và nuôi cá luân canh, góp phần bền vững và đa dạng hóa sản phẩm.
Để chuyển hướng như vậy, việc đầu tư các thiết chế hạ tầng rất quan trọng. Vấn đề này đã được Bộ, Tổng cục Thủy sản đặt ra như thế nào?
- Hạ tầng ĐBSCL hiện nay còn yếu kém. Vừa qua đã có sự quan tâm của Nhà nước về đầu tư hạ tầng và Ban Cán sự Đảng Bộ NNPTNT đã ra hẳn nghị quyết ưu tiên nâng đầu tư về cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực thủy sản thông qua Bộ tăng lên gấp rưỡi. Với sự quan tâm đó, tôi nghĩ rằng việc xoay trục sản phẩm trong thời gian tới sẽ bền vững.
Cùng với đó, trong Luật Quy hoạch quy định các địa phương phải quy hoạch lại phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó xác định vùng nào là ưu thế, phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản thì cùng với ứng dụng khoa học công nghệ, có đầu tư hạ tầng, kết nối vùng từ con giống, người nuôi, chế biến, xuất khẩu và các ngành phụ trợ kèm theo. Tất cả sẽ phát triển một cách đồng bộ.
Hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng đang tăng, ông có khuyến cáo gì trước một số ý kiến lo ngại người dân sẽ lại đổ xô nuôi?
- Đối với con tôm thẻ chân trắng, chúng ta đã định hướng phát triển phải cân đối được đầu vào, đầu ra, đó là tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Không chỉ Việt Nam nuôi được tôm thẻ chân trắng mà chúng ta có những đối thủ rất lớn như: Ecuador, Ấn Độ và một số nước khác. Nếu phát triển ồ ạt, không tổ chức liên kết theo chuỗi, đặc biệt nếu không gắn với chuỗi liên kết, với doanh nghiệp, nhà máy chế biến thì sẽ rất rủi ro.
Bài học của cá tra vừa rồi cho thấy, những hộ đang nằm trong trục liên kết thì hầu như vẫn có lời, sản xuất ổn định. Những người nào thấy 2 năm trước nuôi cá tra có lãi, cũng đào đất lúa sang nuôi cá thì ngay lập tức gặp rủi ro. Bởi khi giá cá xuống, doanh nghiệp phải ưu tiên mua trong chuỗi liên kết, không thu mua bên ngoài.
Vì thế, khi mở rộng diện tích phải tuân thủ theo quy định của Luật Thủy sản, cơ sở phải đăng ký để có được mã số nuôi. Đồng thời, phải tổ chức liên kết được theo chuỗi, đặc biệt có sự tham gia của các nhà máy chế biến để ổn định cung - cầu, tránh tăng nóng sẽ gây thiệt hại cho bà con.
Xin cảm ơn ông!